Sai lầm chết người khi chính quyền Joe Biden "giao trứng cho Ác - Taliban"

Giúp NTDVN sửa lỗi

Afghanistan giờ đây đã trở thành địa ngục trần gian với những khổ đau không kể xiết. Loạt đánh bom liên hoàn tại sân bay Kabul ngày 26/8 khiến hơn 70 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 13 lính Mỹ. Những kẻ tấn công nhắm thẳng vào khu vực tập trung hàng nghìn người ở cổng vào sân bay để được sơ tán khỏi Afghanistan. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm.

Trong cùng ngày, thay vì cập nhật tình hình về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Afghanistan, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố đáng kinh ngạc: “Sẽ không có một Cuộc họp báo ngày hôm nay”.

Có thể nói, chính quyền Joe Biden đã ngày càng chứng tỏ sự chậm chạp và thất bại trong cách xử lý khủng hoảng, thậm chí còn cho thấy sự nguy hiểm trong các quyết định sau:

  1. Sai lầm chết người khi trao danh sách công dân Mỹ và đồng minh Afghanistan cho Taliban
  2. Trông cậy vào Taliban để đảm bảo an ninh bên ngoài khu vực sân bay Kabul.
  3. Những người di tản Afghanistan vào Mỹ đã bị phát hiện có mối quan hệ với khủng bố.

Bàn giao danh sách công dân “nhạy cảm” cho Taliban

Politico đưa tin rằng, chính quyền Joe Biden đã cung cấp cho Taliban một danh sách tên của các công dân Mỹ, những người có thẻ xanh và các đồng minh Afghanistan được phép vào khu vực xung quanh sân bay do Taliban kiểm soát.

Quyết định này được đưa ra bất chấp việc Taliban đã tiến hành nhiều vụ hành quyết dã man những người Afghanistan, vốn đã giúp đỡ quân đội Mỹ và các lực lượng phương Tây khác trong cuộc chiến chống khủng bố. Điều đó đồng nghĩa với việc các công dân này nằm trong danh sách tầm ngắm của Taliban.

Kể từ khi thủ đô Kabul thất thủ vào giữa tháng 8, gần 100.000 người đã phải sơ tán, và hầu hết phải đi qua nhiều trạm kiểm soát của Taliban. Việc cung cấp danh sách tên cụ thể cho Taliban, một tổ chức vốn có tiền sử sát hại dã man những người Afghanistan từng hợp tác với Mỹ và đồng minh, đã khiến các nhà lập pháp và quan chức quân đội Mỹ tức giận.

Theo Politico, một quan chức quốc phòng giấu tên cho biết: “Về cơ bản, họ đã đưa tất cả những người Afghanistan đó vào danh sách chết chóc… Điều này vừa kinh hoàng, vừa gây sốc”.

Danh sách này bao gồm công dân Hoa Kỳ, song tịch và thường trú hợp pháp, cùng những người Afghanistan đang tìm kiếm thị thực nhập cư đặc biệt đến Mỹ.

Trong cuộc họp báo hôm 26/8, khi được hỏi về danh sách này, Tổng thống Joe Biden nói rằng ông không chắc là có, nhưng cũng không phủ nhận rằng Hoa Kỳ có thể đã trao nó cho Taliban như sau:

"Tôi không thể nói với quý vị một cách chắc chắn rằng thực sự có một danh sách tên đó hay không. Có thể đã có. Nhưng tôi không biết là ở hoàn cảnh nào”.

Tổng thống Biden thừa nhận có những thời điểm không xác định quân đội Mỹ đã liên lạc với Taliban để thông báo, ví dụ, chiếc xe buýt này đang chạy với số lượng bao nhiêu người, trong đó gồm những ai...

Tiết lộ gây sốc này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi có thông tin các biệt đội tử thần của Taliban đã gõ từng nhà để săn lùng những thông dịch viên người Afghanistan.

Tờ Politico cho biết, tính toán sai lầm lớn này của Nhà Trắng được đưa ra trong một cuộc họp mật ở Đồi Capitol vào đầu tuần này. Cuộc họp kín được cho là khá căng thẳng, khi các quan chức hàng đầu của chính quyền Joe Biden đã cố gắng bảo vệ quyết định rằng, việc Mỹ phối hợp với Taliban là cách tốt nhất để ngăn chặn các cuộc đấu súng giữa hai bên tại sân bay.

Đây chả khác gì giao trứng cho Ác. Thật không may, thay vì đảm bảo di tản các công dân này ra khỏi Afghanistan an toàn, chính quyền Joe Biden đang vô tình đẩy họ vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc.

“Tin tưởng” Taliban đảm bảo an ninh cho mọi công dân di tản

Trong những ngày qua, Taliban đã liên tiếp nã đạn vào thường dân Mỹ và Afghanistan đang tuyệt vọng nỗ lực vượt qua bức tường có hàng rào dây thép gai để vào được sân bay Kabul.

Tuy nhiên bất chấp thực tế, Tướng Frank McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Hoa Kỳ và Chuẩn Đô đốc Peter Vasely, người đứng đầu lực lượng Hoa Kỳ trên bộ tại Afghanistan, đã gọi Taliban là “đối tác Afghanistan của chúng tôi”.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cũng cho biết là chính quyền Mỹ đã “liên lạc hằng ngày” với các chỉ huy Taliban.

Điều trớ trêu là, tin tức này được công bố chỉ vài giờ sau khi hai cuộc tấn công khủng bố đẫm máu làm rung chuyển Kabul. Ngày 26/8, một kẻ đánh bom tự sát ngay giữa đám đông đang chen nhau tiến về phía cổng Abbey của sân bay. Tiếp theo, quả bom thứ hai phát nổ tại khách sạn Baron gần đó.

Khi màn đêm buông xuống, thương vong trong hai vụ đánh bom là cực kỳ thảm khốc. 70 người thiệt mạng, bao gồm cả 13 lính Mỹ và khoảng 120 người khác bị thương, trong đó có 18 lính Mỹ.

Sau các vụ tấn công, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez đã chỉ trích kế hoạch phối hợp an ninh với Taliban của chính quyền Biden, khi ông tuyên bố: “Phải chắc chắn một điều rằng: Chúng ta không thể tin tưởng Taliban đảm bảo an ninh cho người Mỹ”.

Đối với hầu hết người Mỹ, hình ảnh lính Mỹ đi sát cạnh lính Taliban là một điều không tưởng, nhưng lại là sự thật trong những ngày gần đây. Ngày 23/8, video cho thấy các binh sĩ Mỹ đang kiểm tra giấy tờ tùy thân của những người Afghanistan tới sân bay, trong khi các tay súng Taliban mang theo AK-47 đứng cách đó vài mét.

Trong suốt hai thập kỷ quân đội Mỹ hiện diện ở Afghanistan, phiến quân Taliban thoắt ẩn thoát hiện, và thường xuyên sử dụng thiết bị nổ tự chế để sát hại lính Mỹ. Zachary Bell, một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến hai lần ở Afghanistan đã mô tả việc các tay súng Taliban mặt đối mặt với binh sĩ Mỹ là cảnh tượng "thật kinh hoàng và là một cơn ác mộng".

Có thể thấy, tình cảnh lính Mỹ, công dân Mỹ và thường dân Afghanistan đã và đang bị đặt trong hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm, bởi kế hoạch quá liều lĩnh của chính quyền Joe Biden.

Khủng bố đang xâm nhập nước Mỹ qua đường di tản

Ngoài sự hỗn loạn đang diễn ra tại Afghanistan, việc rút quân ồ ạt của chính quyền Joe Biden đang “truyền cảm hứng” cho các lực lượng khủng bố trên toàn thế giới.

Những vụ nổ bom liên tiếp trong ngày 26/8 vừa qua chính là lời thách thức đanh thép của khủng bố đáp trả lại Tổng thống Joe Biden, khi trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 21/8 ông khẳng định, quân đội Mỹ đã loại bỏ al-Qaeda ở Afghanistan.

Nhưng chỉ ngay sau đó 1 tiếng, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng John Kirby lại bác bỏ khi tuyên bố: "Chúng tôi biết rằng al-Qaeda cũng như ISIS đã hiện diện ở Afghanistan".

Không chỉ thế, những kẻ khủng bố này có thể còn đang nhằm tới nước Mỹ, khi các nhân viên kiểm tra an ninh tại Căn cứ Không quân Al Udeid ở Qatar đã phát hiện ra rằng, ít nhất một trong số những người Afghanistan được di tản khỏi sân bay Kabul có mối quan hệ với ISIS.

Hơn nữa, Hệ thống Nhận dạng Sinh trắc học Tự động của Bộ Quốc phòng Mỹ đã ghi nhận 100 trong số 7.000 người Afghanistan được cấp Thị thực Nhập cư Đặc biệt vào Mỹ có tên trong danh sách theo dõi của CIA.

Hiện tất cả những người Afghanistan di tản đang được Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ sàng lọc bằng cách sử dụng nhận dạng khuôn mặt, vân tay, máy quét mống mắt và so khớp với cơ sở dữ liệu thực thi pháp luật.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin đã bác bỏ ý tưởng cho phép người Afghanistan di tản đến các quốc gia lân cận với nước Nga, khi ông tuyên bố không muốn "các chiến binh xuất hiện ở đây dưới vỏ bọc của những người tị nạn."

Có thể thấy việc Tổng thống Joe Biden rút quân ồ ạt ra khỏi Afghanistan đã và đang có tác động đáng kể đến tương lai của nước Mỹ.

Thảm họa lịch sử mang tầm cỡ sử thi

Sự hỗn loạn bi thảm đang diễn ra tại Afghanistan không phải do bản chất của việc rút quân, mà là do cách điều hành thiếu năng lực của chính quyền Joe Biden.

Chính việc từ bỏ căn cứ không quân Bagram chiến lược mà không báo cho quân đội Afghanistan biết, cũng như việc đột ngột rút quân đội Mỹ ra khỏi lãnh thổ Afghanistan trước khi di tản dân thường, đã gây ra hậu quả tang thương chưa từng có. Hàng loạt dân thường vô tội đã phải đối mặt với sự trả thù tàn bạo của Taliban mà không hề có quân đội bảo vệ.

Thêm nữa, hàng loạt khí tài quân sự trị giá hàng tỷ đô la của Mỹ đã rơi vào tay Taliban, càng làm cho Afghanistan tiếp tục lâm vào cảnh đổ máu trên quy mô lớn.

Sự sụp đổ của Afghanistan là một thảm họa lịch sử mang tầm cỡ sử thi. Nó có thể sánh ngang với sự sụp đổ của Constantinople năm 1453, kết thúc giai đoạn đau khổ của thời Trung cổ.

Các vụ đánh bom liều chết đã làm trầm trọng thêm cơn hoảng loạn tại Afghanistan trong những ngày cuối cùng của chiến dịch sơ tán, khi hạn chót 31/8 đang tới gần.

Tây Ban Nha và Australia đã tuyên bố kết thúc chiến dịch di tản tại Afghanistan, trong khi Anh thông báo sẽ ngừng hoạt động này "trong vài giờ tới".

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 27/8 cho biết, Anh đã đóng cửa trung tâm xử lý đơn xin tị nạn và ông cũng thừa nhận "thực tế đáng buồn là không phải ai cũng có thể rời đi".

Vậy chính quyền Joe Biden sẽ đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo này như thế nào khi không thể đưa hết người Mỹ ra khỏi Afghanistan sau ngày 31/8?

Trong cuộc họp báo ngày 23/8, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki phẫn nộ tuyên bố: "Tôi nghĩ rằng thật vô trách nhiệm khi nói rằng người Mỹ đang mắc kẹt. Họ không phải vậy".

Tuy nhiên, ngày 22/8 cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan lại nói với tờ Meet the Press rằng, có "vài nghìn" người Mỹ vẫn còn mắc kẹt ở Afghanistan.

Trước đó, hôm 17/8, tờ Daily Mail đưa tin rằng, có khoảng 40.000 người Mỹ vẫn đang bị mắc kẹt. Cho tới nay không ai biết con số thực tế.

Trong khi ấy, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng John Kirby cho biết, quân đội Mỹ hiện không biết còn bao nhiêu công dân nước này bị kẹt lại Afghanistan.

Lịch sử đã từng ghi nhận cuộc khủng hoảng Iran chỉ có 52 con tin người Mỹ, nhưng chính quyền Jimmy Carter đã phải chịu khổ nhục với Iran trong suốt 444 ngày.

Liệu chính quyền Joe Biden sẽ đối phó với hàng trăm, hoặc có thể hàng nghìn “con tin Mỹ” tại Afghanistan như thế nào? Hẳn đây sẽ là những sự kiện thót tim chưa có hồi kết, và khiến nhiều người Mỹ phải thấp thỏm lo âu.

Xuân Trường

Thế giới


BÀI CHỌN LỌC

Sai lầm chết người khi chính quyền Joe Biden "giao trứng cho Ác - Taliban"