Pháp từng cảnh báo Mỹ sau khi ‘bị đá khỏi’ phòng thí nghiệm Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông David Asher, cựu điều tra viên chính về nguồn gốc của đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, sau khi “bị đá khỏi” phòng thí nghiệm Vũ Hán vào năm 2017, các quan chức Pháp đã cảnh báo Bộ Ngoại giao Mỹ rằng họ quan ngại sâu sắc về động cơ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở phòng thí nghiệm này.

Theo Daily Caller News Foundation đưa tin ngày 26/7, ông David Asher, cựu điều tra viên chính của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, các quan chức tình báo Pháp đã cảnh báo Bộ Ngoại giao Pháp và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào năm 2015 rằng, ĐCSTQ đang cắt giảm thỏa thuận hợp tác giữa Trung Quốc và Pháp về phòng thí nghiệm.

Nguồn gốc của phòng thí nghiệm Vũ Hán

Kể từ khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát trên thế giới, phòng thí nghiệm Vũ Hán đã trở thành tâm điểm của dư luận. Phòng thí nghiệm này là một dự án hợp tác giữa Trung Quốc và Pháp, được khởi công xây dựng vào năm 2004.

Vào thời điểm đó, Pháp đã cung cấp thiết kế, đào tạo an toàn sinh học và hầu hết các công nghệ cho phòng thí nghiệm này.

Dự án này chính thức ra mắt vào tháng 2/2017, mất hơn 10 năm để hoàn thành.

Ngày 23/02/2017, cựu Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve cho biết, để hỗ trợ dự án này, Pháp sẽ giúp đỡ phòng thí nghiệm Vũ Hán về chuyên môn kỹ thuật, cũng như tổ chức đào tạo để cải thiện mức độ an toàn sinh học, và tiến hành chương trình nghiên cứu chung.

Trung Quốc kiểm soát phòng thí nghiệm Vũ Hán

Nhưng năm 2015, ông Alain Mérieux đã từ chức vụ đồng chủ tịch của Ủy ban hỗn hợp giám sát dự án. Lúc đó, trả lời Đài Phát thanh Pháp (Radio France) thường trú ở Bắc Kinh, ông giải thích : “Tôi rời chức đồng chủ tịch (phòng thí nghiệm Vũ Hán) vì đó là một công cụ rất Trung Quốc. Phòng thí nghiệm này thuộc về họ, dù công trình được phát triển với sự trợ giúp kỹ thuật của Pháp”. Ngoài ra, công ty Pháp Technip cũng từ chối tiến hành chứng nhận công trình này.

Theo một bức điện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 4/2018, người Pháp nghĩ rằng phòng thí nghiệm Vũ Hán là một cơ sở nghiên cứu mở và minh bạch, chuyên cung cấp dịch vụ cho việc nghiên cứu các đại dịch tiềm ẩn trên thế giới.

Vào tháng 5/2017, người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu công cộng Pháp Inserm, cũng là người hỗ trợ thành lập phòng thí nghiệm Vũ Hán, nói với Tạp chí Health Sciences Authority rằng, khoản kinh phí dự trù 1 triệu euro mỗi năm trong thời hạn 5 năm của Pháp sẽ tài trợ cho 50 nhà khoa học Pháp đến Trung Quốc đào tạo các nhân viên của phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Theo thỏa thuận giữa Paris và Bắc Kinh, người Pháp sẽ giám sát công việc của các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Vũ Hán. Tuy nhiên, trái với mong đợi, phòng thí nghiệm này dần dần thoát khỏi sự quản lý của các nhà khoa học Pháp. 50 nhà nghiên cứu Pháp dự kiến sẽ đến Vũ Hán làm việc trong 5 năm lại chưa hề rời khỏi Pháp.

Ông David Asher nói rằng, năm 2017, người Pháp đã “bị đá khỏi” phòng thí nghiệm và hai bên ngừng hợp tác. Vì lý do này, các quan chức Pháp đã cảnh báo Bộ Ngoại giao Mỹ rằng họ quan ngại sâu sắc về động cơ của ĐCSTQ.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ ra trong một bức điện vào tháng 1/2018 rằng, phòng thí nghiệm Vũ Hán thiếu các kỹ thuật viên được đào tạo bài bản. Bộ Ngoại giao tiếp tục tiết lộ vào tháng 1/2021 rằng, phòng thí nghiệm Vũ Hán đã thay mặt quân đội ĐCSTQ tiến hành các nghiên cứu bí mật ít nhất là từ năm 2017.

Ông Asher nói rằng, các quan chức Mỹ từng đến thăm phòng thí nghiệm này và đưa ra cảnh báo bằng điện tín đã bị Bắc Kinh cấm quay lại, bởi vì họ đưa ra "quá nhiều câu hỏi".

Cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn của phòng thí nghiệm Vũ Hán

Theo bức thư điện tử do WikiLeaks công bố, ngay từ năm 2009, bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc bấy giờ, đã bày tỏ quan ngại về phòng thí nghiệm Vũ Hán. Bà Hillary đã hỏi Pháp về cách Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ "kiểm duyệt các nhà nghiên cứu nước ngoài nhập cảnh”, và các vấn đề khác như tránh chuyển giao công nghệ cho các nước có vấn đề về phổ biến vũ khí sinh học.

Theo tờ Le Figaro của Pháp đưa tin, mặc dù các chính trị gia cấp cao của Pháp ủng hộ dự án hợp tác này, nhưng các chuyên gia an ninh quốc phòng của nước này lại bày tỏ phản đối. Những chuyên gia này nói rằng, họ không muốn chia sẻ các công nghệ nhạy cảm với "quốc gia có tính áp bức và không phải là đồng minh", đồng thời cảm thấy lo ngại về việc phòng thí nghiệm này có thể bị biến thành "kho vũ khí sinh học".

Một quan chức cấp cao của ĐCSTQ cho biết hôm 22/7 rằng, chính quyền Bắc Kinh đã từ chối đề xuất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc điều tra nguồn gốc của virus giai đoạn hai, bao gồm một cuộc điều tra về giả thuyết phòng thí nghiệm Trung Quốc bị rò rỉ. Đồng thời Bắc Kinh đã chặn WHO tiếp cận các hồ sơ quan trọng của phòng thí nghiệm này.

Ông Asher nói rằng, Pháp đã sớm cảnh báo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào năm 2015 rằng, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nên dừng gửi tiền cho phòng thí nghiệm Vũ Hán, và các quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ nên đóng tất cả các hợp tác liên quan đến phòng thí nghiệm này.

"Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hút Hoa Kỳ vào vại mật của họ để có được các hỗ trợ về công nghệ, tri ​​thức và vật chất của Mỹ. Đây là một (ví dụ) kinh điển. Nó giống với những gì họ (ĐCSTQ) đã làm trong mọi lĩnh vực”, ông Asher nói.

Từ tháng 10/2009 đến tháng 5/2019, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã cung cấp 1,1 triệu USD cho Liên minh EcoHealth (EcoHealth Alliance) - một tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ - để ký một thỏa thuận phụ với phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Theo tạp chí New York đưa tin, EcoHealth Alliance còn nhận được tài trợ từ Cơ quan Giảm thiểu Đe dọa Quốc phòng Hoa Kỳ (DTRA) - một cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, và 600.000 USD của Viện Y tế Quốc gia Mỹ từ năm 2014 đến năm 2019. Các khoản tiền này cuối cùng đều được chia cho phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Mai Hạ

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Pháp từng cảnh báo Mỹ sau khi ‘bị đá khỏi’ phòng thí nghiệm Vũ Hán