Ông Trump tại CPAC 2021: Những gã trùm Big Tech 'xứng đáng bị trừng phạt'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phát biểu trước khán giả tại Hội nghị Hành động Chính trị Chủ nghĩa Truyền thống (CPAC) năm 2021,  cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố, các công ty công nghệ lớn như Twitter, Google và Facebook sẽ phải đối mặt với các hình phạt lớn nếu họ tiếp tục tham gia kiểm duyệt phát ngôn của những người theo chủ nghĩa truyền thống.

Trong lần xuất hiện trọng đại đầu tiên kể từ khi rời nhiệm sở, cựu Tổng thống Trump đã nhân cơ hội để tái kêu gọi các lệnh trừng phạt đối với các công ty ở Thung lũng Silicon có tham gia vào chiến dịch kiểm duyệt nội dung không cân bằng đối với người dùng. Đa phần mục tiêu chính của chiến dịch này thường nhắm vào ngôn luận và những quan điểm theo tư tưởng truyền thống.

Trong bài phát biểu hôm 28/2, ông Trump nêu rõ: “Đã đến lúc phải phá bỏ thế độc tôn của các [công ty] Big Tech và khôi phục sự cạnh tranh công bằng. Những gã trùm công nghệ lớn như Twitter, Google và Facebook đáng ra phải bị trừng phạt bằng các biện pháp trừng phạt chính yếu, bất cứ khi nào họ bịt miệng những phát ngôn khuynh hữu”.

Tổng thống Trump và chính quyền của ông đã kêu gọi bãi bỏ hoặc cải cách Mục 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông. Động thái này nhằm loại bỏ các biện pháp bảo vệ các công ty khỏi phải chịu trách nhiệm pháp lý khi tham gia kiểm duyệt các phát ngôn về chính trị. Chính quyền ông muốn các công ty này phải đóng vai trò là nhà xuất bản thay vì là nền tảng trực tuyến, khi họ tham gia vào việc kiểm duyệt có mục tiêu đối với nội dung từ người dùng. Các biện pháp bảo vệ theo Mục 230 không bảo vệ các nhà xuất bản.

Chính phủ Mỹ đang tiến hành một số cuộc điều tra chống độc quyền đối với các công ty Big Tech. Trước đó, Bộ Tư pháp nước này cho biết đã mở các cuộc điều tra chống độc quyền đối với các công ty công nghệ kỹ thuật số lớn và đã đệ đơn kiện Google với các cáo buộc về việc công ty này có những hoạt động chống cạnh tranh. Tương tự, tiểu bang Texas cũng đã đệ đơn kiện chống độc quyền chống lại Google.

Một số tiểu bang đang tìm hiểu luật để ngăn các công ty Big Tech lợi dụng vị thế độc tôn của mình để ngăn chặn những ý kiến mà họ không đồng ý. Tiểu bang Florida đề xuất sẽ tìm cách trừng phạt các công ty mạng xã hội đã loại bỏ các ứng cử viên trong một cuộc bầu cử bất kỳ khỏi nền tảng của họ. Điều luật này sẽ phạt các công ty 100.000 USD mỗi ngày, cho đến khi họ khôi phục quyền truy cập của ứng viên vào nền tảng. Tiểu bang Texas cũng đang xem xét luật tương tự.

Nhiều động thái quy định đã được thực hiện để đối phó với việc các gã trùm Big Tech tăng cường kiểm soát ngôn luận của người dùng, đặc biệt là trong thời gian trước cuộc bầu cử ngày 3/11 và sau vụ đột nhập vào Điện Capitol Hoa Kỳ hôm 6/1. Bắt nguồn từ sự kiểm duyệt của các công ty mạng xã hội, Twitter đã tuyên bố khóa vĩnh viễn tài khoản của ông Trump, còn Facebook và Instagram đã cấm ông vô thời hạn. Hiện một ủy ban giám sát độc lập do Facebook thuê đang xem xét kháng nghị về quyết định cấm cựu tổng thống của nền tảng này.

Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ nhận định: “Đảng Cộng hòa và những người cánh hữu phải mở ra các nền tảng của chúng ta và bãi bỏ các biện pháp bảo vệ trách nhiệm pháp lý theo Mục 230. Và nếu chính phủ liên bang từ chối hành động, thì mọi tiểu bang trong Liên minh, nơi chúng ta có phiếu bầu, đều có rất nhiều phiếu bầu". Ông cũng dành sự khen ngợi cho 2 tiểu bang Florida và Texas khi họ sẵn sàng giải quyết vấn đề của Big Tech.

Ông nói thêm: “Nếu đảng Cộng hòa có thể bị kiểm duyệt vì nói ra sự thật và lên án tham nhũng, chúng ta sẽ không có dân chủ, và chúng ta sẽ chỉ có chuyên chế cánh tả".

Trong khi đó, những gã trùm công nghệ số này cũng đang phải đối mặt với sự phản đối từ các chính phủ trên khắp thế giới. Lãnh đạo nhiều nước đều bày tỏ lo ngại về quyền lực mà các công ty này đang nắm giữ đối với ngôn luận công khai và cạnh tranh kinh doanh. Úc là quốc gia mới nhất thông qua luật buộc Google và Facebook phải trả tiền cho nội dung tin tức. Điều luật này là để ủng hộ báo chí vì lợi ích chung, và nhằm mục đích cung cấp một sân chơi bình đẳng giữa các nền tảng số và các công ty truyền thông, vốn đang bị mất doanh thu quảng cáo cho các nền tảng này. Nhiều quốc gia khác cũng đã đánh tiếng về ý định tiếp bước động thái của Úc.

'Công kích vi hiến'

Trong khi các công ty Big Tech đang kiểm soát ngôn luận trong lĩnh vực tư nhân, các thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội đang nhanh chóng cố gắng thúc đẩy việc thông qua dự luật được gọi là H.R. 1, hoặc Đạo luật Vì Nhân dân. Những người cánh hữu cảnh báo, điều luật này sẽ càng gia tăng hạn chế đối với các ngôn luận chính trị.

Người đã giới thiệu phiên bản năm 2021 của dự luật này là Hạ nghị sĩ John Sarbanes thuộc đảng Dân chủ. Ông cho biết, dự luật này nhằm "khắc phục tình trạng đàn áp cử tri tràn lan, những lời chỉ trích và một loạt các khoản tiền mờ ám với lợi nhuận đặc biệt" trong các cuộc bầu cử ở Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, dự luật của ông cũng áp đặt những hạn chế mới về phát ngôn đối với các chiến dịch, cũng như ngăn cản người Mỹ xuất bản và tổ chức thành các nhóm để vận động cho chính phủ của họ.

Trong một bài đăng trên blog, Viện Tự do Ngôn luận của Mỹ cho biết: “H.R. 1 và S. 1 sẽ áp đặt các tiêu chuẩn khó thực hiện và không khả thi đối với quyền hạn của người Mỹ và các nhóm người Mỹ [khi họ] thảo luận về các vấn đề chính sách hiện thời với các quan chức đắc cử và công chúng. Các điều khoản khác sẽ vi phạm quyền riêng tư của các nhóm vận động và những người ủng hộ họ, quy định chặt chẽ về các phát ngôn chính trị trực tuyến, và buộc người phát biểu phải đưa ra các thông điệp dài do chính phủ yêu cầu để xác định danh tính một số người ủng hộ họ trong bài phát biểu của mình”.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Trump đã cảnh báo về việc ban hành điều luật này. Ông đánh giá, điều luật này sẽ trao quyền cho chính phủ liên bang để ngăn chặn những người bất đồng chính kiến, ​​và biến Ủy ban Bầu cử Liên bang thành một “vũ khí chính trị của đảng phái”.

Ông nói: “Chúng ta không có thời gian để lãng phí [khi] bà Nancy Pelosi và các thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội đang chạy đua để thông qua một cuộc công kích rõ ràng, vi hiến đối với Tu chính án đầu tiên và tính toàn vẹn trong các cuộc bầu cử của chúng ta, được gọi là H.R. 1”.

Cựu Tổng thống Mỹ cũng nêu quan ngại về một số đề xuất của dự luật, như hạn chế hoạt động của các yêu cầu về ID cử tri và để "các quan chức không đạt tiêu chuẩn, không đắc cử phụ trách việc phân xử các khu vực quốc hội", thông qua các ủy ban phân chia lại độc lập.

Tổng thống Trump tuyên bố: “Nhất thiết phải ngăn chặn con quái vật này. Nó không thể được thông qua".

Ông kêu gọi: “Hơn bao giờ hết, [đây] là thời điểm dành cho những nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa cứng rắn, mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng, những người có xương sống bằng thép. Chúng ta cần sự lãnh đạo mạnh mẽ. Chúng ta không thể có những nhà lãnh đạo thể hiện niềm đam mê lên án đồng bào Mỹ của họ nhiều hơn là những gì họ thể hiện để đứng lên chống lại đảng Dân chủ, trước giới truyền thông và những kẻ cấp tiến muốn biến nước Mỹ thành một nước xã hội chủ nghĩa”.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Ông Trump tại CPAC 2021: Những gã trùm Big Tech 'xứng đáng bị trừng phạt'