Taliban chiếm Afghanistan: Joe Biden rối trí, kẻ thù của Mỹ hả hê

Giúp NTDVN sửa lỗi

Taliban đã hoàn toàn tiếp quản Afghanistan mà không cần tốn nhiều công sức, báo hiệu một chế độ cầm quyền hà khắc sắp được thiết lập. Trong khi đó đối với những người đang chạy trốn khỏi địa ngục trần gian, cho dù đó là công dân Mỹ di tản khỏi đại sứ quán, hay dân thường Afghanistan, tất cả đều có một điểm chung: Đó là nỗi kinh hoàng và tuyệt vọng để được Tự do.

Video:

Hình ảnh kinh hoàng thay mọi lời nói

Sự hoảng loạn này khiến nhiều người nhớ lại phát biểu của Tổng thống Joe Biden hồi tháng trước, khi ông khẳng định sức mạnh của quân đội Afghanistan và phủ nhận lịch sử tái hiện về việc Mỹ sẽ phải di tản vội vàng dưới áp lực quân sự của đối phương.

Ông tuyên bố: “Sẽ không có chuyện quý vị phải chứng kiến ​​cảnh nhiều người bị nhấc khỏi nóc nhà của đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan”.

Nhưng Joe Biden càng nói nhiều, càng cho thấy không đúng sự thật. Và những video kinh hoàng về cuộc không vận có 1-0-2 của Mỹ mà thế giới đang tận mắt chứng kiến lại không hề biết nói dối.

Những gì đang diễn ra tại sân bay quốc tế Kabul cho thấy người Afghanistan đang tuyệt vọng tìm lối thoát, bất chấp việc liều mạng bám vào càng máy bay và bỏ mạng giữa không trung.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, những người Afghanistan hoảng loạn đã tranh nhau lên chiếc C-17 Globemaster vào cuối ngày 15/8. Thay vì cố gắng buộc những người tị nạn đó rời khỏi máy bay, "phi hành đoàn đã quyết định khởi hành" đem theo khoảng 640 người Afghanistan rời khỏi đất nước.

Một chiếc C-17 khác cất cánh hôm 16/8 khi hàng trăm thường dân Afghanistan vẫn tuyệt vọng tràn vào sân bay. Theo các nguồn tin, ba người bám vào động cơ và rơi xuống đất tử vong khi máy bay cất cánh. Theo CBS News, hai người khác được cho là đã bị máy bay cán chết khi đang lăn bánh khởi hành.

Những người không tới được sân bay, đặc biệt là phụ nữ thì ở im trong nhà cửa đóng then cài. Trong thành phố và bên ngoài sân bay hoàn toàn vắng bóng người. Cả thủ đô Kabul hiện chìm trong bầu không khí kinh hãi tột độ. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi những công dân Mỹ vẫn còn kẹt lại ở thủ đô Kabul nhanh chóng tìm chỗ "trú ẩn”. (twitter 5)

Wall Street Journal - một tờ báo không mấy thân thiện với chính quyền Trump cũng phải ra một bài xã luận sâu cay, quy trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng nhân đạo này nhằm thẳng vào Joe Biden

Bài báo có đoạn viết như sau:

“Ông Biden chỉ trích người tiền nhiệm nhiều hơn những gì ông ta đã làm đối với lực lượng Taliban. Tổng thống đã dành 7 tháng để lật ngược mọi chính sách của Trump từ đối nội đến đối ngoại một cách phô trương. Tuy nhiên, giờ đây ông ta tuyên bố chính sách Afghanistan là chính sách mà ông ta không thể làm gì hơn.

Đây là một sự phủ nhận thảm hại đối với chính quyền của ông.

Ông ta ra lệnh rút quân nhanh chóng và toàn diện chỉ để hoàn thành cho kịp cái ngày mang tính biểu tượng - ngày 11/9. Hầu hết truyền thông Mỹ lúc bấy giờ đều ca ngợi quyết định của ông là dũng cảm.

Kết quả chỉ 4 tháng sau đó là sự sỉ nhục tồi tệ nhất của Mỹ kể từ khi Sài Gòn thất thủ năm 1975. Taliban đang nói rằng họ muốn "chuyển giao quyền lực một cách hòa bình" ở Kabul, nhưng cảnh tượng cho thấy rõ sự thất bại của nước Mỹ. Một cuộc tiêu hủy tài liệu mật hối hả. Trực thăng di tản các nhà ngoại giao Mỹ, cùng với việc bỏ rơi những thiết bị quân sự có giá trị của Mỹ vào tay Taliban.

Tệ nhất là hoàn cảnh của những người Afghanistan đã làm việc cho Mỹ trong hơn hai thập kỷ. Chính quyền Biden đã quá chậm chạp trong việc đưa họ ra khỏi đất nước bất chấp những cảnh báo khẩn cấp. Việc Taliban giết hại những người vô tội này sẽ tạo nên vết nhơ cho Tổng thống Biden.”

Bên thảnh thơi, bên hoảng trí

Những diễn biến tại Afghanistan không khác gì một bộ phim hành động Hollywood gay cấn, khiến chính quyền Biden choáng váng và các cố vấn tại Nhà Trắng không lường trước đà tiến công của Taliban. Chính vì vậy đã biến kế hoạch rút quân của Mỹ thành nhiệm vụ di tản khẩn cấp trong nhục nhã.

Ngày 16/8, phát ngôn viên của Taliban tuyên bố “chiến tranh đã kết thúc” ở Afghanistan sau khi lực lượng này chiếm lĩnh thủ đô Kabul và tiến vào dinh tổng thống.

Bản thân Thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar cũng thừa nhận tốc độ tiến quân nằm ngoài dự đoán, và tuyên bố sẽ khôi phục Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan, tức phục hồi chế độ hồi những năm 1990.

Trong khi ấy, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên cho biết sẵn sàng thúc đẩy “quan hệ hữu nghị” với Taliban.

Giờ hãy xem Tổng thống Joe Biden nói gì?

Sau khi tiếp tục đổ lỗi cho người tiền nhiệm Donald Trump, Joe Biden nói rằng ông sẽ không lặp lại "những sai lầm trong quá khứ", bằng cách cảnh báo sẽ sử dụng "vũ lực tàn khốc" với Taliban:

"Chúng tôi sẽ bảo vệ người dân của chúng tôi bằng vũ lực tàn khốc nếu cần thiết. Nhiệm vụ quân sự hiện tại của chúng tôi rất ngắn về thời gian, giới hạn về phạm vi và tập trung vào các mục tiêu: Đưa người dân và đồng minh đến nơi an toàn và nhanh chóng nhất".

Thực tế thì thế nào? Ngày 15/8, tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ - Tướng Frank McKenzie đã phải đàm phán với đại diện Taliban để yêu cầu nhóm phiến quân này không tấn công vào sân bay Kabul, nơi Mỹ đang tiến hành cuộc di tản quy mô lớn.

Còn Taliban thì thế nào?

Nhóm phiến quân này đang vô cùng thảnh thơi. Các video cho thấy một nhóm Taliban ăn uống trong dinh thự dát vàng của tướng Afghanistan, số khác mang theo vũ khí chơi đu quay, xe đụng trong công viên giải trí. Nhóm khác thì sử dụng các dụng cụ tập luyện tại phòng tập thể hình và ăn mừng trong phủ tổng thống tại thủ đô Kabul.

Còn Thủ lĩnh Taliban Abdul Ghani Baradar thì sao?

Ông ta xuất hiện trước truyền thông thế giới ngày 15/8 giống như một “người hùng” giành chiến thắng chóng vánh trước quân đội chính phủ Afghanistan và trước sự ngỡ ngàng đến bất lực của chính quyền Joe Biden, và có triển vọng trở thành người đứng đầu thể chế điều hành đất nước.

Kẻ thù của Mỹ vô cùng hân hoan

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Taliban trở lại nắm quyền sau 20 năm đã khiến một số cường quốc trong khu vực đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng, đã phát đi tín hiệu sẵn sàng tương tác với lãnh đạo Taliban, đặc biệt là hai đối thủ truyền kiếp của Mỹ là Trung Quốc và Nga.

Đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Afghanistan là ông Zamir Kabulov hôm 16/8 nhấn mạnh rằng, so với "chính quyền bù nhìn ở Kabul", thì việc thỏa thuận với Taliban dễ dàng hơn rất nhiều.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng phát triển các mối quan hệ hữu nghị, thiện lành và hợp tác với Afghanistan. Taliban cũng cam kết về việc không để Afghanistan trở thành nơi tiến hành "các hành vi bất lợi cho Trung Quốc".

Điều đó đồng nghĩa với việc ĐCSTQ đã có thỏa thuận bí với mật với Taliban, không cho phép người Duy Ngô Nhĩ tị nạn tại Afghanistan nhằm tránh cuộc diệt chủng dã man tại Trung Quốc.

Giờ đây, Trung Quốc đang lộ rõ sự bồn chồn háo hức sớm được có mặt ở Afghanistan hơn cả những người cộng sản Xô viết trong những năm 1980, và chắc hẳn Bắc Kinh sẽ không bao giờ phàn nàn về sự tàn bạo của Taliban đối với dân thường tại nước này. Bởi ĐCSTQ vốn dĩ cũng tàn bạo với người dân của nó hệt như khủng bố Taliban.

​​Phía sau Taliban là cái bóng của ĐCSTQ

Các cuộc tấn công của Taliban vào quân chính phủ bắt đầu vào hồi đầu tháng 5. Hơn hai tháng sau, ngày 28/7, nhân vật số hai của Taliban là Mullah Baradar Akhund đã bay đến Trung Quốc và được Ngoại trưởng Vương Nghị tiếp đón trọng thị.

Sau cuộc gặp này, Taliban bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công bạo lực dữ dội hơn ở Afghanistan, và một số tỉnh lỵ nhanh chóng đã thất thủ. Sau khi tiến vào thủ đô Kabul vào ngày 15/8, Taliban tuyên bố cuộc chiến ở Afghanistan đã kết thúc và Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan sẽ sớm được thành lập.

Trong báo cáo mới nhất của Tổng thanh tra Hoa Kỳ giám sát việc tái thiết Afghanistan, đã hé lộ một thông tin ít người được biết. Đó là Trung Quốc gần đây đã gia tăng đáng kể lợi ích kinh tế của mình ở Afghanistan, đặc biệt là hoàn thành một con đường cao tốc tại Hành lang Wakhan - một dải đất dài khoảng 220km nối giữa hai nước.

Trước đó, Taliban chứ không phải quân chính phủ Afghanistan, mới là lực lượng trấn giữ Hành lang Wakhan, cùng với việc kiểm soát các cửa khẩu biên giới ở miền bắc nước này.

Việc thủ đô Kabul nhanh chóng thất thủ và Afghanistan hoàn toàn rơi vào quyền kiểm soát của Taliban trước sự ngỡ ngàng của tình báo quân đội Mỹ, tất cả đều diễn ra sau khi Taliban gặp các lãnh đạo ĐCSTQ.

ĐCSTQ quan niệm rằng, kẻ thù của kẻ thù chính là bạn. Lực lượng khủng bố Taliban chống lại Mỹ và đồng minh phương tây thì đương nhiên ĐCSTQ sẽ ủng hộ Taliban để răn đe Mỹ.

Đó là một mũi tên trúng nhiều đích, vừa mang lại lợi ích kinh tế và quyền lực cho ĐCSTQ, vừa thể hiện sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với các chế độ độc tài đang thoi thóp trên toàn thế giới. Tất cả đều nằm trong âm mưu quỷ quyệt thống trị thế giới của ĐCSTQ.

Cảnh tháo chạy của người Mỹ trong những ngày vừa qua đã khơi gợi niềm cảm hứng cho truyền thông ĐCSTQ. Vào ngày Taliban giành được quyền lực ở Afghanistan, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã liên tiếp đăng những bài bình luận mỉa mai nhắm vào nước Mỹ.

Tân Hoa xã cho rằng "chính sách của Mỹ là một thất bại", "việc quân đội Mỹ đột ngột bỏ trốn đã dẫn đến một cuộc chạy trốn lớn, một cuộc không vận lớn và một sự sụp đổ lớn", "Hoa Kỳ đã phạm phải những sai lầm nào?", vân vân và vân vân.

Phải chăng tình trạng hỗn loạn ở Afghanistan càng cho thấy sự yếu nhược của vị Tổng thống 78 tuổi, vốn vẫn chỉ đang tập trung vào chương trình nghị sự trong nước, trong đó có kế hoạch cơ sở hạ tầng ngốn hàng nghìn tỷ đô la vừa được quốc hội phê duyệt sẽ tiếp tục quẳng nước Mỹ thêm một gánh nặng vào các dự án chi tiêu phiêu lưu.

Chỉ có kẻ thù của Mỹ là đang ngồi vuốt râu thưởng trà quan sát nước Mỹ đang đà suy yếu dưới thời chính quyền Joe Biden.

Xuân Trường



BÀI CHỌN LỌC

Taliban chiếm Afghanistan: Joe Biden rối trí, kẻ thù của Mỹ hả hê