Quốc gia ô nhiễm nhất hành tinh: Phát thải khí là ‘Quyền cơ bản của con người’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm Chủ nhật ngày 9/5 dẫn lại câu nói của một quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nói rằng, gây ô nhiễm môi trường là “quyền cơ bản của con người” trong quá trình phát triển. Vị quan chức này cũng nói rằng việc thúc giục Trung Quốc khắc phục tình trạng phát thải khí nhà kính tồi tệ nhất thế giới là vi phạm quyền con người của người dân Trung Quốc, theo Breibart News.

Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc, tuyên bố rằng "cư dân mạng", hoặc người dùng mạng xã hội Trung Quốc không bị chính phủ kiểm duyệt, đã đăng tải một nhận xét của nhà lập pháp và nhà khoa học Trung Quốc Ding Zhongli rằng, thúc giục Trung Quốc hạn chế gây ô nhiễm chẳng khác nào phủ nhận nhân tính của người Trung Quốc.

“Tôi muốn hỏi: người Trung Quốc có phải con người không? Đó là một câu hỏi cơ bản”, ông Ding từng nói, theo Thời báo Hoàn cầu. “Tôi coi quyền phát thải là quyền phát triển, là quyền cơ bản của con người”.

Thời báo Hoàn cầu cho biết, lập luận của ông Ding rằng gây ô nhiễm trái đất là “quyền cơ bản của con người”, và cũng là quyền của người Trung Quốc. Các quốc gia phát triển ở phương Tây cũng đã sử dụng nhiên liệu hóa thạch và có các hoạt động gây tổn hại môi trường khác trong hơn một thế kỷ sau Cách mạng công nghiệp những không hề bị chỉ trích.

Các "cư dân mạng" được cho là đã chia sẻ câu nói này phản ứng lại những lời chỉ trích về tình trạng gây ô nhiễm của Bắc Kinh của nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển trẻ tuổi Greta Thunberg. Thunberg trích dẫn một nghiên cứu được công bố gần đây của Rhodium Group, một tổ chức khoa học, cho thấy Trung Quốc thải ra nhiều khí nhà kính hơn mọi quốc gia phát triển khác cộng lại. Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc tự nhận mình là một "quốc gia đang phát triển", một nhãn hiệu mà Thunberg đã nhấn mạnh lời kêu gọi của cô để gây áp lực buộc Bắc Kinh phải cải thiện hồ sơ môi trường của mình.

Báo cáo nghiên cứu của Rhodium Group cho biết: “Chỉ riêng Trung Quốc đóng góp hơn 27% tổng lượng khí thải toàn cầu, vượt xa Mỹ, quốc gia phát thải cao thứ hai với 11% tổng lượng khí thải toàn cầu. Lần đầu tiên, Ấn Độ vượt qua EU-27 ở vị trí thứ ba, chiếm 6,6% lượng khí thải toàn cầu”.

“Đúng vậy, Trung Quốc vẫn được coi là một quốc gia đang phát triển… Nhưng đó tất nhiên không có lý do gì để hủy hoại điều kiện sống trong tương lai và hiện tại, Thunberg lên án.

Ông Ding Zhongli là thành viên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC) và là người bị chính quyền Trump trừng phạt vào tháng 12/2020 vì vai trò của ông trong việc thông qua luật “an ninh quốc gia” của Hong Kong, một đạo luật chấm dứt bất hợp pháp quyền tự trị chính thức của đặc khu Hong Kong.

Ông Ding đã viết nhiều bài báo lập luận rằng, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu có thể không liên quan trực tiếp đến các hoạt động của con người, đặc biệt là ô nhiễm môi trường. Ông cũng nói, việc Liên Hợp Quốc kêu gọi các cường quốc kinh tế như Trung Quốc hành động có trách nhiệm đối với môi trường sẽ “mang lại cho người giàu của các quốc gia phát triển có quyền phát thải một lượng khí nhà kính trên đầu người cao hơn nhiều so với người dân ở các quốc gia đang phát triển".

Những bình luận mà Thời báo Hoàn cầu đưa ra là một phần trong những nhận xét mà ông Ding viết cho một bản tin của Đài truyền hình CCTV năm 2010.

Năm 2017, tờ Wall Street Journal đã đăng bình luận của ông Dinh, rằng, khi ông còn trẻ, không có ô nhiễm khí thải nhưng không đủ ăn và cũng không có áo quần lành lặn. Cho nên, cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa, hoàn toàn không thể tránh được ô nhiễm môi trường.

Ông Dinh cũng nói, Trung Quốc là nơi sản xuất nhiều mặt hàng công nghiệp cho Mỹ và các nước phát triển khác. Nếu quy lượng phát thải đó cho Trung Quốc thì thật không công bằng, Wall Street Journal đưa tin.

Gần đây, The Epoch Times đưa tin, một quan chức khác của ĐCSTQ, Giáo sư Địch Đông Thăng, Phó hiệu trưởng Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân Dân Bắc Kinh, đã viết trong trên blog của ông ngày 27/4, rằng chương trình giảm khí thải toàn cầu không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn có “ý nghĩa chính trị” đối với Bắc Kinh. Ông Địch cho biết, ĐCSTQ coi vấn đề biến đổi khí hậu là cơ hội để mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Ông Địch từng nắm giữ nhiều vị trí trong các cơ quan khác nhau của ĐCSTQ, bao gồm Bộ ngoại giao, cơ quan Kế hoạch nhà nước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của ĐCSTQ.

Nguyên Hương

Theo Breibart



BÀI CHỌN LỌC

Quốc gia ô nhiễm nhất hành tinh: Phát thải khí là ‘Quyền cơ bản của con người’