Nhà báo Trung Quốc bị giam tại tâm dịch Vũ Hán đã xuất hiện trở lại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lý Triết Hoa đã đăng video việc anh bị cảnh sát rượt đuổi và giam giữ vào 26/2 tại Vũ Hán, xuất hiện trở lại sau gần hai tháng.

Lý Triết Hoa là một nhà báo tự do. Anh đã đến Vũ Hán vào tháng Hai, sau khi một nhà báo khác tên là Trần Thu Thực bị mất tích.

Anh đã đăng tải các video từ Vũ Hán khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại Trung Quốc. Các video của anh được xem hàng triệu lần trên YouTube và Twitter của Trung Quốc.

Anh giải thích trong video về việc đến Vũ Hán: "Trước khi tôi vào Vũ Hán, một người bạn làm việc ở một cơ quan báo chí chính thống của Trung Quốc đã nói với tôi ... tất cả những tin tức xấu về dịch bệnh đã được chính quyền trung ương thu thập".

"Các báo chính thống địa phương chỉ có thể đưa tin tốt về sự phục hồi của bệnh nhân và vân vân. Tất nhiên, vẫn không chắc liệu đó có phải là sự thật hay không, bởi vì đây chỉ là những gì tôi nghe được từ bạn bè".

Các video của anh đưa bằng chứng về các ca nhiễm bị giấu nhẹm, và về một nhà hỏa táng đang chạy hết công suất.

Điều gì đã xảy ra vào ngày 26/2?

Trong video, Lý Triết Hoa cho biết anh đang lái xe ở Vũ Hán và bỗng dưng những người trong một chiếc xe khác bảo anh dừng lại.

Thay vì dừng lại, anh tăng tốc và lái xe chạy 30km trong khi bị rượt đuổi. Anh về chỗ ở và đăng lên Youtube một phần hành trình rượt đuổi với tiêu đề "SOS" trước khi các cảnh sát và nhân viên an ninh tới nhà và đưa anh đến đồn cảnh sát.

Được biết, tại đồn cảnh sát, anh bị lấy dấu vân tay và mẫu máu, trước khi được đưa đến một "phòng thẩm vấn".

Anh được cảnh sát thông báo là "bị nghi gây rối trật tự công cộng", nhưng rằng sẽ không có hình phạt nào. Tuy nhiên, vì anh đã từng đến "vùng dịch bệnh nhạy cảm", nên anh cần phải cách ly.

1 tháng cách ly

Theo báo Tin tức, Lý Triết Hoa được cảnh sát trưởng đưa đến một trung tâm cách ly ở Vũ Hán. Anh ở đó hai tuần. Sau đó anh được đưa đến một trung tâm kiểm dịch ở quê nhà thêm hai tuần nữa, trước khi trở về với gia đình.

Anh nói: "Tôi biết ơn tất cả những người chăm sóc tôi và quan tâm đến tôi. Tôi ước tất cả những người mắc bệnh có thể vượt qua. Chúa phù hộ Trung Quốc. Tôi ước thế giới có thể đoàn kết lại với nhau."

Trần Thu Thực vẫn mất tích, theo một tài khoản Twitter do bạn bè anh quản lý. Anh đã bị mất liên lạc trong 75 ngày.

Một nhà báo khác từng tường thuật từ Vũ Hán, Phương Bân, cũng đã không có tin tức gì kể từ tháng Hai.

ĐCS Trung Quốc đặt người dân thế giới vào nguy hiểm

Vào ngày 27/1, Phó tổng biên tập của tờ Thượng Hải Thương Báo, ông Trần Quý Băng (Chen Jibing) đã có một bài viết đăng trên Wechat với tiêu đề “Viêm phổi Vũ Hán ngày 50, tất cả người dân Trung Quốc phải trả giá bằng chết chóc bởi truyền thông”.

Bài báo liệt kê các phóng viên đưa tin về Vũ Hán, nơi tâm chấn của dịch bệnh, đã gặp phải nhiều trở ngại.

Theo phóng viên của Caxin, truyền thông Trung Quốc, các trở ngại bao gồm:

  • Các y bác sĩ không được tiếp nhận phỏng vấn, không được tiết lộ dịch bệnh ra bên ngoài;
  • Phóng viên có thể bị bắt đưa đến đồn cảnh sát vì chụp ảnh trước chợ hải sản Hoa Nam;
  • Phóng viên có thể bị xử phạt vì đăng tin trên Weibo

Bà Rebecca Vincent, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) ở Anh, đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng: "Nếu Trung Quốc có tự do báo chí, nếu những người cảnh báo không bị bịt miệng thì trận đại dịch này đã có thể bị chặn lại và nó sẽ không phát triển thành đại dịch như hiện nay”.

Bà Vincent nói rằng trước đây mọi người thường chỉ nói về tự do báo chí ở khía cạnh lý thuyết, nhưng dịch bệnh này cho thấy tự do báo chí có tác động thực sự và nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người.

Vào ngày 21/4, Tổng bộ của RSF có trụ sở tại Paris đã công bố "Báo cáo chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2020". Báo cáo cho thấy trong số 180 quốc gia và khu vực, Trung Quốc đại lục đứng thứ 177 về tự do báo chí, giống như năm ngoái ở vị trí áp chót thứ 4 từ dưới lên.

Vào tuần trước, RSF đã viết một lá thư cho hai báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc, yêu cầu chính thức lên án chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì che giấu dịch bệnh khiến hàng ngàn người dân vô tội bị nhiễm virus. RSF nói rằng, cho dù là đối với cộng đồng trong nước hay quốc tế, chính phủ Trung Quốc đã đặt tính mạng của công chúng và nhân loại vào chỗ nguy hiểm.

Tính đến rạng sáng ngày 25/4, đại dịch đã gần như phủ kín toàn cầu với hơn 2,8 triệu người nhiễm bệnh và gần 800.000 người tử vong.



BÀI CHỌN LỌC

Nhà báo Trung Quốc bị giam tại tâm dịch Vũ Hán đã xuất hiện trở lại