Sau khi Twitter khóa tài khoản của TT Trump, ông Graham 'quyết tâm' đảo ngược điều luật bảo vệ Big Tech

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Graham nhận định: “Big Tech là những công ty duy nhất ở Mỹ hầu như có quyền miễn trừ tuyệt đối với việc bị kiện vì hành động của họ, và đó chỉ bởi Quốc hội đã cho họ sự bảo vệ đó".

Ngày 9/1, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham tuyên bố, ông có nhiều "quyết tâm hơn" trong việc đảo ngược các biện pháp bảo vệ pháp lý đối với các công ty công nghệ lớn (Big Tech), sau khi Twitter xóa vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khỏi nền tảng của mình.

Trong một loạt bài đăng trên Twitter, ông Graham nói: “Twitter có thể cấm tôi vì điều này và tôi sẵn sàng chấp nhận. Nhưng quyết định cấm vĩnh viễn Tổng thống Trump của Twitter là một sai lầm nghiêm trọng. Ayatollah có thể tweet, còn ông Trump thì không. [Điều này] cho thấy những người điều hành Twitter có "vấn đề nghiêm trọng".

Ông nói thêm: “Tôi quyết tâm hơn bao giờ hết để tước bỏ các biện pháp bảo vệ trong Mục 230 giúp Big Tech (Twitter) tránh được kiện tụng".

Đã có rất nhiều chỉ trích đối với các công ty công nghệ lớn như Twitter, Facebook và các công ty khác ở Thung lũng Silicon vì chính sách không cân bằng của họ đối với nội dung người dùng trên các trang mạng xã hội. Những người chỉ trích cho rằng, các công ty này đang có những hành vi hòng hạn chế các chính trị gia cánh hữu chia sẻ quan điểm của họ, và kìm hãm quyền tự do ngôn luận nói chung.

Tổng thống Trump và Bộ Tư pháp đã luôn thúc giục Quốc hội Mỹ loại bỏ các biện pháp bảo vệ pháp lý trong Mục 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông năm 1996 đối với các công ty đã tham gia vào hoạt động kiểm duyệt hoặc có hành vi chính trị. Hồi tháng 12/2020, Tổng thống Trump đã phủ quyết dự luật quốc phòng vì các nhà lập pháp không hạn chế các biện pháp bảo vệ Big Tech trong dự luật theo yêu cầu của chính quyền ông.

Mục 230 miễn trừ phần lớn các trách nhiệm pháp lý cho các nền tảng trực tuyến đối với nội dung do người dùng của họ đăng tải, mặc dù họ có thể phải chịu trách nhiệm về nội dung vi phạm luật chống buôn bán tình dục hoặc sở hữu trí tuệ.

Điều luật này cho phép các công ty Big Tech chặn hoặc sàng lọc nội dung "một cách thiện chí" nếu họ coi đó là nội dung "tục tĩu, dâm ô, khiêu dâm, bẩn thỉu, bạo lực quá mức, quấy rối hoặc phản cảm". Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ không nhằm mục đích áp dụng cho các nhà hoạt động dịch vụ giống với nhà xuất bản hơn là nền tảng trực tuyến, cựu Tổng chưởng lý William Barr cho biết trong một bài phát biểu vào tháng 5/2020.

Thượng nghị sĩ Graham khẳng định: “Big Tech là những công ty duy nhất ở Mỹ hầu như có quyền miễn trừ tuyệt đối với việc bị kiện tụng, và đó là ân huệ của Quốc hội dành cho họ".

Ông tuyên bố: “Đã đến lúc Quốc hội phải bãi bỏ Mục 230 và đặt Big Tech vào vị trí hợp pháp như mọi công ty khác ở Mỹ. [Chịu] trách nhiệm pháp lý”.

Hôm 8/1, Twitter đã xóa vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Trump khỏi nền tảng của mình. Để biện minh cho việc kiểm duyệt này, gã trùm mạng xã hội nói rằng Tổng thống đã vi phạm “Chính sách chống tôn vinh bạo lực” của nền tảng.

Một trong những bài đăng cuối cùng của Tổng thống Trump là một video kêu gọi những người biểu tình tại Điện Capitol Hoa Kỳ rời khỏi khu vực này trong hòa bình. Trong đoạn video đã bị các trang mạng xã hội xóa, ông kêu gọi: "Các bạn phải về nhà ngay. Chúng ta phải có hòa bình. Chúng ta phải có luật pháp và trật tự, chúng ta phải tôn trọng những con người tuyệt vời của chúng ta về luật pháp và trật tự".

Trong bản tuyên bố chính thức của mình, Twitter cho biết: “Sau khi xem xét chặt chẽ các Tweet gần đây từ tài khoản @realDonaldTrump và bối cảnh xung quanh — cụ thể là cách chúng được tiếp nhận và giải thích trên và bên ngoài Twitter — chúng tôi đã khóa vĩnh viễn tài khoản này do nguy cơ kích động bạo lực”.

Trang mạng xã hội giải thích: “Trong bối cảnh của các sự kiện kinh hoàng xảy ra trong tuần này, chúng tôi đã làm rõ vào thứ Tư (6/1) rằng, sự vi phạm gia tăng đối với Quy tắc của Twitter sẽ có khả năng dẫn đến động thái này. Khung lợi ích chung của chúng tôi tồn tại để cho phép công chúng trực tiếp nghe ý kiến ​​từ các quan chức đắc cử và các nhà lãnh đạo thế giới. Nó được xây dựng trên nguyên tắc người dân có quyền nắm giữ quyền lực công khai".

Bản tuyên bố tiếp tục: “Tuy nhiên, trước đây chúng tôi đã làm rõ rằng, những tài khoản này hoàn toàn không nằm ngoài [phạm vi] quy tắc của chúng tôi và [các nhà lãnh đạo] không thể sử dụng Twitter để kích động bạo lực, cùng những thứ khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục minh bạch về các chính sách của mình và việc thực thi chúng”.

The Epoch Times không thể xác minh độc lập các tuyên bố mà Twitter đưa ra trong quyết định của mình. Twitter đã không trả lời các câu hỏi của The Epoch Times về việc liệu họ có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các tuyên bố của Tổng thống Trump có liên quan trực tiếp đến bất kỳ hành động bạo lực nào hay không.

Việc xóa tài khoản được đưa ra sau khi một nhóm người bạo động và một phần nhỏ những người biểu tình mang theo cờ ủng hộ Tổng thống Trump đã xâm nhập tòa nhà Quộc hội Mỹ bất hợp pháp, trong lúc các nhà lập pháp đang kiểm phiếu Đại cử tri trong một Phiên họp toàn thể của Quốc hội. Tình trạng lộn xộn khiến 5 người thiệt mạng và hàng chục cảnh sát bị thương.

Các hãng truyền thông, các nhà lập pháp, cựu quan chức cùng nhiều nhà phê bình khác đã đổ lỗi cho ông Trump về sự cố ngày 6/1, và kêu gọi áp dụng biện pháp luận tội phế truất đối với ông.

Đầu ngày hôm đó, Tổng thống Trump đã có bài phát biểu trước một đám đông người biểu tình ở Washington D.C., trong đó ông nhắc lại những cáo buộc của mình về những bất thường và gian lận bầu cử, cũng như sự không hài lòng của ông với giới truyền thông và một số nhà lập pháp. Vào lúc 12h16 chiều (tức nửa đêm giờ Việt Nam), Tổng thổng khuyến khích những người biểu tình bên ngoài Điện Capitol duy trì "hòa bình và thể hiện lòng yêu nước để tiếng nói của các bạn được lắng nghe".

Khi hàng nghìn người biểu tình di chuyển đến trước Điện Capitol của Hoa Kỳ, đã có những báo cáo về các vụ bạo lực nhỏ trong các cuộc đụng độ với cảnh sát và truyền thông, dù đại đa số người biểu tình vẫn ôn hòa. Vào lúc 2h15 chiều cùng ngày (tức rạng sáng tại Việt Nam), một nhóm nhỏ bắt đầu gây bạo loạn, đập vỡ cửa sổ của Điện Quốc hội hòng tiến vào tòa nhà, trong khi những người biểu tình khác cố gắng ngăn cản những phần tử quá khích này. Ngay sau đó, vào lúc 2h38 chiều, Tổng thống Trump bắt đầu đăng bài trên Twitter, kêu gọi những người ủng hộ ông: "Hãy giữ hòa bình". Ông tiếp tục thúc giục đoàn người đảm bảo hòa bình và tôn trọng lực lượng cảnh sát trong suốt buổi chiều hôm đó.

Những người biểu tình cuối cùng đã xâm nhập tòa nhà Capitol, và kéo theo nhiều người biểu tình khác theo sau. Từ lúc này, Tổng thống Trump liên tục lên án “cuộc tấn công kinh khủng” của những kẻ xâm nhập vào Điện Capitol. Ông tuyên bố: “Những người biểu tình xâm nhập vào Điện Capitol đã làm ô uế vị thế của nền dân chủ Mỹ”.

Ông khẳng định: “Đối với những người tham gia vào các hành động bạo lực và phá hoại, các bạn không đại diện cho đất nước của chúng tôi. Và đối với những người đã vi phạm luật, các bạn sẽ phải trả giá".

Chính sách của Twitter

Tài khoản của Tổng thống Trump không phải là tài khoản duy nhất nằm trong phi vụ "thanh trừng" của Twitter. Kênh mạng xã hội này cũng đã khóa tài khoản của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia là Trung tướng Michael Flynn và luật sư Sidney Powell, với lý do họ đã thực hiện những “hoạt động gây hại có tổ chức”.

Tương tự, vào ngày 8/1, người đứng đầu phong trào WalkAway cánh tả là ông Brandon Straka nói với The Epoch Times rằng, Facebook đã xóa trang của nhóm và cấm các tài khoản cá nhân thuộc nhóm này.

Động thái Twitter xóa tài khoản của Tổng thống Trump đang đối mặt với sự chỉ trích trên diện rộng. Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị Hoa Kỳ Ben Carson và cựu Đại sứ Liên Hợp Quốc Nikki Haley đều liên hệ động thái này của Twitter với hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bà Haley viết: “Bịt miệng người dân, chưa kể đến Tổng thống Hoa Kỳ, là những gì [đáng lý chỉ nên] xảy ra ở Trung Quốc chứ không phải ở đất nước của chúng ta".

Ông Carson nêu rõ quan điểm: “Bạn muốn cấm @realDonaldTrump, tốt thôi [khi] bạn là một công ty tư nhân, nhưng việc @Twitter xóa tài khoản của Tổng thống là sai, [vì nó] vốn được dùng để lưu dấu ấn về chính quyền này cùng lịch sử của [thời kỳ này]. @Facebook & @instagram cấm tất cả các hình ảnh từ cuộc bạo động ở Capitol đã thiết lập một tiền lệ nguy hiểm. Chúng ta đâu có ở Trung Quốc".

Trước và sau cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020, Twitter cũng đều tăng cường kiểm soát các bài đăng của Tổng thống và những người dùng khác khi họ đưa ra các cáo buộc về gian lận bầu cử. Trong bản cập nhật ngày 12/11, gã trùm mạng xã hội cho biết đã áp dụng nhãn cảnh báo và các hạn chế khác cho khoảng 300.000 bài đăng từ ngày 27/10 cho đến ngày 11/11, đối với các nội dung mà họ phân loại là “gây tranh cãi và có khả năng gây hiểu lầm”. Con số này tương ứng với khoảng 0,2% tất cả các bài đăng liên quan đến bầu cử Hoa Kỳ được đăng tải trên nền tảng này trong khoảng thời gian đó.

Trong một bài đăng trên Twitter vào đêm trước Giáng sinh, Tổng thống Trump nói: “Twitter đang trở nên điên cuồng với những lá cờ [cảnh báo] của mình, họ cố gắng hết sức để ngăn chặn sự thật. [Điều này] chỉ càng cho thấy mức độ nguy hiểm của họ [khi] cố tình bóp nghẹt tự do ngôn luận. [Việc này] rất nguy hiểm cho Đất nước chúng ta. Quốc hội có biết rằng đây là cách mà Chủ nghĩa Cộng sản bắt đầu không?".

Năm ngoái, trang mạng xã hội này cũng đã áp chế một loạt tin bài từ tờ New York Post tiết lộ về các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài của Hunter Biden, con trai của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Các tập đoàn công nghệ đều phản đối việc thúc đẩy loại bỏ các biện pháp bảo vệ họ từ Mục 230.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Sau khi Twitter khóa tài khoản của TT Trump, ông Graham 'quyết tâm' đảo ngược điều luật bảo vệ Big Tech