Nhà sản xuất tương cà lớn nhất Nhật Bản tuyên bố dừng nhập khẩu cà chua từ Tân Cương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với người Duy Ngô Nhĩ đã khiến cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ. Kagome, nhà sản xuất và phân phối nước ép củ quả và tương cà lớn nhất Nhật Bản, cho biết hôm 14/4 rằng, họ đã dừng mua cà chua từ khu vực Tân Cương do "các vấn đề nhân quyền ngày càng nghiêm trọng".

Tờ Nikkei của Nhật Bản đưa tin rằng, Kagome là công ty lớn đầu tiên của Nhật Bản tuyên bố từ chối nhập khẩu nguyên liệu từ Tân Cương vì liên quan đến vấn đề nhân quyền. Điều này có thể kéo theo nhiều công ty khác ở Nhật Bản.

Nhiều thương hiệu nổi tiếng của phương Tây, bao gồm H&M và Nike đã tuyên bố từ chối sử dụng nguyên liệu và các sản phẩm đến từ Tân Cương, do đó, nó đã trở thành mục tiêu bị tẩy chay ở đại lục.

“Vấn đề nhân quyền ngày càng nghiêm trọng là một yếu tố mà chúng tôi xem xét đến, nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến chúng tôi dừng mua nguyên liệu ở Tân Cương". Ông Kazumasa Kitagawa, Người phát ngôn của Kagome, nói với Reuters rằng, khi quyết định lấy nguồn nguyên liệu từ đâu, chúng tôi sẽ suy xét đến nhiều yếu tố như giá thành, tính bền vững, v.v.

Theo tờ Nikkei, việc dừng thu mua cà chua Tân Cương sẽ không có tác động đáng kể nào đến hoạt động sản xuất tương cà của công ty này. Trong vài năm trở lại đây, lượng nhập khẩu cà chua từ Tân Cương của công ty này luôn giảm mạnh,và hiện chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng của Kagome.

Tuy nhiên, Kagome cho biết, họ sẽ tiếp tục sử dụng cà chua Tân Cương đã nhập khẩu, và quá trình này dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2021.

ĐCSTQ luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến việc đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương.

Vùng Tân Cương nằm ở phía tây Trung Quốc, rất nổi tiếng với bông vải và cà chua. Do các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Hoa Kỳ đã cấm nhập khẩu hai loại sản phẩm này vào tháng 1. Ngoài ra, Liên Hợp Quốc cũng thúc giục các công ty toàn cầu “xem xét chặt chẽ chuỗi cung ứng của họ”.

Các nhà đầu tư và các tổ chức nhân quyền luôn gây sức ép lên các công ty về vấn đề ĐCSTQ ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ. Vào tháng trước, Trung tâm Interfaith về Trách nhiệm doanh nghiệp (Interfaith Center on Corporate Responsibility) của Hoa Kỳ, đã thúc giục 47 công ty bị nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương tiết lộ các chi tiết liên quan.

Các công ty có trong danh sách bao gồm Alphabet - công ty mẹ của Google, Apple, Volkswagen và Fast Retailing, công ty mẹ của chuỗi cửa hàng thời trang Nhật Bản Uniqlo. Công ty Kagome không có tên trong danh sách này.

Mai Hạ

Theo Epoch Times tiếng Trung

 



BÀI CHỌN LỌC

Nhà sản xuất tương cà lớn nhất Nhật Bản tuyên bố dừng nhập khẩu cà chua từ Tân Cương