Quan chức Trung Quốc tiếp tục giữ ghế Phó Tổng thư ký WTO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 4/5, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã công bố danh sách 4 Phó Tổng thư ký mới, trong đó bao gồm ông Trương Hướng Thần, hiện đang đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc. Kể từ năm 2013, WTO liên tiếp có quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giữ chức Phó Tổng thư ký.

4 Phó Tổng thư ký được Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala công bố hôm 4/5 lần lượt là: bà Angela Ellard của Mỹ, ông Jean-Marie Paugam của Pháp, bà Anabel Gonzalez của Costa Rica và ông Trương Hướng Thần của Trung Quốc.

Ông Trương Hướng Thần hiện là Thứ trưởng hạng ba của Bộ Thương mại ĐCSTQ và là đại diện của Trung Quốc tại WTO từ năm 2017 đến năm 2020. Trước ông Trương, quan chức ĐCSTQ từng giữ chức Phó Tổng thư ký WTO là Thứ trưởng Bộ Thương mại Dịch Tiểu Chuẩn, ông này được bổ nhiệm lần đầu vào năm 2013 và tái đắc cử vào năm 2017.

ĐCSTQ luôn không ngại đầu tư tiền bạc và nhân lực để tìm kiếm các vị trí trong Liên Hợp Quốc và các cơ quan quốc tế khác. Ví dụ, Khuất Đông Ngọc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, trở thành Tổng giám đốc của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc ( FAO) vào năm 2019, trước cuộc bỏ phiếu, có thông tin chỉ ra rằng, các khoản nợ của một số quốc gia thành viên bất ngờ được trả hết; Mạnh Hoành Vĩ, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc khi đó đã trở thành Chủ tịch của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) vào năm 2016. Vài năm sau, các kênh truyền thông nước ngoài tiết lộ rằng, ông Mạnh được bầu là do có một phái đoàn Trung Quốc vận động các nước nhỏ bỏ phiếu ngay tại chỗ, và đảm bảo sẽ viện trợ cho chính phủ và sở cảnh sát của họ hàng trăm tỷ USD.

Đây được cho là một thủ đoạn quan trọng mà ĐCSTQ sử dụng để thâm nhập vào cộng đồng quốc tế.

Sau khi ĐCSTQ trở thành thành viên của Nhóm tham vấn của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào đầu tháng 4 năm nay, Đài truyền hình NTV của Đức đã chỉ ra trong một bài bình luận có tiêu đề "Bắc Kinh đang thâm nhập cộng đồng quốc tế" rằng: “Từ việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bị thao túng rõ ràng trong cuộc khủng hoảng COVID-19, có thể thấy rằng: Trung Quốc (ĐCSTQ) có sức ảnh hưởng ngày càng lớn đối với các cơ quan quốc tế. Tiếp theo, Bắc Kinh còn hy vọng có tiếng nói trong các vấn đề về nhân quyền".

Vào thời điểm đó, bất chấp dịch bệnh trong nước, ĐCSTQ vẫn nỗ lực để giành được vị trí Tổng giám đốc của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), một trong những cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc.

Bà Hà Thanh Liên, một học giả và là nhà kinh tế học người Trung Quốc, cảnh báo các nước rằng, ĐCSTQ đang tìm kiếm sự kiểm soát đối với cộng đồng quốc tế và hiện đã nắm giữ trong tay 4 trong số 15 cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc, trong đó bao gồm Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). ĐCSTQ thâm nhập vào cơ quan nào thì cơ quan đó sẽ trở thành tổ chức phục vụ lợi ích cho họ. WHO, tổ chức bị chỉ trích vì bảo vệ ĐCSTQ, và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (bao gồm tiền thân của nó là Ủy ban Nhân quyền) chính là những ví dụ điển hình.

Bà Hà cũng trích dẫn bình luận trong một bài báo của tờ Nikkei rằng: “Đừng để Trung Quốc bắt đầu thống trị các cơ quan Liên Hợp Quốc" (Don't let China start dominating UN agencies). Bài báo này cho rằng, phương Tây và Nhật Bản phải ngăn chặn Bắc Kinh định hình lại thế giới theo hình tượng của ĐCSTQ.

Mai Hạ

Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Quan chức Trung Quốc tiếp tục giữ ghế Phó Tổng thư ký WTO