Quân đội Hàn Quốc nghe lén khi Triều Tiên ra lệnh bắn quan chức 'đào tẩu'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới chức Hàn Quốc khẳng định viên quan chức này có ý định "đào tẩu" sang Triều Tiên, nhưng anh trai ông ấy đã phủ nhận điều này. Ngoài ra, có nguồn tin cho biết quân đội Hàn Quốc đã nghe lén khi Triều Tiên ra lệnh bắn viên quan chức này, theo Yonhap.

Yonhap đưa tin, kể từ khi quân đội Triều Tiên phát hiện cho đến lúc lực lượng này ra lệnh bắn chết viên quan chức ngư nghiệp họ Lee, quân đội Hàn Quốc đã nghe lén suốt quá trình trong nhiều giờ liền.

Cụ thể, quân đội Hàn Quốc đã xác định được phía Bắc Triều phát hiện ông Lee vào 15h30 chiều ngày 22/9 ở phía bắc vùng ranh giới biển giữa 2 nước. Giới chức Hàn Quốc khẳng định, viên quan chức này có nguyện vọng đào tẩu sang Triều Tiên.

Ban đầu, phía quân đội Bắc Triều có dự định sẽ giải cứu và thảo luận tìm cách đưa người đàn ông 47 tuổi này vào bờ. Tuy nhiên, khoảng 21h cùng ngày, chỉ huy cấp cao nước này đổi ý và ra lệnh bắn chết công dân Hàn Quốc; lệnh này được chuyển tiếp tới một thuyền trưởng tại hiện trường, thông qua bộ chỉ huy hải quân Triều Tiên.

Viên thuyền trưởng này đã xác mình lại lệnh trên và cho tới 21h40, có thông báo mệnh lệnh được thực hiện từ hiện trường gửi cho chỉ huy cấp cao.

Nhiều nguồn tin cho biết, quân đội Hàn Quốc đã chia sẻ thông tin tình báo "nghe lén" được với giới chức tại Nhà Xanh, ngay sau khi mệnh lệnh này được thực thi. Thông tin sau đó được chuyển tới Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở dạng văn bản vào khoảng 8h30 sáng hôm sau.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã phủ nhận việc nghe lén này với tuyên bố: "Quân đội chúng tôi chỉ có thể biết được tình hình liên quan sau khi phân tích các thông tin tình báo một cách toàn diện".

Báo Reuters đưa tin, Cảnh sát biển Hàn Quốc ra kết luận rằng viên quan chức ngư nghiệp bị bắn chết khi cố đào tẩu sang Triều Tiên, dựa trên các thông tin tình báo và dữ liệu hải lưu. Tuy nhiên, anh trai của ông ấy đã bác bỏ tuyên bố này của chính quyền Hàn Quốc.

Cái chết của quan chức này đã làm dấy lên tranh cãi về lý do cũng như cách thức khiến ông được tìm thấy lênh đênh trên vùng lãnh hải của Triều Tiên, 36 tiếng sau khi ông mất tích.

Lực lượng bảo vệ bờ biển nước này cho biết, sau một cuộc điều tra dựa trên dữ liệu từ camera giám sát CCTV, hồ sơ tình báo quân sự và bản lý lịch, họ xác định được rằng quan chức này đã nói với quân đội Triều Tiên rằng ông ấy muốn đào tẩu và họ biết thông tin cá nhân chi tiết của người này. Cho đến nay, thông tin duy nhất về danh tính của ông ấy được tiết lộ là ông ấy họ Lee.

“Chúng tôi đã xác nhận rằng phía Bắc (tức Triều Tiên) đã nắm được những thông tin cá nhân mà chỉ mình ông ấy biết, bao gồm tên, tuổi, quê quán và chiều cao của ông ấy, và [chúng tôi xác nhận] rằng người mất tích đã bày tỏ mong muốn đến [Bắc Triều Tiên]”, trưởng ban điều tra và tình báo của lực lượng Cảnh sát biển Hàn Quốc Yoon Sung-hyun nói.

Ông Yoon cho rằng có rất ít khả năng viên quan chức này bị hụt chân hoặc cố ý tự tử bởi vì khi đó ông Lee đang mặc áo phao. Một chiếc phao cứu hộ cũng được tìm thấy cách nơi viên quan chức biến mất khoảng 38km.

Tuy nhiên, anh trai của viên quan chức là ông Lee Rae-jin khẳng định đó chắc chắn là một tai nạn, vì quan chức Lee vốn tự hào về công việc của mình. Ông Rae-jin cho biết em trai mình vừa có một chiếc thuyền mới và khi biến mất ông ấy đã để lại thẻ căn cước từ chính phủ, vốn là thứ có thể tạo điều kiện cho ông ấy đào tẩu.

Ông Rae-jin nghi ngờ bằng chứng của chính phủ Hàn Quốc. Ông gợi ý phía Triều Tiên có thể đã thao túng hệ thống sóng âm/radio vì cả 2 phía quân đội thường xuyên nghe trộm lẫn nhau.

"Hầu hết những người đàn ông già ở tuổi chúng tôi đều mắc nợ và có vấn đề gia đình, nhưng ai lại muốn đến Bắc [Triều Tiên] vì điều đó?", ông Rae-jin đặt câu hỏi trong một cuộc họp báo.

Người anh cáo buộc chính phủ và quân đội đã để tuột mất “cơ hội vàng” để cứu em trai mình vì từ chối yêu cầu cấp thêm tàu ​​và trực thăng của ông trong cuộc tìm kiếm ban đầu, lúc em trai của ông vẫn đang lênh đênh trên biển. Ông cho biết chỉ có một số thuyền và một máy bay trực thăng được huy động vào ngày 21/9 đến ngày 22/9. Em trai ông mất tích vào ngày 21/9 và bị bắn chết vào ngày hôm sau.

“Em trai tôi thậm chí đã từ chối tham gia kinh doanh với tôi, nói rằng ông ấy sẽ nghỉ hưu với tư cách là một công chức và tự hào về điều đó", ông Rae-jin nhớ lại.

Du Miên



BÀI CHỌN LỌC

Quân đội Hàn Quốc nghe lén khi Triều Tiên ra lệnh bắn quan chức 'đào tẩu'