Nước Mỹ sắp có bài học 4 năm về phản kinh tế dưới thời ông Biden

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump kết thúc và nước Mỹ chuẩn bị bước vào nền kinh tế mới dưới thời chính quyền của ông Biden, nhà bình luận Thomas Del Beccaro chia sẻ những dự đoán của mình về tình hình kinh tế trong 4 năm tới của nước Mỹ, một nền kinh tế phản kinh tế học.

Nhiệm kỳ Tổng thống Biden sắp bắt đầu. Sau một nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump với sự thấu hiểu và cung cách làm việc theo các quy luật kinh tế, chúng ta sắp phải chịu đựng một nhiệm kỳ Tổng thống khác của đảng Dân chủ vốn luôn tìm cách bỏ qua các quy luật kinh tế — và cùng với đó, người Mỹ sẽ phải chịu khổ.

Khi xem xét những năm tháng tới đây và các chính sách của chính quyền ông Biden sắp tới, chúng ta nên cảnh giác về việc số người thực sự tin vào kinh tế học trong hệ thống này ít đến thế nào. Tôi viết điều này, vì mọi người đều thấy rõ có bao nhiêu người hỗ trợ những chính sách bỏ qua các quy luật kinh tế nhưng vẫn mong đợi kết quả kinh tế tốt.

Về cốt lõi, kinh tế học không gì khác hơn là nghiên cứu về hành vi của con người được đo lường qua mọi thời đại. Trong suốt nhiều thiên niên kỷ, con người đã phản ứng một cách nhất quán với các tình huống, kích thích, khuyến khích cũng như việc mất đi những khuyến khích đó. Điểm nổi bật hơn trong những phản hồi nhất quán đó thường được gọi là các quy luật kinh tế.

Hầu hết mọi người đã nghe nói đến cụm từ cung và cầu.

Theo thời gian, giá cả mà chúng ta phải trả cho các mặt hàng được xác định một phần đáng kể bởi nguồn cung tổng của bất kỳ mặt hàng hoặc dịch vụ nhất định nào phù hợp với nhu cầu đối với các mặt hàng đó. Chúng ta biết rằng, nếu nhu cầu tăng đối với bất kỳ mặt hàng hoặc dịch vụ nhất định nào thì giá cả của loại hàng hoặc dịch vụ đó sẽ có xu hướng tăng lên. Khi nhu cầu giảm, giá cả cũng giảm theo. Khi tất cả những thứ khác ngang bằng nhưng thiếu nguồn cung thì thị trường sẽ có xu hướng đẩy giá cao hơn, trong khi nếu nguồn cung dồi dào sẽ có xu hướng đẩy giá xuống thấp hơn.

Lý do cho cơ chế thay đổi đó được bao hàm trong một quy luật kinh tế cơ bản hơn được gọi là quy luật của nhu cầu. Investopedia sẽ cho bạn biết: “Quy luật nhu cầu nói rằng, số lượng mua thay đổi tỷ lệ nghịch với giá cả”.

Nói cách khác, một cái gì đó càng đắt thì bạn càng có xu hướng đón nhận ít hơn. Ford bán chạy hơn Rolls Royces phần lớn do giá của Ford thấp hơn. Xe ô tô có giá 30.000 USD sẽ bán chạy hơn ô tô có giá 300.000 USD. Điều này cũng đúng với quần jean hay nhà đất.

Đáng kinh ngạc là, hầu hết các chính trị gia của chúng ta không hiểu rằng quy luật nhu cầu áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế, bao gồm cả việc làm, thu nhập và tăng trưởng kinh tế nói chung. Nguyên tắc kinh tế cốt lõi đó áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế, chứ không chỉ cho quần jean và ô tô.

Vì vậy, khi thuế suất thu nhập được tăng lên, tức là chi phí trên thu nhập tăng lên, theo luật kinh tế, đó là một biện pháp không được khuyến khích cho mục đích gây áp lực đè lên lượng thu nhập mà người dân tạo ra và/hoặc báo cáo. Khi chính phủ "tăng" lương, tức là mức lương tối thiểu, dẫn đến áp lực suy giảm nhu cầu tuyển dụng, vì công việc hiện nay có giá cao hơn.

Trong lịch sử ngắn ngủi của mình, chúng ta hiện đã có 5 cuộc cải cách thuế lớn là những năm 1920, 60, 80, 2000 và vào cuối năm 2017. Mỗi lần, nền kinh tế của chúng ta đều tăng trưởng yếu hoặc ít hơn trước khi đề xuất cải cách thuế được đặt ra. Mỗi lần, với các biện pháp khuyến khích làm cho thu nhập tăng lên, nền kinh tế mở rộng, việc làm tăng lên, thu nhập tăng và nguồn thu từ thuế cũng tăng theo.

Không có ví dụ nào về hiện tượng này tốt hơn là khi thuế suất của chúng ta được cắt giảm vào những năm 1920 từ mức cao nhất là 77% xuống 25%, và tăng trưởng bùng nổ, tức là những năm Roaring 20 (còn gọi là Thời đại nhạc Jazz ở Mỹ và Canada), vì đồng tiền trước đây được sử dụng trong các công cụ miễn thuế được đưa vào ứng dụng trong nền kinh tế sau khi các ưu đãi được khôi phục.

Tương tự, như nhà kinh tế Thomas Sowell đã nỗ lực để dạy chúng ta trong nhiều thập kỷ, việc tăng lương tối thiểu của chính phủ — phù hợp với quy luật nhu cầu — dẫn đến mất việc làm.

Năm 2017, Chính quyền Tổng thống Trump đã ủng hộ việc cải cách thuế lớn. Những người theo chủ nghĩa không bao giờ tăng trưởng không tin vào kinh tế học đã nói với chúng ta rằng, nước Mỹ mãi mãi mắc kẹt trong một vùng đất có tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu, và không thể vượt quá mức tăng 3% thêm một lần nào nữa. Tuy nhiên, cuộc cải cách thuế của ông Trump đã khôi phục các ưu đãi, dòng tiền chảy trở về để nuôi nền kinh tế và như tôi đã dự đoán vào tháng 12/2017, trong quý 2 năm 2018, sức tăng trưởng đã vượt mức 4%. Nhìn chung, tăng trưởng sau khi cắt giảm thuế vượt quá kỳ vọng của những người theo chủ nghĩa không bao giờ tăng trưởng.

Nhiều người trong số những người không bao giờ tăng trưởng đó từng ở trong Chính quyền cựu Tổng thống Obama. Họ tham gia vào cuộc chiến về năng lượng bằng cách tăng chi phí than và các mặt hàng khác. Họ áp đặt các quy định trong toàn bộ nền kinh tế, bao gồm cả những quy định là một phần của chính sách y tế Obamacare. Nhìn chung, gánh nặng thuế và quy định đối với nền kinh tế đã tăng lên (trong hàng thập kỷ qua, gánh nặng thuế và quy định ngày càng tăng đối với nền kinh tế).

Không ai nên thấy ngạc nhiên khi nền kinh tế hoạt động rất kém dưới thời ông Obama. Tốc độ tăng trưởng trung bình dưới thời nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama là khoảng 2%. Đó không phải là vì ông đã được giao cho một nền kinh tế tồi tệ, mà bởi vì, trên nền kinh tế tồi tệ đó, ông đã tăng gánh nặng thuế và quy định lên nền kinh tế.

Các luật định về kinh tế đã hủy hoại chương trình của ông ấy, như tôi đã dự đoán vào tháng 7/2008, khi tôi nói rằng chừng nào ông ấy còn là tổng thống, chúng ta sẽ có một nền kinh tế tương đối yếu. Tại sao? Vì các luật định về kinh tế.

Khi nhiệm kỳ Tổng thống Biden bắt đầu, chúng ta biết ông ấy sẽ theo đuổi chính sách sưu thuế cao và quy định cao hơn nhiều, tương tự như trong thời kỳ của ông Obama. Ông ấy đang yêu cầu mức lương tối thiểu cao hơn và một số hình thức của Thỏa thuận Xanh Mới. Đây là các chính sách sẽ làm tăng chi phí năng lượng, chưa kể đến việc tăng thuế thu nhập.

Kết quả cuối cùng sẽ là làm tăng chi phí đối với nền kinh tế vốn đã bị thiệt hại do đại dịch COVID-19, và nền kinh tế thế giới bị đe dọa bởi sự gia tăng mạnh của tình trạng nghèo đói. Kết quả của các chính sách từ ông Biden sẽ là tăng trưởng kinh tế yếu hơn những gì có thể có. Nhìn chung, đây sẽ là một bài học khác về các quy luật kinh tế mà những người không tin vào kinh tế học áp lên đầu chúng ta.

Thomas Del Beccaro là một tác giả, một diễn giả nổi tiếng của Fox News, Fox Business, và là cây viết bình luận của The Epoch Times, là cựu chủ tịch của đảng Cộng hòa tại tiểu bang California. Ông là tác giả của các quan điểm lịch sử “Kỷ nguyên chia rẽ” và “Mô hình bảo thủ mới”.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Nước Mỹ sắp có bài học 4 năm về phản kinh tế dưới thời ông Biden