Nhà ngoại giao Nga đưa cả gia đình bỏ chạy, tình hình Triều Tiên tồi tệ cỡ nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để đối phó với COVID-19, Triều Tiên đã phong tỏa biên giới trong hơn một năm rưỡi. Có thông tin rằng nước này đang xảy ra khủng hoảng lương thực. Truyền thông Nhật Bản đưa tin, gần đây, các nhà ngoại giao Nga và gia đình của họ đã rời Triều Tiên bằng tàu hỏa và nhập cảnh về nước từ thị trấn biên giới Khasan.

Vào ngày 2/7, hãng truyền thông Nhật Bản Kyodo News cho biết, một đoàn tàu có 3 toa chở khách đã đến Khasan - thị trấn nằm ở biên giới của Nga và Triều Tiên lúc 4 giờ chiều ngày 1/7. Hành khách là các nhà ngoại giao Nga tại Bắc Triều Tiên và gia đình họ, có khoảng 90 hành khách, bao gồm cả trẻ em và những người không mang quốc tịch Nga.

Chính quyền Bình Nhưỡng đã nhiều lần tuyên bố "không có ca nhiễm COVID-19 nào" trên lãnh thổ của họ, và vì loại virus biến thể đe dọa nghiêm trọng toàn thế giới nên nước này mới phải tăng cường kiểm soát biên giới. Theo các báo cáo và phân tích, việc đóng cửa biên giới đã dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng về vật tư và lương thực trong một thời gian dài, và tình hình đang tiếp tục xấu đi.

Kể từ khi Triều Tiên kéo dài thời gian phong tỏa biên giới, nhà ngoại giao các nước và gia đình của họ ở Bình Nhưỡng đã lần lượt trở về nước vì không chịu nổi cảnh thiếu điện nước, môi trường sống khắc nghiệt, thiếu hụt nguyên vật liệu cần thiết cho sản xuất và sinh hoạt.

Nhà ngoại giao Nga trở về nhà trên "xe đẩy đi bộ"

Theo BBC, nhà chức trách Triều Tiên đã phong tỏa hầu hết các phương tiện giao thông để ngăn virus COVID-19 xâm nhập. Từ đầu năm ngoái, ô tô và tàu hỏa đã bị cấm ra vào biên giới, thậm chí các chuyến bay quốc tế hầu như đã ngừng. Vào tháng 2 năm nay, Bộ Ngoại giao Nga đã chia sẻ trên Facebook rằng, biên giới Bắc Triều Tiên đã bị đóng cửa hơn một năm và các lựa chọn về phương tiện đi lại thực sự rất hạn chế. Vì vậy, quan chức ngoại giao Vladislav Sorokin đã đưa gia đình cùng hành lý băng qua biên giới bằng một chiếc xe đẩy trên đường ray. Họ đi bộ khoảng 1 km để vượt qua sông Tumen và tiến vào lãnh thổ nước Nga.

Trên thực tế, trước đó gia đình ông Sorokin đã trải qua 32 giờ ngồi tàu hỏa và 2 giờ trên xe buýt. Sau khi qua biên giới, các quan chức Nga đã đợi sẵn để đón ông rồi đưa đến sân bay Vladivostok.

Nhà ngoại giao Nga tại Triều Tiên đi qua biên giới để về nước bằng cách tự đẩy xe đẩy. (Nguồn ảnh: Facebook / Bộ Ngoại giao Nga-МИДРоссии)
Nhà ngoại giao Nga tại Triều Tiên đi qua biên giới để về nước bằng cách tự đẩy xe đẩy. (Nguồn ảnh: Facebook / Bộ Ngoại giao Nga-МИДРоссии)

Chỉ 26% dân số ở Triều Tiên được sử dụng điện?

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do (RFA) vào ngày 10/2, một người có liên hệ với Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Triều Tiên tiết lộ rằng, do Triều Tiên ngừng nhập khẩu nên trong mấy tháng qua hoàn toàn không có đường và dầu ăn, kể cả cà phê và kem đánh răng cũng rất khó mua, thậm chí giá rau quả trồng tại địa phương cũng tăng rất nhiều so với vụ đông năm ngoái.

Theo phân tích trong cuốn “The World Factbook” do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) công bố, chỉ 26% dân số ở Triều Tiên được sử dụng điện. Về vấn đề này, nguồn tin trên cho rằng đây là một phỏng đoán rất chính xác, bởi thời gian gần đây ngay cả khu vực đặt đại sứ quán cũng liên tục xảy ra tình trạng mất điện.

Những đứa trẻ đã không thể đến trường trong gần một năm

Ngày 8/2 theo giờ địa phương, Đại sứ Nga tại Triều Tiên - ông Aleksandr Matsegora cũng chia sẻ nỗi khổ khi trả lời phỏng vấn với hãng truyền thông Nga Interfax. Ông nói rằng hiện nay không dễ để sống ở Bình Nhưỡng. Vì tình hình ngoại thương của Triều Tiên bị gián đoạn, các loại vật tư, linh kiện cũng thiếu thốn khiến các doanh nghiệp trong nước phải ngừng hoạt động, nhiều người mất việc làm, thậm chí trẻ em không được đi học gần cả năm và chỉ có thể ở nhà.

Nạn đói từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay

Theo Hãng thông tấn Yonhap, vào ngày 14/6, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã công bố một báo cáo ước tính rằng, năm nay Triều Tiên sẽ thiếu hụt tới 858.000 tấn lương thực.

Theo báo cáo, FAO cảnh báo nếu Triều Tiên không nhận được lương thực nhập khẩu hoặc hỗ trợ nhân đạo, người dân sẽ phải hứng chịu một nạn đói từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay. Báo cáo cho biết, tình trạng thiếu lương thực luôn là vấn đề dân sinh lớn ở Triều Tiên, năm ngoái, mưa lớn và bão cũng khiến năng suất cây trồng giảm.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính rằng, trước khi Triều Tiên đóng cửa biên giới và trục xuất tất cả các cơ quan viện trợ vào năm ngoái, 10,3 triệu người (hơn 40% tổng dân số nước này) đã bị suy dinh dưỡng. Thậm chí còn có thông tin cho rằng nhiều binh sĩ Triều Tiên bị suy yếu vì đói và một số đã đào tẩu, khiến toàn bộ quân đội không còn sức chiến đấu.

Vào ngày 8/4, khi tham dự lễ bế mạc Đại hội Đảng Lao động, lần đầu tiên ông Kim Jong-un so sánh tình thế kinh tế khó khăn hiện tại với nạn đói những năm 1990 ở Bắc Hàn. Nạn đói năm đó đã khiến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người Triều Tiên thiệt mạng. Động thái này của ông Kim đã thu hút sự chú ý của quốc tế.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhà ngoại giao Nga đưa cả gia đình bỏ chạy, tình hình Triều Tiên tồi tệ cỡ nào?