Những bất hòa xoay quanh bầu cử Mỹ trên Twitter có liên quan đến Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mạng lưới các tài khoản Twitter này đã lan truyền các tuyên truyền chống Mỹ, tìm cách miêu tả phong tràoo chống ĐCSTQ ở Hong Kong dưới góc độ tiêu cực và khuếch đại các lời kêu gọi bạo lực trước và sau vụ đột nhập vào Điện Capitol Hoa Kỳ hôm 6/1.

Một hoạt động mạng xã hội tinh vi được cho là có liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá thông tin sai lệch, gieo rắc mối bất hòa và khuếch đại những lời kêu gọi bạo lực trong và sau cuộc bầu cử tháng 11/2020, một báo cáo từ Đại học Cardiff cho thấy.

Viện Nghiên cứu Tội phạm và An ninh (CSRI), một đơn vị liên ngành tại Đại học Cardiff có nghiên cứu nhằm giúp “giải quyết các vấn đề về an ninh và tội phạm ở địa phương, quốc gia và toàn cầu”, đã đưa ra một báo cáo gồm 2 phần vào ngày 27/1 (Phần một - pdf, phần hai - pdf). Báo cáo này mô tả một hoạt động gây tác động đến cuộc bầu cử tổng thống và gây ra bất hòa có liên quan đến Trung Quốc trên Twitter .

Viện nghiên cứu này phát hiện, mạng lưới này đã lan truyền các tuyên truyền chống Mỹ, tìm cách miêu tả phong trào chống ĐCSTQ ở Hong Kong dưới góc độ tiêu cực và khuếch đại các lời kêu gọi bạo lực trước và sau vụ đột nhập vào Điện Capitol Hoa Kỳ hôm 6/1. Trong khi mạng lưới này thúc đẩy một số thông điệp trên Twitter lặp lại “các chủ đề được các cộng đồng 'yêu nước' cánh hữu của Hoa Kỳ sử dụng trong thông điệp của họ", báo cáo này phát hiện, "phần lớn các tweet đề cập đến Tổng thống [Donald] Trump mang cảm xúc tiêu cực".

Những người biểu tình tập trung ở cửa Đông của Điện Capitol ở Thủ đô Washington ngày 6/1/2021. (Tasos Katopodis / Getty Images)

Đội ngũ CSRI đã phát hiện ra hơn 400 tài khoản Twitter tham gia vào các hoạt động đáng ngờ có liên quan, và Twitter đã khóa các tài khoản này sau khi chúng bị các nhà nghiên cứu đánh dấu và thông báo đến gã trùm mạng xã hội.

Trong một tuyên bố, giám đốc của CSRI là giáo sư Martin Innes cho biết, mặc dù chỉ có Twitter mới có thể chứng nhận đầy đủ ghi nhận tác giả của một tài khoản nhất định, nhưng khi sử dụng dấu vết mã nguồn mở, một phân tích của một trong những đơn vị nghiên cứu của viện đã “cho thấy nhiều liên kết đến Trung Quốc” từ các tài khoản này.

Theo CSRI, bằng chứng mạnh mẽ về mối liên hệ với Trung Quốc bao gồm việc sử dụng tiếng Trung, và khi tiếng Anh được sử dụng, có bằng chứng cho thấy các thông điệp này được tạo ra từ các công cụ dịch máy. Các yếu tố khác chỉ ra mối liên hệ với Trung Quốc bao gồm việc tập trung vào các chủ đề liên quan đến lợi ích địa chính trị của Trung Quốc, tài khoản chỉ hoạt động trong giờ hành chính của Trung Quốc và hạn chế hoạt động trong ngày lễ quốc khánh của nước này.

Giám đốc Innes nói: “Hành vi của các tài khoản rất phức tạp và có kỷ luật, và dường như được thiết kế để tránh bị phát hiện bởi các biện pháp đối phó của Twitter". Ông cho biết thêm rằng, mạng lưới này dường như đã được vận hành như một chuỗi các điểm chốt độc lập, với các liên kết tối thiểu giữa chúng được thiết kế để bảo vệ toàn bộ hệ thống mạng.

Giám đốc CSRI nhận định, bằng chứng mà đội ngũ của ông thu thập được về hoạt động của nhóm “đánh dấu mạng lưới này là một nỗ lực đáng kể nhằm tác động đến quỹ đạo chính trị Hoa Kỳ bởi các tác nhân nước ngoài”.

Một chủ đề quan trọng liên quan đến vụ việc ở Điện Capitol do các bên liên kết với Trung Quốc thúc đẩy đã cho thấy Hoa Kỳ là một "quốc gia hỗn loạn trên bờ vực của sự sụp đổ chính trị và rối loạn lớn", bản báo cáo cho biết. Đôi khi, điều này đi kèm với xu hướng phản đối ông Trump. Báo cáo đã trích dẫn một thông điệp như là ví dụ như sau: “Sự điên rồ cuối cùng của ông Trump không thể ngăn cản ngày tàn của ông ấy”.

Khi ĐCSTQ chuyển sang nắm quyền kiểm soát Hong Kong, hàng triệu người Hong Kong đã phản đối, bất chấp việc họ bị áp đảo. Và trên các đường phố, họ vẫy cờ Mỹ, biểu tượng của tự do (Ảnh: Getty)
Khi ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát Hong Kong, hàng triệu người Hong Kong đã phản đối, bất chấp việc họ bị đàn áp. Và trên các đường phố, họ vẫy cờ Mỹ - biểu tượng của tự do. (Ảnh: Getty)

Báo cáo cũng tìm thấy một mô-típ chính khác được thúc đẩy bởi các tác nhân có liên hệ với Trung Quốc là “sự tan rã của Hong Kong”, bao gồm việc miêu tả Hong Kong bị tàn phá bởi sự bất ổn liên quan đến bạo loạn, vì “vô ơn với những nỗ lực của Trung Quốc” và đang vật lộn để đối phó với đại dịch COVID-19 bùng phát. Đồng thời, cũng có những tuyên truyền miêu tả những nỗ lực ngoại giao của Anh và Mỹ liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Hong Kong là “sự can thiệp” từ nước ngoài vào nội bộ Trung Quốc.

Một trọng tâm khác của những kẻ tuyên truyền là COVID-19, bao gồm việc “sử dụng virus [Trung Cộng] để vu khống nhiều chính phủ là thiếu năng lực”, sử dụng thông điệp chống lại cựu Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là chỉ trích ông vì cách gọi “Virus Trung Quốc”. Các tài khoản cũng đưa ra lập luận cho rằng virus Trung Cộng (virus Corona Vũ Hán) có nguồn gốc bên ngoài Trung Quốc. Để lấy làm ví dụ, báo cáo đã trích dẫn một nỗ lực liên kết chủng virus corona mới với một phòng thí nghiệm của Hoa Kỳ ở Fort Detrick.

Mặc dù CSRI cho biết không thể khẳng định chắc chắn rằng mạng lưới này được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn, nhưng báo cáo lưu ý rằng, sức nặng của bằng chứng cho thấy rõ ràng rằng nó có sự liên kết nhất định với chế độ độc tài này. Hơn nữa, “về cân bằng xác suất, có rất ít khả năng để mạng lưới này hoạt động mà không có một số nhận thức chính thức và / hoặc hướng dẫn. Điều này rất quan trọng với mức độ ảnh hưởng và sự can thiệp vào chính trị Hoa Kỳ mà các tài khoản đã tham gia".

Báo cáo này được đưa ra, sau khi có đánh giá từ cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) John Ratcliffe rằng Trung Quốc đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 ở Hoa Kỳ.

Ông Ratcliffe viết trong một bức thư gửi Quốc hội: “Dựa trên tất cả các nguồn thông tin tình báo sẵn có, với các định nghĩa được áp dụng nhất quán và không phụ thuộc vào các cân nhắc chính trị hoặc áp lực quá mức — [có thể khẳng định] Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử liên bang Hoa Kỳ năm 2020".

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Những bất hòa xoay quanh bầu cử Mỹ trên Twitter có liên quan đến Trung Quốc?