Nguy cơ Trung Quốc 'lấy trộm' dữ liệu nghiên cứu vaccine chống virus Corona Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ nhật (10/5), báo New York Times đưa tin, Hoa Kỳ sẽ đưa ra cảnh báo chính thức về việc Trung Quốc có thể đang lên kế hoạch đánh cắp các nghiên cứu về vaccine chống virus Corona Vũ Hán, thông qua các cuộc tấn công trên mạng Internet.

Theo thông tin từ bản dự thảo của cảnh báo này do FBI và Bộ An ninh Nội địa biên soạn, Trung Quốc được cho là đang tích cực tìm kiếm “tài sản trí tuệ và dữ liệu y tế công cộng có giá trị thông qua các phương tiện bất hợp pháp liên quan đến vắc-xin, phương pháp điều trị và xét nghiệm”, National Review cho biết.

Bài báo này cũng cho biết, cảnh báo này là một phần của chiến lược răn đe Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) của chính quyền Washington, bao gồm Bộ Chỉ huy mạng và Cơ quan An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ.

Trong thời gian gần đây, Hoa Kỳ liên tục cảnh báo về các kế hoạch đánh cắp sản phẩm trí tuệ từ ĐCSTQ, thông qua các cuộc tấn công an ninh mạng và cả các chương trình tài trợ nghiên cứu kèm tuyên truyền của chính quyền này tại các nước phương Tây, đặc biệt là tại các trường đại học của Hoa Kỳ.

Vào ngày 5/5, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đưa ra một cảnh báo chung rằng tin tặc “đang tích cực tấn công vào các tổ chức liên quan đến việc ứng phó với virus Corona Vũ Hán (COVID-19) ở tầm quốc gia và quốc tế”. Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Anh (NCSC) và Cơ quan An ninh Mạng và An ninh Cơ sở hạ tầng Nội địa Hoa Kỳ (CISA) đã vạch trần các chiến dịch tấn công (pdf) nhắm vào các tổ chức liên quan đến việc ngăn chặn sự bùng phát virus Corona Vũ Hán.

Hồi tháng 11 năm ngoái, báo New York Times đã đưa tin về việc FBI đang điều tra 180 vụ có thể liên quan đến hành vi “đánh cắp chất xám” của các nhà nghiên cứu có liên quan đến ĐCSTQ. Nhận xét về tình huống này, tiến sĩ Michael Lauer - Phó Giám đốc nghiên cứu ngoại bào tại Viện Y tế Quốc gia cho biết các vụ này “dường như nhắm tới mọi ngành học trong nghiên cứu y sinh”.

Thế giới cảnh giác với ĐCSTQ

Một nhóm 7 vị thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đang nỗ lực chống lại các hoạt động gây nguy hiểm của ĐCSTQ tại các trường đại học của Hoa Kỳ, với Dự luật yêu cầu các Viện Khổng Tử phải minh bạch hơn.

Đạo luật này có tên chính thức là “Đạo luật Minh bạch cho các Viện Khổng Tử” được Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Đại diện Tiểu bang Tennessee) giới thiệu vào ngày 12/3. Đạo luật này sẽ sửa đổi Đạo luật Giáo dục Đại học năm 1965, và bổ sung thêm yêu cầu phải có thỏa thuận tham gia giữa các viện Khổng Tử và các trường sở tại, nhằm loại trừ ảnh hưởng không phù hợp của Bắc Kinh (chính quyền Trung Quốc vốn đứng đằng sau hoạt động của các viện này).

Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất đang đề cao cảnh giác đối với các hoạt động tin tặc và đánh cắp chất xám mà ĐCSTQ vẫn thường sử dụng. Sau các nước như Úc, Đức, Nhật Bản và Ấn Độ, chính phủ Thụy Điển đã có kế hoạch thắt chặt các chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài. Kế hoạch này nhằm ngăn chặn Nga hoặc Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp mũi nhọn và quan trọng của Thụy Điển trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Theo tờ Liberty Times, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thụy Điển, ông Michael Damberg nói rằng chính phủ Thụy Điển hy vọng sẽ đưa ra một dự luật trong nửa cuối năm nay. Dự luật này sẽ trao cho chính phủ nhiều quyền lực hơn để ngăn chặn các vụ mua lại ở nước ngoài. Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thụy Điển, ông Hans Wallmark cho biết: "Nếu bạn hỏi ngày nay Thụy Điển phải đối mặt với uy hiếp thế nào, theo báo cáo của Cơ quan An ninh Thụy Điển (SAPO), có thể dễ dàng xác định hai quốc gia, đó là Trung Quốc và Nga".

Báo cáo của FOI cho biết các mục tiêu đầu tư và mua lại của công ty Trung Quốc bao gồm công nghệ sinh học, chất bán dẫn, laser, lĩnh vực không gian, và các ngành có liên quan mật thiết đến chiến lược phát triển công nghiệp của Trung Quốc .

Du Miên



BÀI CHỌN LỌC

Nguy cơ Trung Quốc 'lấy trộm' dữ liệu nghiên cứu vaccine chống virus Corona Vũ Hán