Nữ thị trưởng trẻ nhất Afghanistan bình tĩnh chờ Taliban đến hành quyết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bà Zarifa Ghafari, nữ thị trưởng và là nhà nữ quyền trẻ nhất của Afghanistan, nói với truyền thông Anh rằng, bà từng bị dọa giết nhiều lần, giờ Taliban lên nắm quyền trở lại, bà chỉ còn biết ngồi chờ chịu hành quyết.

Bà Zarifa Ghafari, Thị trưởng của thành phố Maidan Shar, tỉnh Wardak, Afghanistan cho biết: "Tôi sẽ ngồi đây và đợi họ đến. Không ai có thể giúp tôi và gia đình tôi, [vì vậy] tôi sẽ ngồi ở đây với gia đình và chồng. Họ sẽ đi tìm giết những người như tôi. Tôi không thể rời bỏ người thân, hơn nữa cũng không biết đi đâu?”.

Bà Ghafari (29 tuổi), là nữ thị trưởng trẻ nhất của Afghanistan và là người phụ nữ đầu tiên được làm việc tại Văn phòng Thị trưởng Maidan Shar, tỉnh Wardak. The New York Times đưa tin rằng, bà Zarifa Ghafari được Tổng thống Ashraf Ghani bổ nhiệm vào năm 2018. Theo bài báo, mặc dù đã có nữ thống đốc và nữ thị trưởng ở Afghanistan trước đây, nhưng Ghafari là một trong số rất ít phụ nữ được làm công chức ở Maidan Shar.

Bà Ghafari đã bảo vệ quyền phụ nữ ở Afghanistan trong nhiều năm, chủ trì các chương trình phát thanh cá nhân và thành lập nhiều tổ chức phi chính phủ, tập trung vào việc giúp đỡ phụ nữ độc lập về kinh tế. Việc bà Ghafari lãnh đạo ở thành phố tương đối bảo thủ này đã gặp phải kháng cự, bà từng nhiều lần bị dọa giết và đã may mắn sống sót sau các cuộc tấn công.

Vào tháng 11/2020, cha bà, ông Abdul Wasi Ghafari đã bị ám sát ở Kabul. Ông Abdul lúc đó là thượng tá quân đội, bà Ghafari cho rằng cái chết của cha bà là do Taliban gây ra.

The New York Times cho biết, khi được phỏng vấn, bà Ghafari nói: “Họ không muốn tôi ở Maidan Shar, vì vậy họ đã giết cha tôi. Trái tim tôi tan nát và tôi không biết phải dựa vào ai. Nhưng ngay cả khi họ đến bắt tôi lần nữa, tôi cũng sẽ không chùn bước. Tôi đã không còn sợ chết nữa”.

Bài báo nói rằng, trước sự trỗi dậy của Taliban, bà Gafari được chỉ định làm việc trong Bộ Quốc phòng - một nơi tương đối an toàn ở thủ đô Kabul, chịu trách nhiệm về phúc lợi cho binh lính và dân thường bị thương do các cuộc tấn công khủng bố.

Phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid hứa hẹn hôm 15/8 rằng, tính mạng của phụ nữ và những người phản đối sẽ được bảo vệ. Nhưng với một lịch sử đàn áp phụ nữ đẫm máu, đông đảo ngoại giới bày tỏ nghi ngờ trước tuyên bố này của Taliban.

Malala Yousafzai, người từng bị Taliban ám sát lo cho phụ nữ Afghanistan

Malala Yousafzai, người Pakistan đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2014 cho biết hôm 17/8 rằng, cô rất lo lắng về tình hình ở Afghanistan, đặc biệt là sự an toàn của phụ nữ và các bé gái. Malala kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu hành động khẩn cấp.

Theo AFP đưa tin, Malala nói rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden "còn rất nhiều việc phải làm", phải "hành động mạnh dạn" để bảo vệ người dân Afghanistan.

Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Newsnight của BBC, Malala (24 tuổi), cho biết: "Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng nhân đạo khẩn cấp. Chúng ta phải chung tay hỗ trợ. Tôi rất lo lắng về tình hình hiện tại ở Afghanistan, đặc biệt là sự an toàn của các phụ nữ và bé gái ở địa phương”.

Malala cho biết cô đã viết thư cho Thủ tướng Pakistan Imran Khan, yêu cầu tiếp nhận những người tị nạn Afghanistan và đảm bảo rằng tất cả trẻ em tị nạn "được tiếp cận với giáo dục, được bảo vệ và đảm bảo rằng họ sẽ không mất đi tương lai của mình”.

Năm 2009, Malala đã thu hút sự chú ý của mọi người khi viết blog cho BBC, kể chi tiết cuộc sống của cô dưới chế độ Taliban Pakistan, nỗ lực của Taliban trong việc kiểm soát địa phương và quan điểm của cô về xúc tiến giáo dục cho nữ giới. Malala bị Taliban bắn vào đầu và cổ khi ở trên xe buýt của trường học, sau đó cô được đưa đến Anh điều trị và định cư tại đó. Malala tốt nghiệp Đại học Oxford vào năm 2020 với bằng triết học, khoa học chính trị và kinh tế.

Mai Hạ

Theo Vision Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Nữ thị trưởng trẻ nhất Afghanistan bình tĩnh chờ Taliban đến hành quyết