Nước Anh kêu gọi Bắc Kinh ‘lùi bước khỏi bờ vực’ khi thắt chặt quyền tự trị của Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh cần phải “lùi bước khỏi bờ vực” và cân nhắc lại việc áp dụng luật an ninh quốc gia với Hong Kong, ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói trong một tuyên bố ngày 11/6.

“Giải pháp cho tình trạng bất ổn này và nguyên nhân cơ bản của nó phải đến từ Hong Kong và không thể áp đặt từ Trung Quốc đại lục”, Ngoại trưởng Anh đã viết trong lời tựa của một báo cáo bán niên về Hong Kong khi thành phố này được bàn giao lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Các cuộc biểu tình lớn nhất trong năm qua tại Hong Kong đã diễn ra, hàng triệu người dân thành phố đã xuống đường để phản đối lại sự xâm lấn ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với thành phố tự trị này.

Luật an ninh Trung Quốc mới được thông qua cho phép hình sự hóa những gì chính quyền trung ương coi là ly khai, lật đổ chính quyền và can thiệp nước ngoài, đã làm dấy lên cuộc biểu tình của người dân địa phương.

Nếu chính quyền Trung Quốc tiếp tục thực thi luật an ninh quốc gia, nước Anh sẽ cho phép người ở nước ngoài có hộ chiếu Anh Quốc hải ngoại được quyền xin nhập quốc tịch Anh, ông Dominic Raab nói.

Hiện tại, khoảng 350.000 người Hong Kong sinh trước năm 1997 có hộ chiếu như vậy, trong khi 2,5 triệu người khác đủ điều kiện để đăng ký hộ chiếu như thế.

Trong một báo cáo chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ ngày 10/6, Ủy ban Nghiên cứu của Đảng Cộng hòa đã khuyến nghị sử dụng Đạo luật Magnitsky toàn cầu để xử phạt một số quan chức hàng đầu của Trung Quốc vì vi phạm quyền tự trị chính trị của Hong Kong, trong đó có Hàn Chính, một trong 7 ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Gia tăng áp lực

Bất chấp sự phản kháng của quốc tế và cam kết của Hoa Kỳ về việc thu hồi vị thế thương mại đặc biệt của Hong Kong, chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng thực hiện các bước để thúc đẩy việc áp đặt luật anh ninh quốc gia với Hong Kong.

Hôm thứ Tư (10/6), Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ban hành “Tài liệu sự thật” viết rằng Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984, thỏa thuận song phương đã ký trước khi chuyển nhượng chủ quyền Hong Kong, “không liên quan” với cách đối đãi của Trung Quốc với Hong Kong. “Tài liệu sự thật” cũng viết rằng Vương quốc Anh không có “quyền chủ quyền", quyền điều hành và quyền giám sát các sự vụ của Hong Kong.

Ông Trương Hiểu Minh, phó giám đốc Văn phòng Liên lạc Hong Kong của Đại lục cho biết chính quyền trung ương sẽ đảm bảo việc thực thi luật an ninh quốc gia tại thành phố, “bất kể điều gì xảy ra ở Hong Kong cũng như bất kể những gì các thế lực bên ngoài nói hoặc làm”. Ông Trương Hiểu Minh coi thách thức của Hong Kong là một “vấn đề chính trị và gọi luật an ninh quốc gia là một “phần mềm chống virus" nhằm đảm bảo sự ổn định của thành phố.Trong khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ chi tiết về luật anh ninh quốc gia mới, giới phê bình đã bày tỏ lo ngại về việc thực thi pháp luật Trung Quốc trực tiếp trong lãnh thổ Hong Kong và về sự gia tăng truy tố chính trị. Lãnh đạo cơ quan an ninh Hong Kong John Lee gần đây cho biết chính quyền thành phố sẽ thành lập một đơn vị cảnh sát chuyên dụng để hợp tác với các lực lượng an ninh đại lục và áp dụng luật an ninh quốc gia.

“Tôi chắc chắn rằng giới chức đại lục có mạng lưới thu thập thông tin tình báo rộng hơn và mức độ phân tích cao hơn nhiều và giới chức an ninh Trung Quốc có cái nhìn tổng thể về tất cả mọi thứ", ông John Lee nói trong một cuộc phỏng vấn với South China Morning Post.

Nhật Bản cũng đã bày tỏ sự lo ngại về động thái của Bắc Kinh vào ngày 28/5. Hôm thứ Tư (10/6), quốc gia này cho biết rằng họ có kế hoạch dẫn dắt các quốc gia G-7 đưa ra tuyên bố về Hong Kong. Đài Loan cũng đang nỗ lực để chuẩn bị cho người Hong Kong rời khỏi thành phố trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt kiểm soát.

Mở rộng mạng lưới tình báo

Liên quan đến các vụ bắt giữ ngoài luật, các nhà chức trách đã sơ tán một trại giam ở thành phố Thâm Quyến giáp biên giới Hong Kong, để giam giữ những người bị bắt từ Hong Kong, nhân viên tại cơ sở Yantian nói với tờ The Epoch Times (Mỹ), yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù.

Trại giam này nằm ở phía nam của Trung Quốc, gần Sha Tau Kok, quận phía bắc của Hong Kong.

The Epoch Times đã liên hệ với một nhân viên tại trại giam và được xác nhận rằng cơ sở này đã không nhận các tù nhân kể từ khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát và đã chuyển các tù nhân trước đó đến Trung tâm giam giữ quận Luohu, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết về việc sử dụng trại giam này như thế nào trong thời gian tới. Trại giam huyện Luohu đã không trả lời các cuộc gọi điện thoại để lấy thông tin.

Simon Cheng, một cựu nhân viên của lãnh sự quán Anh tại Hong Kong, đã bị giam giữ và thẩm vấn tại cơ sở Luohu vào tháng 8/2019 khi đang đi công tác ở Thâm Quyến.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Nước Anh kêu gọi Bắc Kinh ‘lùi bước khỏi bờ vực’ khi thắt chặt quyền tự trị của Hong Kong