Lệnh cấm WeChat giúp người Mỹ gốc Hoa thoát khỏi tuyên truyền của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump đối với ứng dụng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc đang được một số người dùng ở Hoa Kỳ hoan nghênh. Họ cho rằng những rủi ro do ứng dụng này gây ra lớn hơn rất nhiều so với những tiện ích mà nó mang lại.

Tổng thống Trump tuần trước đã cấm các giao dịch liên quan đến WeChat vì lý do an ninh quốc gia, sẽ có hiệu lực kể từ tháng Chín. Ứng dụng nhắn tin đình đám này của Trung Quốc thuộc sở hữu của ông trùm Internet Tencent Holdings. Nó được coi là đường dẫn chính để thực hiện các liên lạc cá nhân và kinh doanh với người dân ở Trung Quốc, vì các ứng dụng phổ biến do phương Tây phát triển - như Whatsapp, Facebook Messenger và Telegram - đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chặn.

Theo công ty phân tích Apptopia, có khoảng 19 triệu người dùng WeChat hoạt động hàng ngày ở Hoa Kỳ, đa phần là sinh viên Trung Quốc, người nước ngoài và người Mỹ gốc Hoa.

Mặc dù lệnh cấm vấp phải chỉ trích từ một số người dùng phàn nàn rằng họ sẽ không thể liên lạc với gia đình và bạn bè ở Trung Quốc, rất nhiều người khác đã hoan nghênh động thái này. Họ cho rằng ứng dụng này giúp xuất khẩu các hệ thống giám sát và kiểm duyệt của ĐCSTQ sang Hoa Kỳ.

Trong số những người ủng hộ lệnh cấm có Zhou Jianming - một sinh viên Trung Quốc đang theo học ngành khoa học máy tính ở New Jersey. Sinh viên này cho biết, WeChat là một “mối nguy hiểm tiềm ẩn to lớn” đối với người dùng tại Hoa Kỳ và cậu khẳng định lệnh cấm của Tổng thống Trump là “hoàn toàn là một hành động bảo vệ người Mỹ”.

Cậu nhấn mạnh, dữ liệu người dùng không được bảo mật trên WeChat vì vốn dĩ Tencent là một công ty của Trung Quốc và hẳn nhiên thuộc về ĐCSTQ.

Sinh viên Zhou nói: “Người dùng WeChat luôn phải chịu sự giám sát của ĐCSTQ”.

Khi số lượng người dùng WeChat ở nước ngoài ngày càng tăng, ứng dụng này cũng tăng cường kiểm duyệt nội dung người dùng đăng tải. Bản thân Zhou cũng bị WeChat kiểm duyệt vì đã đăng nội dung mà ĐCSTQ cho là nhạy cảm về mặt chính trị. Cậu cho biết tài khoản WeChat của cậu đã bị khóa hoặc bị chặn vài lần vào năm ngoái, sau khi cậu đăng tải những thông điệp ủng hộ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.

Tài khoản TikTok của Zhou đã bị đóng vào tháng Sáu, sau khi cậu ấy đăng một video chế nhạo quốc ca Trung Quốc. Ứng dụng chia sẻ video ngắn cực kỳ phổ biến này cũng vấp phải lệnh cấm tương tự Wechat, nhằm ngăn chặn các giao dịch với công ty mẹ là ByteDance.

Phong trào ủng hộ dân chủ ở Hong Kong khiến chính quyền Bắc Kinh phẫn nộ, vì những người biểu tình liên tục lên tiếng phản đối sự can thiệp của ĐCSTQ vào các vấn đề địa phương.

WeChat rất tích cực kiểm duyệt người dùng của mình ở Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, người dùng quốc tế cũng nhận thấy mình phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ. Theo các cuộc kiểm tra do The Epoch Times thực hiện vào năm 2019, đối với những người dùng đăng ký ở Hoa Kỳ, WeChat đã chặn nội dung từ các phương tiện truyền thông bằng tiếng Trung đưa tin chỉ trích về ĐCSTQ, bao gồm cả ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times, NTD, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOAĐài Á Châu Tự do RFA.

Một nghiên cứu năm 2016 của cơ quan giám sát kỹ thuật số Citizen Lab cho thấy rằng, các tài khoản được liên kết với số điện thoại của Trung Quốc đại lục cũng luôn phải đối mặt với sự kiểm duyệt, ngay cả khi người dùng cư ngụ ở các nơi khác trên thế giới. Đầu năm nay, Citizen Lab cũng nhận thấy rằng, WeChat giám sát người dùng ở nước ngoài để giúp tinh chỉnh các thuật toán kiểm duyệt người dùng ở Trung Quốc đại lục.

Daniel Lou, một công dân Hoa Kỳ nhập tịch và là doanh nhân ở New York, đã phát hiện tài khoản WeChat của mình bị khóa vào đầu năm nay, sau khi anh này chia sẻ trong một cuộc trò chuyện riêng một bài báo về 2 nhà khoa học Trung Quốc đã bị áp giải khỏi phòng thí nghiệm virus học quốc gia Canada vào tháng 7/2019 theo lệnh điều tra từ cảnh sát.

Bài báo có liên quan đến một thuyết âm mưu về nguồn gốc của sự bùng phát virus Corona Vũ Hán.

Doanh nhân Lou cho biết anh ấy đã mất nhiều năm để xây dựng mạng lưới kết nối của mình trên ứng dụng bằng cách gia nhập nhiều nhóm WeChat, nhưng rồi lại bị ứng dụng này tước đi ngay lập tức. Mặc dù vậy, doanh nhân Lou nói rằng anh ấy cảm thấy "rất hạnh phúc" sau khi bị chặn.

“Tôi đã không còn bị họ kiểm soát. Tôi đã được tự do”, anh nói.

Kể từ đó, Lou hầu như không còn sử dụng WeChat. Vị doanh nhân cho biết, nhiều người dùng trên ứng dụng đã tự kiểm duyệt vì sợ bị khóa tài khoản giống anh khi đăng nội dung bị ĐCSTQ cho là nhạy cảm.

Trong rất nhiều năm qua, ứng dụng tin nhắn phổ biến ở Trung Quốc là WeChat đã đi đầu trong việc kiểm duyệt nội dung liên lạc của người dùng và chia sẻ dữ liệu cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trong rất nhiều năm qua, ứng dụng tin nhắn phổ biến ở Trung Quốc là WeChat đã đi đầu trong việc kiểm duyệt nội dung liên lạc của người dùng và chia sẻ dữ liệu cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). (Ảnh: Getty)

Thông qua WeChat, ĐCSTQ đang “vi phạm quyền riêng tư của công dân Hoa Kỳ và kiểm soát người Mỹ,” anh Lou nói.

Ông John C. Demers - trợ lý Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ về an ninh quốc gia - cho biết, ĐCSTQ dùng WeChat để kiểm soát người Trung Quốc đang học tập hoặc làm việc tại Mỹ.

“Đó là một phương pháp của ĐCSTQ để giao tiếp với các cá nhân Trung Quốc ở Mỹ”, ông Demers cho biết tại cuộc thảo luận do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington tổ chức vào ngày 12/8.

Ông nói thêm rằng WeChat đang được sử dụng để truyền bá thông tin và tuyên truyền sai lệch về Hoa Kỳ cho các sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài, để họ không bị "ô nhiễm bởi những ý tưởng như dân chủ tự do hoặc tự do tôn giáo."

Nhà hoạt động vì nhân quyền người Trung Quốc tại Hoa Kỳ Chen Chuangchuang cho biết, người Hoa ở nước ngoài đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi ĐCSTQ thông qua ứng dụng WeChat này.

“Họ có thể sống đang trong một xã hội tự do, nhưng họ dựa vào các nguồn do ĐCSTQ kiểm soát trên WeChat để xem thông tin”, ông nói.

Chen đã chỉ ra những trường hợp mà WeChat được sử dụng để tác động đến các cuộc bầu cử ở các quốc gia dân chủ, chẳng hạn như Úc, Canada và New Zealand. Một nghiên cứu năm 2019 của các nhà nghiên cứu Úc đã phát hiện ra rằng, tuyên truyền bôi nhọ Đảng Tự do của Thủ tướng đương nhiệm Scott Morrison đang được lưu hành bởi các tài khoản có liên kết với ĐCSTQ trên ứng dụng này.

Nhà hoạt động này cho biết, ông có nhiều bạn bè tham gia vào phong trào dân chủ ở nước ngoài, họ đã bị cấm tham gia WeChat vì phát tán thông tin chỉ trích ĐCSTQ.

Nhà hoạt động Chen hoan nghênh lệnh cấm WeChat, vì động thái này có thể thúc đẩy nhiều người hơn ở Trung Quốc vượt qua tường lửa internet của nước này để kết nối với người thân và bạn bè ở nước ngoài.

“Đây sẽ là một điều tốt,” ông khẳng định.

Tencent đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của The Epoch Times.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Lệnh cấm WeChat giúp người Mỹ gốc Hoa thoát khỏi tuyên truyền của Bắc Kinh