Nhà nghiên cứu của NASA bị bắt vì che giấu mối quan hệ với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Cheng Zhengdong bị bắt hôm Chủ nhật (23/8) với 3 tội danh âm mưu, lừa đảo và khai báo gian dối. Hiện ông phải đối mặt với mức án cao nhất là 20 năm tù nếu bị kết tội gian lận và tối đa là 5 năm cho mỗi tội danh còn lại.

Ngày 24/8, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo, một giáo sư của Đại học Texas A&M (TAMU) đã bị bắt với cáo buộc che giấu tài trợ từ Trung Quốc trong khi nắm giữ vị trí nhà nghiên cứu cho NASA.

Các công tố viên cáo buộc ông Cheng Zhengdong, 53 tuổi, giáo sư kỹ thuật kỳ cựu tại TAMU đã cố tình che giấu mối quan hệ của mình với các trường đại học Trung Quốc, một công ty Trung Quốc và chương trình về nhân tài do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, trong khi ông này giữ vị trí là nghiên cứu trưởng của một nhóm nghiên cứu cho NASA. Theo các điều khoản của NASA, ông Cheng bị cấm cộng tác với các tổ chức của Trung Quốc, Bộ Tư Pháp cho biết.

Theo các công tố viên, vị giáo sư này cũng có thể đã truy cập vào các nguồn tài nguyên của NASA liên quan đến Trạm vũ trụ quốc tế, tận dụng điều này để nâng cao vị thế của mình tại trường đại học Trung Quốc. Cá nhân Cheng đã nhận được 86.000 đô-la Mỹ (hơn 1,993 tỷ VNĐ) tiền tài trợ từ NASA đồng thời ông cũng thuộc nhóm nghiên cứu cho NASA được tài trợ 747.000 đô-la Mỹ (hơn 17,314 tỷ VNĐ).

Ông Cheng bị bắt hôm Chủ nhật (23/8) với 3 tội danh âm mưu, lừa đảo và khai báo gian dối. Hiện ông phải đối mặt với mức án cao nhất là 20 năm tù nếu bị kết tội gian lận và tối đa là 5 năm cho mỗi tội danh còn lại.

Đây là vụ bắt giữ mới nhất trong hàng loạt vụ truy tố đối với các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ bị cáo buộc che giấu mối liên hệ của họ với các tổ chức và chương trình nhân tài của chính phủ Trung Quốc. Những nhà nghiên cứu Hoa Kỳ này đều được nhận các khoản trợ cấp từ khoản thuế của Hoa Kỳ.

Các quan chức Mỹ từ lâu đã cảnh báo rằng các chương trình tuyển dụng do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, chẳng hạn như Kế hoạch Nghìn nhân tài, là nhằm khuyến khích các nhà khoa học và nhà nghiên cứu nước ngoài chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ cho chính phủ Trung Quốc.

Luật sư Hoa Kỳ Ryan K. Patrick ở phía Nam tiểu bang Texas cho biết: “Trung Quốc đang xây dựng nền kinh tế và các tổ chức học thuật bằng những gì được đánh cắp từ các quốc gia trên khắp thế giới. Trong khi 1,4 triệu nhà nghiên cứu và học giả nước ngoài đến Hoa Kỳ vì những lý do chính đáng, thì Chương trình Nhân tài của Trung Quốc đã khai thác các trường đại học mở và miễn phí của chúng tôi. Những vấn đề này phải được tiết lộ, và chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm khi các vấn đề này là vi phạm pháp luật”.

Ông Cheng nắm giữ vị trí giám đốc Viện Vật chất mềm tại Đại học Công nghệ Quảng Đông (GDUT) ở thành phố Quảng Châu phía nam Trung Quốc từ năm 2012 đến năm 2018, và là nhà "tuyển dụng đặc biệt" tại GDUT từ năm 2011, theo đơn khiếu nại. Các tài liệu của tòa án cho biết, ông đã nhận được 10.000 nhân dân tệ một tháng (khoảng 30 triệu VNĐ) cho vị trí giám đốc GDUT, và tổng cộng 412.000 nhân dân tệ (gần 1,4 tỷ VNĐ) từ năm 2011 đến năm 2016 cho vị trí nhà tuyển dụng, trích từ hợp đồng theo đơn kiện.

Từ tháng 12/2017 đến tháng 8/2019, ông Chen cũng được thuê làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam (SUST), với mức lương hàng tháng là 50.000 nhân dân tệ (khoảng 160 triệu VNĐ) kèm khoản phụ cấp nhà ở và đi lại, tài liệu của tòa án cho biết. SUST cũng trả thêm 100.000 nhân dân tệ (khoảng 336 triệu VNĐ) 3 tháng một lần cho các nghiên cứu của ông.

Năm 2014, ông Cheng đồng sáng lập một công ty Trung Quốc có tên là Công ty Công nghệ Ge Wei City ở thành phố Phật Sơn. Đây là công ty chuyên thiết kế và sản xuất chip vi lỏng — các thiết bị chứa một lượng nhỏ chất lỏng để xử lý hoặc làm mẫu — liên kết với GDUT, đơn kiện cho biết. Ông Cheng đã nộp ít nhất 2 bằng sáng chế cho nghiên cứu của ông với công ty này và GDUT.

Các công tố viên cho biết, ông Cheng cũng tham gia vào 2 kế hoạch nhân tài của Trung Quốc và đã nộp đơn tham gia Kế hoạch Nghìn nhân tài tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở thành phố Hợp Phì phía đông Trung Quốc.

Theo đơn khiếu nại, ông Cheng đã nói dối TAMU và NASA về những liên kết này.

Ông Cheng đã ra hầu tòa lần 1 vào ngày 24/8 tại Houston, Texas.

Đầu năm nay, cựu chủ nhiệm Khoa Hóa học của Đại học Harvard, Charles Lieber, đã bị truy tố với cáo buộc liên quan đến tuyên bố sai sự thật về việc tham gia vào Kế hoạch Nghìn Nhân tài và nhận 2,25 triệu đô-la Mỹ (hơn 52,121 tỷ VNĐ) tiền tài trợ từ Trung Quốc trong 3 năm. Các công tố viên cho biết, ông Lieber đã nhận được hơn 15 triệu đô-la Mỹ (hơn 347,67 tỷ VNĐ) tiền tài trợ của liên bang Mỹ kể từ năm 2008.

Vào tháng Bảy, giáo sư kỳ cựu của Arkansas, Simon Saw-Teong Ang, đã bị truy tố về 42 tội danh gian lận liên quan đến việc không tiết lộ mối quan hệ của ông với chương trình tuyển dụng Kế hoạch Nghìn nhân tài, trong khi vẫn nhận tài trợ từ NASA.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhà nghiên cứu của NASA bị bắt vì che giấu mối quan hệ với Trung Quốc