Quan chức Trung Quốc được chọn làm thẩm phán tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh quốc tế gia tăng chỉ trích về các hành động gây hấn của chính phủ Trung Quốc ở Biển Đông, ứng cử viên của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã giành được một ghế trong Cơ quan Tư pháp của Liên Hợp Quốc (LHQ) - chịu trách nhiệm xét xử các tranh chấp trên biển.

Đại sứ hiện tại của Trung Quốc tại Hungary Duan Jielong đã được chọn trong cuộc bầu cử được tổ chức từ ngày 24/8 đến ngày 26/8, trở thành một trong 21 thẩm phán tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Ông Duan sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 9 năm vào tháng Mười tới sau lễ tuyên thệ nhậm chức.

Theo ITLOS, ông Duan đã nhận được 149 phiếu bầu, với 17 quốc gia thành viên bỏ phiếu trắng. Cuộc bầu chọn này không được kiểm chứng lại vì không có ai chống lại ông Duan.

ITLOS được thành lập theo sự ủy thác của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, đây là một hiệp ước quy định các quyền và trách nhiệm của các quốc gia khai thác biển và các nguồn tài nguyên quốc gia trên biển của họ. Liên minh châu Âu và 167 quốc gia đã phê chuẩn hiệp ước này. Năm 1994, Hoa Kỳ cũng đã ký nhưng chưa phê chuẩn hiệp ước.

Tòa án Quốc tế về Luật biển có 21 thẩm phán đại diện cho các khu vực địa lý khác nhau. Hiện tại, có 5 thẩm phán đại diện cho Châu Phi, 5 thẩm phán đại diện cho Châu Á, 3 thẩm phán đại diện cho Đông Âu, 4 thẩm phán đại diện cho Châu Mỹ Latinh và Caribe, và 4 thẩm phán đại diện cho Tây Âu và các khu vực khác.

Ông Duan là một trong số 5 người mới được bầu để trở thành thẩm phán, theo một thông cáo báo chí ngày 26/8 từ ITLOS.

Trung Quốc hiện có một thẩm phán trong Tòa án Quốc tế này, đó là Gao Zhiguo - được bầu chọn vào năm 2008. Nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào cuối tháng Chín tới.

Tầm ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc

Chính quyền Trung Quốc đã và đang tìm cách gia tăng tầm ảnh hưởng của mình tại Liên Hợp Quốc và các cơ quan liên quan. Các công dân Trung Quốc hiện giữ vị trí cấp cao trong 4 cơ quan của Liên Hợp Quốc, bao gồm: Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, Tổ chức Nông lương, Liên minh Viễn thông Quốc tế và Tổ chức Phát triển Công nghiệp.

Trong một cuộc phỏng vấn với NTD, nhà bình luận chính trị Lan Shu đã giải thích về cách thức ĐCSTQ gây áp lực đến các tổ chức quốc tế để những tổ chức này phải chấp nhận lợi ích của chính quyền đó.

Bà Lan nói: “[ĐCSTQ] mua đứt một số quốc gia nhất định, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, bằng cách cung cấp tiền hoặc hỗ trợ tài chính cho những quốc gia đó, chẳng hạn như thông qua việc hủy bỏ các khoản nợ của họ. Đổi lại, các quốc gia này phải lên tiếng ủng hộ [ĐCSTQ] trên trường quốc tế, chẳng hạn như bỏ phiếu cho nước này tại Liên Hợp Quốc về các vấn đề như hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc”.

Một ví dụ nổi bật là Hungary; quốc gia này đã nhận được hàng tỷ đô la đầu tư từ ĐCSTQ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Vào năm 2017, Hungary được cho là đã gây áp lực buộc khối Liên minh châu Âu bỏ tên quốc gia này ra khỏi một bức thư chung của các Đại sứ quán quốc tế về việc tố cáo hoạt động tra tấn các luật sư bị giam giữ ở Trung Quốc.

Sự phản đối của Hoa Kỳ

Cuộc bầu cử tại ITLOS diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang leo thang. Ngày 27/8, Lầu Năm Góc đã cảnh cáo Trung Quốc về vụ phóng thử tên lửa đạn đạo trong cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tìm cách củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình trên tuyến đường biển chiến lược bằng cách xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo và rạn san hô trong khu vực.

Các quốc gia bao gồm Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đối với các đảo, bãi đá ngầm và bãi đá trên tuyến đường biển chiến lược này.

Một tòa án của Liên Hợp Quốc tại The Hague năm 2016 đã phán quyết rằng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với hơn 90% Biển Đông là bất hợp pháp.

Hoa Kỳ gần đây cũng chính thức bác bỏ gần như tất cả các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh trong khu vực, nói rằng chúng “hoàn toàn trái pháp luật”.

Sự phản đối của Hoa Kỳ về việc một thẩm phán của ITLOS là quan chức ĐCSTQ đã được thể hiện rõ qua phát biểu của trợ lý Ngoại trưởng thuộc Cục Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell. Ông Stilwell đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ kết quả bầu chọn này tại một cuộc họp trực tuyến do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức vào tháng Bảy.

Ông Stilwell nói: “Bầu một quan chức [ĐCS] Trung Quốc vào cơ quan này thì giống như thuê một người chuyên phóng hỏa để điều hành một sở cứu hỏa”.

Vào tháng Năm, một thẩm phán biện hộ cho Hải quân Hoa Kỳ Jonathan G. Odom, và một giáo sư quân sự về luật quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Âu George C. Marshall ở Đức, đã nêu rõ những hành động đáng nghi vấn của chính quyền Trung Quốc ở Biển Đông. Ví dụ, vào tháng 12/2019, Bắc Kinh cử tàu tuần duyên hộ tống các tàu cá Trung Quốc đang hoạt động trong lãnh hải của Indonesia.

Ông Odam cho biết, việc không bỏ phiếu cho ứng cử viên Trung Quốc sẽ “gửi một thông điệp tới chính phủ Trung Quốc rằng hành vi phản đối có thể gây tổn hại đến vị thế của họ trong cộng đồng quốc tế của các quốc gia”, theo bài báo của ông được đăng trên Lawfare - một blog chuyên về các vấn đề an ninh quốc gia.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marsha Blackburn đã bình luận về việc bầu chọn thẩm phán tại ITLOS là quan chức Trung Quốc trên tài khoản Twitter cá nhân rằng: "[điều này là ] cực kỳ đáng lo ngại"

“[ITLOS] chịu trách nhiệm phân xử các tranh chấp liên quan đến Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, trong khi chính quyền Trung Quốc thường xuyên vi phạm ở Biển Đông”, bà Blackburn nói.

“Tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong các Tổ chức Quốc tế là điều đáng lo ngại vì mỗi ghế mà họ giành được là thêm một con đường để ĐCSTQ ảnh hưởng đến kết quả và thay đổi ý kiến ​​toàn cầu”.

Vào ngày 28/8, Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố trên Twitter rằng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin, vốn tuần tra Biển Đông, đã được tiếp nhiên liệu trên biển để có thể tiếp tục hoạt động [tuần tra] nhằm duy trì một “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa”.

Cũng vào ngày 28/8, trong một sự kiện trực tuyến do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien đã nói những tuyên bố chủ quyền của chính quyền Trung Quốc ở Biển Đông là “lố bịch”.

Ông O’Brien nói: “Trung Quốc đang tham gia các cuộc tập trận quân sự ở những vùng biển mà… họ coi là nội địa, không hề có trong tưởng tượng”.

“Hoa Kỳ sẽ không lùi bước và tiếp tục làm theo các nguyên tắc lâu nay của mình rằng các tuyến đường biển trên thế giới và vùng biển quốc tế phải là khu vực được tự do đi lại”.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Quan chức Trung Quốc được chọn làm thẩm phán tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển