Nhiều công ty lớn Nhật Bản ngừng sử dụng bông Tân Cương vì vấn đề nhân quyền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tờ Nikkei Asia đưa tin rằng, trước những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Tân Cương - khu vực sản xuất bông chính, các công ty may mặc lớn của Nhật Bản đã quyết định ngừng sử dụng bông Tân Cương.

Các công ty này nói với Nikkei Asia rằng, hãng thể thao Mizuno, Công ty may mặc World Co và công ty may mặc COX sẽ ngừng mua bông Tân Cương.

Khi đề cập đến những cáo buộc ĐCSTQ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, ông Nobuteru Suzuki, Chủ tịch Công ty World Co nói rằng, "Vì đã có những nguy cơ như vậy, chúng ta cũng không nên quảng bá và bán các sản phẩm bông Tân Cương trong giai đoạn này”.

Mizuno và COX từ chối trả lời Nikkei Asia lý do họ quyết định ngừng sử dụng bông Tân Cương.

Từ đầu tháng 4, Nikkei Asia bắt đầu tiến hành điều tra về vấn đề mua hàng từ Tân Cương của 50 công ty niêm yết lớn trong ngành may mặc và đồ thể thao ở Nhật Bản. Đến ngày 19/5, có 37 công ty phản hồi, trong đó 14 công ty đã sử dụng bông Tân Cương; 7 công ty cho biết họ đang về "điều tra" vấn đề này.

Nhà sản xuất đồ lót Wacoal và Charle, Chủ sở hữu thương hiệu MUJI - ông Ryohin Keikaku, và nhà sản xuất quần áo Sanyo Shokai, cho biết, nếu tình trạng lao động cưỡng bức bông ở Tân Cương được xác nhận, họ sẽ ngừng giao dịch.

Wacoal cho biết, "Chúng tôi đang yêu cầu các nhà cung cấp đảm bảo việc không có lao động cưỡng bức và tiến hành tự kiểm tra”.

Nhà bán lẻ quần áo Shimamura, Nhật Bản cho biết, công ty này đang tạm ngừng mua sản phẩm từ Tân Cương. Ông Makoto Suzuki, Chủ tịch Shimamura nói: “Chúng tôi không thể đến hiện trường để kiểm tra tình hình thực tế”. Ông Suzuki cũng cho biết, các nhân viên của Shimamura thường xuyên đến thăm Tân Cương theo định kỳ, nhưng việc đi lại trở nên khó khăn kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trung Quốc là nước sản xuất bông lớn thứ hai trên thế giới. Trong đó Tân Cương chiếm khoảng 80% đến 90% tổng sản lượng của cả nước này.

Các nhà đầu tư và người tiêu dùng ngày càng bày tỏ quan tâm về việc các công ty giải quyết vấn đề nhân quyền như thế nào. Tổ chức các nhà đầu tư Hoa Kỳ (ICCR) đã yêu cầu 47 công ty được cho là hưởng lợi từ hoạt động lao động cưỡng bức ở Tân Cương, cung cấp thông tin chi tiết về các nhà cung cấp của họ. Hãng thời trang lớn Thụy Điển Hennes & Mauritz tuyên bố sẽ không giao dịch với các công ty Trung Quốc có nhà máy ở Tân Cương.

Các kênh truyền thông đưa tin hôm 19/5 rằng, Cục Hải quan Hoa Kỳ đã thu giữ một lô áo sơ mi nhãn hiệu Uniqlo thuộc công ty bán lẻ nhanh Nhật Bản vào tháng 1 năm nay vì vi phạm lệnh cấm của Mỹ. Được biết, lô áo sơ mi này được sản xuất từ hoạt động cưỡng bức lao động của Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương thuộc sở hữu của ĐCSTQ.

Mai Hạ

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Nhiều công ty lớn Nhật Bản ngừng sử dụng bông Tân Cương vì vấn đề nhân quyền