Taliban bác bỏ thông tin nhà đồng sáng lập kiêm lãnh đạo cấp cao bị giết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 14/9, Taliban đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố rằng, một trong những thủ lĩnh hàng đầu đồng thời là nhà đồng sáng lập của nhóm khủng bố đã bị giết trong một cuộc đụng độ với lực lượng kháng chiến chống Taliban.

Các tin đồn gần đây lan truyền về sự biến mất của Mullah Abdul Ghani Baradar - một nhà lãnh đạo hàng đầu đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi nhóm phiến quân Taliban tiếp quản một cách chóng vánh quốc gia Afghanistan bị chiến tranh tàn phá, và đánh bại chính phủ tiền nhiệm do phương Tây hậu thuẫn.

Thuật ngữ "Mullah" có ý nghĩa tương tự như từ "Lord" trong tiếng Anh, dùng để chỉ một người đàn ông có chức vụ, địa vị cao trong thế giới Hồi giáo; họ có thể là nhà lãnh tụ tôn giáo, nhà lãnh đạo, hay một người có học thức cao đáng tôn trọng trong xã hội Hồi giáo.

Phát ngôn viên Suhail Shaheen của Taliban đã bác bỏ tin đồn ông Baradar đã bị giết trong một tuyên bố trên Twitter. Vị phát ngôn viên khẳng định, lãnh đạo Baradar đã đưa ra một thông điệp ghi âm để bác bỏ tất cả những tuyên bố đó.

Phát ngôn viên Shaheen cho biết: “Trong một tin nhắn thoại, ông [Baradar] đã bác bỏ tất cả những tuyên bố rằng ông ấy đã bị thương hoặc bị giết trong một cuộc đụng độ”. Ông Shaheen còn bổ sung, nhà đồng sáng lập Taliban đã nói với người này rằng, những tin đồn đó là “dối trá và hoàn toàn vô căn cứ”.

Phía Taliban đưa ra lời bác bỏ này vài ngày sau khi có tin đồn rằng, những người ủng hộ ông Baradar đã xung đột với phía ủng hộ ông Sirajuddin Haqqani - người đứng đầu mạng lưới khủng bố Haqqani có trụ sở gần biên giới với Pakistan. Mạng lưới này bị buộc tội phải chịu trách nhiệm cho một số vụ tấn công liều chết tồi tệ nhất trong chiến tranh.

Những tin đồn cũng xuất hiện theo suy đoán về sự cạnh tranh có thể xảy ra giữa các chỉ huy quân sự như ông Haqqani với các nhà lãnh đạo từ văn phòng chính trị ở Doha như ông Baradar, người đã dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao để đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ.

Ông Baradar đã giữ các chức vụ ở cấp hành pháp trong thời kỳ phiến quân Taliban cầm quyền tại Afghanistan từ năm 1996 đến 2001. Ông cũng được nêu tên là vị chỉ huy thứ hai, sau khi Taliban công bố một chính phủ mới cho Afghanistan vào đầu tháng này.

Người đồng sáng lập Taliban là Mullah Abdul Ghani Baradar (giữa) và các thành viên khác của phái đoàn Taliban đến tham dự một hội nghị quốc tế về Afghanistan về giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Moscow ngày 18/3/2021. (ALEXANDER ZEMLIANICHENKO / POOL / AFP qua Getty Images)
Người đồng sáng lập Taliban là Mullah Abdul Ghani Baradar (giữa) và các thành viên khác của phái đoàn Taliban đến tham dự một hội nghị quốc tế về Afghanistan về giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Moscow ngày 18/3/2021. (ALEXANDER ZEMLIANICHENKO / POOL / AFP qua Getty Images)

Ông Baradar là một trong những người sáng lập ban đầu của Taliban vào đầu những năm 1990. Một số cơ quan liên bang Hoa Kỳ từ lâu đã xác định nhóm phiến quân này là một nhóm khủng bố. Khi Hoa Kỳ tiến quân vào Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, ông Baradar đã trốn sang Pakistan.

Nhiều năm sau, ông Baradar bị quân Pakistan bắt giam ở Karachi và sau đó được thả ra tù vào năm 2018, sau khi chính quyền nước này nhận được yêu cầu phóng thích ông, để Baradar có thể dẫn dắt các cuộc đàm phán hòa bình.

Trong khi đó, lãnh đạo tối cao của Taliban - Mullah Haibatullah Akhundzada - cũng không xuất hiện trước công chúng kể từ khi nhóm phiến quân giành quyền kiểm soát Kabul vào tháng trước, mặc dù ông đã đưa ra tuyên bố công khai khi chính phủ mới được công bố.

Những suy đoán về các nhà lãnh đạo Taliban đã dấy lên từ những tình huống xung quanh cái chết của người sáng lập phong trào là Mullah Omar. Thông tin này chỉ được công khai vào năm 2015, hai năm sau khi sự kiện xảy ra, đặt ra những quyết định cay đắng trong cấp lãnh đạo của nhóm.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Taliban bác bỏ thông tin nhà đồng sáng lập kiêm lãnh đạo cấp cao bị giết