Sau khi Đài Loan xảy ra tai nạn đường sắt, Trung Quốc liên tục gửi máy bay tới quấy nhiễu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi tàu cao tốc Taroko của Đài Loan trật bánh vào ngày 2/4, khiến 50 người tử vong và hơn 200 người bị thương, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn liên tục điều máy bay và tàu quân sự tới quấy nhiễu quốc đảo này.

Vào ngày đầu tiên của lễ Thanh minh, chuyến tàu Taroko 408 của Đài Loan khởi hành từ Thụ Lâm đến Đài Đông lúc hơn 9 giờ sáng ngày 2/4 và chở 496 người, khi đi ra khỏi cửa phía Nam của đường hầm Hòa Nhân ở Hoa Liên đã đâm phải chiếc xe công trình trước đó bị trượt từ sườn đồi xuống chắn ngang đường ray và trật bánh, gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng nhất cho đường sắt Đài Loan trong 73 năm qua.

Sau tai nạn "Taroko", khắp Đài Loan đã nhiệt tình quyên góp hỗ trợ. Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, ông Trần Thời Trung (Chen Shizhong) cho biết tính đến 11 giờ sáng ngày 7/4, tổng số tiền quyên góp đã lên đến hơn 400 triệu Đài tệ (khoảng 325 tỷ VNĐ). Bộ trưởng cho biết, số tiền này sẽ được gửi đến những người thương vong và hỗ trợ cho trẻ em đi học. Ủy ban sẽ thảo luận về hướng sử dụng các khoản đóng góp này vào tuần tới.

Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Đài Loan - ông Trương Đôn Hàm (Zhang Dunhan) cho biết vào ngày 5/4 rằng, Tổng thống Thái Anh Văn, Phó tổng thống Lại Thanh Đức và Viện trưởng Hành chính viện (tương đương với Thủ tướng) Tô Trinh Xương đều quyên góp một tháng thu nhập vào tài khoản cứu trợ thảm họa của Bộ Y tế và Phúc lợi với tư cách cá nhân, để hỗ trợ theo dõi điều trị y tế, phục hồi chức năng và hỗ trợ kinh tế cho người bị tai nạn và gia đình của họ.

Thế giới gửi lời chia buồn đến vụ tai nạn đường sắt của Đài Loan

Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc cho biết, Đài Loan tiếp tục nhận được lời chia buồn từ các chính trị gia và bạn bè từ khắp nơi trên thế giới sau vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra vào ngày 2/4. Tính đến trưa ngày 6/4, Bộ Ngoại giao đã nhận được lời chia buồn chân thành của 846 nguyên thủ quốc gia, chính phủ và các ngoại trưởng, nghị sĩ quốc hội, học giả, chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế đến từ 97 quốc gia hữu nghị và các tổ chức quốc tế.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới sự quan tâm và chia buồn của các chính khách và bạn bè quốc tế.

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương ĐCSTQ Tập Cận Bình cũng bày tỏ rất lo ngại về những thương vong lớn do vụ tàu trật bánh ở Đài Loan gây ra. Ông Tập "gửi lời chia buồn sâu sắc tới các đồng bào gặp nạn và gửi lời thăm hỏi chân thành đến gia đình các nạn nhân và đồng bào bị thương".

Máy bay của ĐCSTQ quấy rối Đài Loan trong nhiều ngày liên tiếp

Để đối phó với việc ĐCSTQ thường xuyên điều máy bay quân sự và tàu chiến đến quấy rối Đài Loan, Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc đã công bố các động thái của Trung Quốc trong phần "Cập nhật quân sự theo thời gian thực" trên trang web chính thức của họ kể từ ngày 17/9 năm ngoái.

Vào lúc chiều tối ngày 5/4, Không quân Đài Loan đã đăng thông báo về động thái của máy bay quân sự của ĐCSTQ, cho biết có tổng cộng 10 máy bay xâm nhập vào Vùng Nhận dạng Phòng không Tây Nam (ADIZ) của Đài Loan. Trong số đó có 8 máy bay đã bay đến không phận Đông Nam của Đài Loan. (Ảnh từ Bộ Quốc phòng Đài Loan)
Vào lúc chiều tối ngày 5/4, Không quân Đài Loan đã đăng thông báo về động thái của máy bay quân sự của ĐCSTQ, cho biết có tổng cộng 10 máy bay xâm nhập vào Vùng Nhận dạng Phòng không Tây Nam (ADIZ) của Đài Loan. Trong số đó có 8 máy bay đã bay đến không phận Đông Nam của Đài Loan. (Ảnh từ Bộ Quốc phòng Đài Loan)

Sau tai nạn thảm khốc ở Đài Loan vào ngày 2/4, Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố vào ngày 3/4 rằng, ĐCSTQ đã điều một máy bay chống tàu ngầm Y-8 xâm phạm Vùng nhận dạng Phòng không Tây Nam (ADIZ) của Đài Loan; vào ngày 4/4, một máy bay trinh sát kỹ thuật Y-8 lại tới gây rối vùng ADIZ; vào ngày 5/4, ĐCSTQ đã gia tăng mối đe dọa đối với Đài Loan, ngoài việc điều nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh tiến về phía Nam, phía Trung Quốc còn cho 10 máy bay chiến đấu tới quấy rối vùng ADIZ, trong đó có 8 chiếc máy bay chống tàu ngầm đã tiến vào vùng trời Đông Nam của Đài Loan. Vào ngày 6/1, một chiếc máy bay KJ-500, hai chiếc J-16 và một máy bay trinh sát kỹ thuật Y-8 của ĐCSTQ lại tiếp tục xâm phạm vùng ADIZ.

Nhà lập pháp Vương Định Vũ của Đài Loan tuyên bố trên Facebook rằng, từ vụ tai nạn máy bay F-5E của Không quân Đài Loan cho đến tai nạn đường sắt Đài Loan lần này, máy bay quân sự của ĐCSTQ đã không ngừng quấy rối Đài Loan. Những hành vi này của ĐCSTQ không chỉ khiến ‘lời chia buồn’ của ông Tập Cận Bình trở nên đạo đức giả và nực cười, mà so với sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới đối với Đài Loan, thì ĐCSTQ thực sự muốn để người dân Đài Loan “khắc ghi trong tim” những việc làm xấu xa của nó.

Ông Vương cũng chỉ ra rằng, các hành động quân sự leo thang gần đây hoặc các hành động trong vùng xám của ĐCSTQ đã gây ra các cuộc biểu tình và bất mãn ở Philippines, Đài Loan, Nhật Bản và Việt Nam. Hành vi này cũng khiến các nước phản ứng và tăng cường hợp tác hơn với Hoa Kỳ. Tất nhiên, động thái của ĐCSTQ cũng đã làm gia tăng rủi ro về an ninh và ổn định trong khu vực. Điều này lại một lần nữa chứng minh rằng ĐCSTQ thực sự là một “kẻ gây rối quốc tế”.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Sau khi Đài Loan xảy ra tai nạn đường sắt, Trung Quốc liên tục gửi máy bay tới quấy nhiễu