Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ so sánh ứng phó của Đài Loan và Trung Quốc trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar đã đưa ra nhiều lời chỉ trích trực tiếp hơn đối với những sai lầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc xử lý sự bùng phát của virus Corona Vũ Hán, vào ngày cuối cùng trong chuyến thăm Đài Loan dài 4 ngày của ông.

So với cách chia sẻ thông tin minh bạch của Đài Loan, ĐCSTQ lại “không chia sẻ được các phân lập của chủng virus từ các trường hợp nhiễm [viêm phổi Vũ Hán] ban đầu; không tiết lộ khả năng lan truyền nhanh chóng từ người sang người (của chủng virus này); không tiết lộ các ca lây nhiễm không có triệu chứng; từ chối cho phép các chuyên gia bên ngoài tìm hiểu về căn bệnh”, Bộ trưởng Y tế Azar cho biết vào ngày 12/8, vài giờ trước khi ông và phái đoàn Hoa Kỳ rời Đài Loan.

Ông Azar đưa ra nhận xét này trong cuộc họp với báo giới do Trung tâm Truyền thông Châu Á Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Manila tổ chức.

Viêm phổi Vũ Hán, hay còn gọi được WHO gọi COVID-19, là căn bệnh do chủng virus Corona Vũ Hán gây ra. Loại virus này có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán thuộc miền trung Trung Quốc, xuất hiện vào cuối năm 2019. Tuy nhiên ở thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc đã che giấu sự bùng phát với công chúng, giấu kín các thông tin quan trọng — chẳng hạn như khả năng lây lan giữa người với người của chủng virus này.

Vào cuối tháng 12, ĐCSTQ đã bịt miệng 8 bác sĩ, trong đó có bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng (Li Wenliang), vì họ đã tiết lộ trên mạng xã hội Trung Quốc thông tin về một dạng bệnh viêm phổi mới đang lan rộng ở Vũ Hán. Bác sĩ Lý sau đó đã bị cảnh sát khiển trách vì hành động của mình. Không lâu sau đó, vị bác sĩ này đã qua đời chính bởi COVID-19.

Ông Azar phát biểu: “Trung Quốc hẳn đã có thể – và lẽ ra phải tiết lộ nhiều thông tin hơn, minh bạch hơn và hợp tác hơn về COVID-19”.

Ông cũng chỉ ra việc Bắc Kinh gây sức ép với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để ngăn các quốc gia khác áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới và hạn chế đi lại trong giai đoạn đầu của đại dịch. Theo Bộ trưởng Azar, động thái này đã khiến chủng virus chết người lây lan sang châu Âu, và những người du lịch ở châu Âu sau đó đã lây lan virus sang Mỹ.

Tại cuộc họp giao ban của WHO vào ngày 4/2, Giám đốc WHO là ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã khuyến cáo các quốc gia không nên áp đặt các hạn chế đi lại, với luận điệu việc này “can thiệp một cách không cần thiết vào việc đi lại và thương mại quốc tế”.

Ông Tedros còn nói thêm: "Những hạn chế như vậy có thể có tác động làm gia tăng nỗi sợ hãi và kỳ thị, mà ít có lợi cho sức khỏe cộng đồng".

Ông Azar tiếp tục khen ngợi Đài Loan, một ngày sau khi ông đưa ra nhận xét tương tự trong bài phát biểu tại một trường đại học địa phương, vì đã “đi ngược lại với cách ứng xử của ĐCSTQ” khi chống lại thảm họa đại dịch.

Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ cho biết, ông hy vọng Đài Loan có thể được tham gia vào các nhóm và tổ chức quốc tế để các quốc gia khác có thể học hỏi từ chuyên môn y tế cộng đồng của quốc đảo này.

Hiện tại, Đài Loan không phải là thành viên chính thức của WHO do sự phản đối từ chính quyền Bắc Kinh, vì ĐCSTQ luôn coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình và do đó tuyên bố rằng nó có thể đại diện cho hòn đảo này tại cơ quan y tế thế giới.

Đài Loan đã được quốc tế khen ngợi vì đã thành công ngăn chặn sự lây lan của virus. Tính đến ngày 12/8, Đài Loan, với dân số khoảng 24 triệu người, chỉ có 481 trường hợp COVID-19 được xác nhận và 7 trường hợp tử vong, mặc dù nó nằm rất gần Trung Quốc đại lục.

Đài Loan đang nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng quốc tế, không chỉ nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh mà còn vì nước này đã cam kết vận chuyển hàng triệu khẩu trang y tế tới các khu vực có dịch bệnh.
Đài Loan đang nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng quốc tế, không chỉ nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh mà còn vì nước này đã cam kết vận chuyển hàng triệu khẩu trang y tế tới các khu vực có dịch bệnh. (Ảnh: Getty)

Bộ trưởng Azar cho biết, ông và các quan chức Đài Loan cũng đã thảo luận về các vấn đề thương mại song phương, nhưng không nói rõ chi tiết.

Đài Loan từ lâu đã bày tỏ mối quan tâm đến việc ký kết một hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ. Thương mại hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ với Đài Loan đạt mức cao nhất 94,5 tỷ USD (khoảng 2,19 triệu tỷ VNĐ) trong năm 2018, theo dữ liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR).

Vào tháng 7, Thượng nghị sĩ Cory Gardner đã thúc giục đại diện của USTR là ông Robert Lighthizer bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại với Đài Loan.

Ông Azar nói thêm, ông đã trao đổi với các nhà lãnh đạo của khu vực tư nhân và chính phủ của quốc đảo rằng các công ty Đài Loan có thể đầu tư vào Hoa Kỳ để sản xuất thiết bị phòng vệ cá nhân (PPE), chẳng hạn như khẩu trang.

Hoa Kỳ đã trải qua tình trạng thiếu hụt trong giai đoạn đầu khi đại dịch bùng phát tại nước này, do thiếu hụt nguồn lực sản xuất trong nước và do sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi dây chuyền sản xuất PPE.

Trước khi rời Đài Loan ngày 13/8, ông Azar đã đến thăm một nhà sản xuất khẩu trang địa phương. Ông cũng bày tỏ sự kính trọng đối với cố Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) tại một đài tưởng niệm ở Đài Bắc, và để lại những dòng chữ sau trên bức tường tưởng niệm: "Di sản dân chủ của Tổng thống Lý sẽ mãi mãi thúc đẩy mối quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan tiến lên."

Cố Tổng thống Lý được gọi là cha đẻ của nền dân chủ Đài Loan, đã qua đời vào ngày 30/7 vừa qua.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ so sánh ứng phó của Đài Loan và Trung Quốc trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán