Nữ thủ khoa đại học dưới thời Taliban: Tôi là người may mắn nhất, cũng là người đen đủi nhất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Afghanistan vừa công bố kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học vào tuần trước. Trong số 200.000 thí sinh, Salgy Baran, 20 tuổi, vô cùng vui mừng vì đứng đầu danh sách nhưng cô lại chợt lo sợ khi nhớ ra rằng Taliban đã nắm quyền trở lại.

Baran đã học hành chăm chỉ tại nhà ở Kabul trong nhiều tháng, thậm chí quên ăn quên ngủ. Khi danh sách được công bố, cô biết những nỗ lực của mình đã nhận được quả ngọt. Cô cho biết hai mẹ con đã vui mừng đến phát khóc.

Nhưng ngay lập tức Baran nhớ ra rằng Taliban đã quay trở lại, nụ cười cô vụt tắt và chuyển sang lo lắng. Cô nói: "Chúng tôi đang đối mặt với một tương lai vô cùng bất định", "Tôi nghĩ mình là người may mắn nhất, nhưng cũng là người đen đủi nhất". Baran hy vọng tương lai sẽ trở thành một bác sĩ. Cô và gia đình sống ở miền đông Afghanistan, khi cô 7 tuổi, cha cô qua đời vì dùng thuốc do bác sĩ kê đơn quá liều nên cô quyết tâm làm nghề y.

Văn phòng của Taliban ở Doha đã gửi lời chúc mừng đến Salgy Baran qua Twitter vì cô xếp hạng đầu trong kỳ thi đại học. Baran cho rằng nếu Taliban có thể cho phép các cô gái được học lên cao hơn mà không đặt ra các hạn chế thì điều đó thật tuyệt vời, nếu không những nỗ lực trong cuộc sống của cô sẽ thành công cốc.

Hiện tại ở Afghanistan, khoảng 2/3 dân số ở độ tuổi dưới 25. Thế hệ thanh niên này không có chút ấn tượng gì về sự cai trị của Taliban từ năm 1996 đến 2001. Hầu hết họ chỉ được nghe từ lời kể của cha mẹ về tình hình những năm đó.

Năm đó khi Taliban cai trị, họ đã thi hành luật Sharia hà khắc của Hồi giáo, cấm phụ nữ đi học và đi làm, thậm chí còn hành quyết công khai. Mãi đến năm 2001, họ mới bị các nhóm vũ trang do các nước phương Tây hỗ trợ lật đổ. Sau khi Taliban trở lại vào ngày 15/8 vừa qua, họ ngay lập tức cam kết rằng sẽ không làm gián đoạn việc học của phụ nữ, tuyên bố rằng sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ và kêu gọi các chuyên gia xuất sắc ở lại đất nước.

Tuy Taliban lặp lại nhiều lần những lời đảm bảo trên, nhưng khi Reuters phỏng vấn 6 sinh viên Afghanistan và các chuyên gia trẻ tuổi, thế hệ trẻ vẫn tỏ ra lo lắng.

Javid, 26 tuổi, ngay lập tức chạy từ trường đại học nơi anh làm việc về nhà để xóa tất cả email, tin nhắn trên mạng xã hội với các tổ chức và chính phủ nước ngoài, đặc biệt là với Hoa Kỳ. Đồng thời còn đốt tất cả các tài liệu dự án do Hoa Kỳ tài trợ ở sân sau nhà mình. Trên thực tế, nhiều người trẻ tuổi, giống như Javid, vô cùng sợ hãi Taliban. Ngoài việc lo lắng cho sự an toàn của bản thân, họ còn sợ hãi hơn khi mất đi tự do không dễ gì có được.

Hầu hết người Afghanistan vẫn muốn rời khỏi đất nước, nhưng họ không thể tìm ra cách. Javid nói rằng, nếu như nơi này có thể thay đổi theo hướng tích cực, thì tôi cũng sẽ làm điều tương tự như hàng nghìn người trẻ khác, đó là không tiếc sinh mệnh mà ở lại và nỗ lực, nhưng chúng tôi biết rằng hiện thực không phải như vậy.

Theo Reuters, nhóm thanh niên thuộc thế hệ thiên niên kỷ (Thế hệ Millennials, hay Gen Y) đã quen với việc sử dụng điện thoại di động và nghe nhạc thịnh hành. Trong cuộc sống, họ không có ranh giới khắt khe giữa nam và nữ, và họ khá lo lắng về việc sau này sẽ mất tự do.

Sosan Nabi, 21 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, cho biết đã lên kế hoạch cho 10 năm tới và hy vọng cuộc sống sẽ thay đổi. Tuy nhiên, trong vòng một tuần, Taliban đã nắm quyền kiểm soát đất nước, và đột nhiên trong vòng 24 giờ, chúng lấy đi mọi hy vọng và ước mơ của chúng tôi, Nabi nói.

Theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nhập học tại các trường trung học ở Afghanistan trong năm 2001 chỉ là 12%, nhưng đến năm 2018 đã lên tới 55%. Ở Afghanistan trước đây chỉ có 1 đài phát thanh do nhà nước quản lý, chủ yếu phát các hướng dẫn tôn giáo và cầu nguyện. Hiện có khoảng 170 đài phát thanh, hơn 100 tờ báo và hàng chục đài truyền hình.

Khi Taliban lên nắm quyền vào cuối thế kỷ trước, họ không có điện thoại di động hay Internet.

Elaha Tamim, 18 tuổi, vừa thi đỗ đại học, chia sẻ: “Có thể nói rằng chúng tôi sử dụng điện thoại di động mọi lúc, vì khi chúng tôi muốn thư giãn, chúng tôi sử dụng điện thoại để giải trí. Bằng cách này, tôi biết điều đang diễn ra ở các quốc gia khác trên thế giới, vì vậy tôi không muốn mất đi những thứ này”. “Tôi lớn lên trong một môi trường tự do. Tôi có thể đi học hoặc [tự do] đi ra ngoài”. “Mẹ tôi đã kể cho tôi những nỗi đau khi Taliban cai quản [thời xưa], những câu chuyện đó rất đáng sợ”.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Nữ thủ khoa đại học dưới thời Taliban: Tôi là người may mắn nhất, cũng là người đen đủi nhất