Các nhà lập pháp Hoa Kỳ lên tiếng bảo vệ Đài Loan trước những cáo buộc của Tổng Giám đốc WHO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quan chức Hoa Kỳ đang lên tiếng bênh vực và ủng hộ Đài Loan sau khi Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố rằng ông là mục tiêu của những lời lăng mạ phân biệt chủng tộc và các mối đe dọa đến tính mạng có nguồn gốc từ Đài Loan.

Vào ngày 08/4, vị Tổng Giám đốc của WHO cũng cáo buộc Bộ ngoại giao quốc đảo này có biết về các cuộc tấn công và cũng chỉ trích ông.

Phản ứng với WHO

Đáp lại lời buộc tội, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố rằng Đài Loan phản đối mọi hình thức phân biệt đối xử. Bà đã gửi thư mời ông Tedros đến thăm Đài Loan để ông có thể tự mình nhìn thấy những nỗ lực của đảo quốc này trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

Vào ngày 10/4, Cục Điều tra Bộ Tư pháp Đài Loan đã tổ chức một cuộc họp báo để vạch trần một chiến dịch bôi nhọ trên Twitter thực hiện bởi các cư dân mạng Trung Quốc đại lục, những người đóng giả là công dân Đài Loan và viết lời xin lỗi gửi tới ông Tedros vì các cuộc tấn công có chủ ý. Nhiều tài khoản Twitter đã đăng chính xác cùng một thông điệp.

Trong một tweet được đăng tải sau ngày cuộc tranh cãi nổ ra, Dân biểu Hoa Kỳ Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã lên tiếng bênh vực Đài Loan: “Tôi rất hoan nghênh những phản ứng của [Tổng thống Đài Loan] @iingwen trước những tuyên bố vô căn cứ rằng Đài Loan đang thúc đẩy các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc chống lại @DrTedros”.

Ông bổ sung thêm: “Tôi khuyến khích ông ấy kiểm tra hồ sơ của Đài Loan - mặc dù Đài Loan không thuộc WHO - để chúng ta có thể cùng nhau thúc đẩy trách nhiệm y tế toàn cầu quan trọng của @ WHO”.

Đài Loan đã giành được nhiều tán thưởng từ cộng đồng quốc tế vì những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus Corona Vũ Hán, mặc dù quốc đảo này rất gần với Trung Quốc đại lục. Tính đến ngày 11/4, Đài Loan đã báo cáo 388 trường hợp xác nhận dương tính và 6 trường hợp tử vong liên quan do viêm phổi Vũ Hán.

Đài Loan không phải một thành viên của WHO, tổ chức này đã từ chối cung cấp cho quốc đảo này một vị trí trong Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết định của WHO. Hơn nữa, tổ chức này cũng chưa hề gửi thư mời tới các chuyên gia y tế Đài Loan để tham gia các cuộc họp gần đây liên quan đến đại dịch do Ủy ban khẩn cấp của WHO tổ chức.

Who và Tập Cận Bình
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom bắt tay ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh (Photo by Naohiko Hatta / AFP) (Photo by NAOHIKO HATTA/AFP via Getty Images)

Việc loại trừ Đài Loan khỏi WHO vốn xuất phát từ sự phản đối của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chính quyền này tuyên bố Đài Loan thuộc chủ quyền của Trung Quốc đại lục, dù trên thực tế Đài Loan là một quốc gia hoàn toàn độc lập chủ quyền, với quân đội riêng, cơ cấu chính phủ được bầu cử dân chủ và có hiến pháp riêng.

Vào ngày 09/4, Hiệp hội Công vụ Formosan (FAPA) có trụ sở tại Washington, một nhóm vận động hành lang nhằm thúc đẩy quan hệ Mỹ-Đài Loan, cũng đã lên tiếng chỉ trích ĐCSTQ. Hiệp hội này đãi nhắc đến một tweet của Thời báo Hoàn cầu, kênh truyền thông trực thuộc ĐCSTQ. Trong đó kênh truyền thông này gọi “cuộc tấn công” là “nỗi xấu hổ” của Đài Loan.

“#ChineseCommunistParty (ĐCSTQ) và @DrTedros đang giúp đỡ nhau thoát khỏi thảm họa do họ tạo ra”, FAPA bình luận trên Twitter và nói thêm rằng đó là một chiến dịch nhằm “tạo khoảng cách giữa những người ủng hộ dân chủ”.

Sau lời buộc tội của ông Tedros, nhiều người dùng Twitter Đài Loan, bao gồm cả Thị trưởng thành phố Đào Viên Trịnh Văn Xán (Cheng Wen-tsan), đã chia sẻ các bài đăng châm biếm trên mạng xã hội với hashtag #ThisAttackComesFromTaiwan (Tạm dịch: Đây là cuộc tấn công từ Đài Loan) cùng với những bức ảnh về các danh lam thắng cảnh và ẩm thực Đài Loan.

Trung Quốc che giấu thông tin

Đại diện Hoa Kỳ Ralph Norman cũng lên tiếng ủng hộ Đài Loan bằng cách đăng lại tweet của Tổng thống Thái Anh Văn.

Trong bài tweet đăng ngày 09/4, ông Norman viết: “Hãy cứ để @WHO phớt lờ những cảnh báo của Đài Loan về việc Trung Quốc che giấu thông tin của COVID-19, chỉ để buộc tội Đài Loan với tội danh phân biệt chủng tộc mà không có bằng chứng”.

Việc ĐCSTQ che giấu thông tin về virus Corona Vũ Hán thời điểm ban đầu đã được ghi nhận rõ ràng. Đáng chú ý nhất là chính quyền này đã buộc 8 vị bác sĩ phải im lặng, trong đó có bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, sau khi họ lên tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc về một căn bệnh viêm phổi lạ vào cuối tháng 12/2019. Bác sĩ Lý sau đó đã được triệu tập đến một đồn cảnh sát địa phương vì tội danh “tung tin đồn thất thiệt”.

Các quan chức Đài Loan cho biết, lần đầu tiên họ cảnh báo WHO về nguy cơ lây nhiễm virus từ người sang người vào ngày 31 tháng 12 năm ngoái.

Tổng giám đốc WHO Tedros bất ngờ nhắc đến Đài Loan nhiều lần trong cuộc họp báo vào ngày 8/4. Hình ảnh Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (đứng thứ 2 bên trái ), và Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Trần Thì Trung (đứng thứ 2 bên phải), và các đồng nghiệp. (Chen Baizhou / Epoch Times)
Tổng giám đốc WHO Tedros bất ngờ nhắc đến Đài Loan nhiều lần trong cuộc họp báo vào ngày 8/4. Hình ảnh Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (đứng thứ 2 bên trái ), và Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Trần Thì Trung (đứng thứ 2 bên phải), và các đồng nghiệp. (Chen Baizhou / Epoch Times)

Ban đầu, vào ngày 14/1, WHO đã lặp lại tuyên bố của Bắc Kinh rằng không có bằng chứng rõ ràng nào về việc loại virus mới này có thể lây truyền từ người sang người. Bắc Kinh đã không thừa nhận khả năng truyền nhiễm của virus Corona Vũ Hán cho đến ngày 20/1.

Vào ngày 10/4, WHO cho biết khi trả lời AFP rằng họ đã không nhận được cảnh báo như được nêu trước đó từ các quan chức y tế Đài Loan.

Ngày hôm sau, ông Trần Thời Trung (Chen Shih-chung), Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, đã phát biểu tại một cuộc họp báo hàng ngày và tìm cách làm sáng tỏ vụ việc bằng cách tiết lộ nội dung của email.

“Các nguồn tin thời sự hôm nay chỉ ra rằng ít nhất 7 trường hợp viêm phổi không điển hình đã được báo cáo ở Vũ Hán, Trung Quốc”, email này cho biết. “Các cơ quan y tế của họ đã trả lời các phương tiện truyền thông rằng các trường hợp được cho là không phải SARS; tuy nhiên, các mẫu xét nghiệm vẫn đang được kiểm tra và các trường hợp đã được cách ly để điều trị”.

Ông Trần nói: “Nếu việc ‘được cách ly để điều trị’ không phải là một cảnh báo, thì thế nào mới là một lời cảnh báo?”

Ông kêu gọi WHO phải trung thực trong việc xử lý vấn đề này và ngừng tìm cách chuyển hướng đổ lỗi.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ lên tiếng bảo vệ Đài Loan trước những cáo buộc của Tổng Giám đốc WHO