Nhà lãnh đạo khống chế tự do báo chí năm 2021: Tập Cận Bình, Carrie Lam nằm trong danh sách

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm nay (6/7), Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã công bố danh sách 37 “Nhà lãnh đạo khống chế tự do báo chí” (Predators of Press Freedom) năm 2021, trong đó bao gồm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, v.v.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without Borders, RSF) đã công bố danh sách 37 nhà lãnh đạo khống chế tự do báo chí và kèm theo chân dung của họ. RSF cho biết, những nguyên thủ quốc gia hoặc nhà lãnh này đã chà đạp quyền tự do báo chí bằng cách thành lập các cơ quan kiểm duyệt, tùy tiện bỏ tù các nhà báo, hoặc kích động hành động tàn bạo đối với các phóng viên. RSF đã công bố danh sách “Những nhà lãnh đạo khống chế tự do báo chí” lần trước đó vào năm 2016.

RSF chỉ ra rằng, độ tuổi trung bình trong danh sách là 66 tuổi và hơn một phần ba số nhà lãnh đạo đến từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

RSF cho biết, người mới được theo dõi nhiều nhất trong danh sách là Thái tử của Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman (35 tuổi), lãnh đạo của một quốc gia quân chủ kiểm duyệt tự do báo chí nghiêm ngặt. Các thủ đoạn đàn áp của Salman bao gồm gián điệp, đe dọa, bắt cóc, tra tấn, thậm chí là sát hại. Vụ sát hại nhà báo Ả Rập Jamal Khashoggi là một ví dụ điển hình.

Ngoài ra, có hai nữ lãnh đạo lần đầu tiên lọt vào danh sách kỳ này và đều đến từ châu Á, đó là, Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam và Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina.

RSF cho biết, kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, bà Carrie Lam đã công khai ủng hộ chính sách kiểm duyệt đối với các kênh truyền thông của Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình, dẫn đến việc tờ báo độc lập Apple Daily của Hong Kong bị đình chỉ xuất bản và Người sáng lập Jimmy Lai (Lê Trí Anh) bị bỏ tù. Bà Hasina, người giữ chức Thủ tướng Bangladesh từ năm 2009, đã thông qua Luật An ninh Kỹ thuật số vào năm 2018 và truy tố hơn 70 nhà báo và blogger.

RSF chỉ ra rằng, một số nhà lãnh đạo đã có tên trong danh sách kể từ khi RSF công bố cách đây 20 năm, bao gồm Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.

Ngoài ra còn có một số nhà lãnh đạo khác đến từ Châu Phi, bao gồm: Ông Teodoro Obiang Nguema (79 tuổi), người có thời gian cai trị lâu nhất thế giới và là tổng thống của Guinea Xích Đạo từ năm 1979 đến nay.

Người đứng cuối cùng trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2021 là ông Isaias Afwerki, Tổng thống Eritrea từ năm 1993 đến nay.

Mai Hạ

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Nhà lãnh đạo khống chế tự do báo chí năm 2021: Tập Cận Bình, Carrie Lam nằm trong danh sách