Nhà phát triển dự án Keystone XL yêu cầu chính phủ Mỹ bồi thường thiệt hại 15 tỷ USD

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công ty năng lượng TC Energy cho biết, họ đang yêu cầu 15 tỷ USD tiền bồi thường thiệt hại từ chính phủ Hoa Kỳ vì quyết định của Tổng thống Dân chủ Joe Biden về việc hủy bỏ dự án đường ống Keystone XL.

Trong một tuyên bố vào ngày 2/7, công ty có trụ sở tại Canada cho biết, họ đã đệ trình thông báo ý định với Bộ Ngoại giao để bắt đầu tuyên bố về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) kế thừa theo Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada.

Công ty này nêu rõ, mục đích của họ là "phục hồi các thiệt hại kinh tế do việc Tổng thống thu hồi Giấy phép của Dự án Keystone XL". Đồng thời, họ cho biết thêm rằng họ phải chịu khoản lỗ hơn 15 tỷ USD "do Chính phủ Hoa Kỳ vi phạm các nghĩa vụ NAFTA của họ".

Bộ Ngoại giao Mỹ đã không trả lời yêu cầu bình luận vào thời điểm bài báo phát hành.

Ông Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên nhậm chức để chặn đứng dự án Keystone Pipeline. Ông tuyên bố, động thái này là một phần trong chương trình nghị sự lớn hơn của chính quyền ông nhằm giải quyết một cuộc khủng hoảng khí hậu đã được dự đoán trước đó.

Sau đó, TC Energy vào ngày 9/6 đã chính thức tuyên bố rút khỏi dự án này. Dự án Keystone được đề xuất lần đầu vào năm 2008, và nếu hoàn thành nó sẽ giúp vận chuyển hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày từ Canada vào Mỹ.

Trong khi quyết định của ông Biden được những người ủng hộ ông và nhiều nhà môi trường ca ngợi, hầu hết các thành viên đảng Cộng hòa và các nhóm công nghiệp chỉ trích sắc lệnh hành pháp ngăn chặn dự án của ông. Các nhà phê bình nhận định, trên cơ bản, hàng chục nghìn việc làm đã bị mất chỉ sau một đêm do đường ống bị hủy bỏ. Sau khi ông Biden thu hồi giấy phép của đường ống, công ty năng lượng cho biết, việc này sẽ "trực tiếp dẫn đến việc sa thải hàng nghìn công nhân công đoàn".

Trong khi khẳng định rằng dự án Keystone “sẽ không phục vụ lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ”, ông Biden tuyên bố, sắc lệnh ngày 20/1 của ông được thiết kế để “thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường của chúng tôi, đồng thời bảo tồn các kho tàng và di tích quốc gia của chúng tôi, những nơi lưu giữ lịch sử quốc gia”.

Đường ống Keystone XL dự kiến sẽ ​​chở 830.000 thùng dầu mỗi ngày từ các bãi cát dầu ở Alberta đến Nebraska. Nó đã bị trì hoãn hơn một thập kỷ trong bối cảnh liên tục chịu nhận sự phản đối từ nhiều nhà bảo vệ môi trường, người Mỹ da đỏ bản địa và một số chủ đất.

Hồi tháng Hai, Bloomberg đưa tin rằng, quyết định cấm đường ống của ông Biden đã làm dấy lên mối quan tâm mới trong việc vận chuyển dầu thô chứa cát của Canada đến các nhà máy lọc dầu của Mỹ bằng đường sắt vốn sử dụng nhiều carbon hơn, khi nguồn cung từ Mexico và Venezuela giảm. Dữ liệu cho thấy, Canada đã xuất khẩu trung bình 129.727 thùng dầu mỗi ngày bằng đường sắt trong tháng Tư, khi ngành công nghiệp tiếp tục thảo luận về các lựa chọn thay thế để giải quyết sự sụp đổ của dự án Keystone XL.

Trong một tuyên bố hôm 9/6, Thủ hiến tỉnh bang Alberta Jason Kenney cho biết, ông vẫn “thất vọng và bức xúc với những tình huống xung quanh dự án Keystone XL, bao gồm cả việc hủy bỏ giấy phép của tổng thống cho việc đường ống đi qua biên giới”.

Các báo cáo cho biết, tỉnh bang này đã đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD vào đường ống, có nghĩa là bây giờ họ sẽ phải chịu lỗ cho dự án.

Vào tháng Năm, 19 bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo, do Tổng chưởng lý Montana Austin Knudsen đứng đầu, đã kêu gọi tổng thống (pdf) khôi phục đường ống.

Theo Epoch Times tiếng Anh

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Nhà phát triển dự án Keystone XL yêu cầu chính phủ Mỹ bồi thường thiệt hại 15 tỷ USD