Người Canada sống ở Tân Cương: Tân Cương là 'một trại giam người khổng lồ'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong suốt một thập kỷ sống ở vùng Tân Cương của Trung Quốc, cặp vợ chồng người Canada Gary và Andrea Dyck đã chứng kiến tận mắt sự đàn áp “rất tinh vi” của Bắc Kinh đối với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Hành động đàn áp này của chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) được Quốc hội Canada và nhiều quốc gia khác tuyên bố là tội ác diệt chủng, Breibart News đưa tin.

Bà Andrea Dyck nói, bà và gia đình bà đã chứng kiến cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ từ khi mới bắt đầu. Vợ chồng bà đều cảm giác được một kết cục rất đáng sợ. Người dân ngày càng đối mặt với nhiều quy định hạn chế và cấm đoán. Mỗi tuần đều có một quy tắc mới hoặc một diễn biến mới, theo Breibart News ngày 25/4.

Các nhóm nhân quyền cho biết, có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số Turk [được các sử liệu Hán văn cổ gọi là Đột Quyết], chủ yếu là người Hồi giáo với nền văn hóa khác biệt với dân tộc Hán đa số ở Trung Quốc, hiện đang bị giam giữ trong các 'trại thực tập lao động'.

Trung Quốc đã bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, nói rằng các chương trình đào tạo, kế hoạch làm việc và giáo dục tốt hơn đã giúp loại bỏ chủ nghĩa cực đoan ở khu vực Tây Bắc và nâng cao thu nhập người dân.

Cặp vợ chồng ông bà Dyck là những người thông thạo tiếng Duy Ngô Nhĩ và tiếng Quan Thoại. Họ đến định cư ở Tân Cương năm 2007 và điều hành một doanh nghiệp làm phân compost từ chất thải nông nghiệp.

“Chúng tôi thực sự tận hưởng cuộc sống, thích ở bên người Duy Ngô Nhĩ. Chúng tôi được chấp nhận và chào đón trong các mối quan hệ xã hội và văn hóa, và đó là một khoảng thời gian rất đặc biệt, cho đến khi cuộc đàn áp bắt đầu xảy ra”, bà Andrea nói hôm thứ Sáu (23/4) từ quê nhà ở Manitoba, Canada, AFP dẫn lời.

Sau cuộc bạo động dữ dội vào năm 2009 mà gia đình họ chứng kiến, ĐCSTQ bắt đầu phá bỏ các khu dân cư truyền thống của người Duy Ngô Nhĩ, ép buộc người dân chuyển đến sống ở các khu chung cư, xa rời cộng đồng của họ, bà Andrea nói.

Việc chính quyền Trung Quốc tấn công nền văn hóa Duy Ngô Nhĩ mà ông Gary gọi là "rất tinh vi" bắt đầu với những quy định hạn chế đối với truyền thống Hồi giáo, và sau đó mở rộng để bao gồm các quy tắc về thực phẩm, quần áo và thậm chí cả ngôn ngữ.

Cặp vợ chồng cho biết, một số phiên bản của Kinh Koran đã bị cấm, và cuối cùng là tất cả các cuốn sách bằng ngôn ngữ Turk đều bị cấm.

Bà Andrea nói, đặc biệt là các khu chợ đều treo biển cấm giao dịch bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ.

Bà giải thích: “Mọi thứ đều trở nên bắt buộc theo một cách nào đó. Mọi người được cho là có tự do, nhưng kỳ thực là tự do trong khuôn khổ của những hạn chế theo cách này”, theo Breibart News.

Cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ gia tăng năm 2016 với sự hiện diện ngày càng nhiều cảnh sát, các trạm kiểm soát an ninh được thiết lập ở mọi giao lộ chính và camera được lắp đặt khắp nơi, ông bà Dyck cho biết. Ngay cả các cửa hàng tạp hóa cũng được lắp đặt hệ thống an ninh cấp sân bay.

Cuộc đàn áp tiếp tục leo thang với sự ra đời của các trung tâm giam giữ.

Ông Gary cho biết, sau khi hoàn thành xây dựng các trại giam, nhiều người bị bắt và đưa đi, không có sự cản trở nào, không có cuộc chiến đấu nào. "Sự hiện diện của quá nhiều cảnh sát và các thiết bị an ninh khiến người dân bị chôn vùi ý chí”, ông nói.

Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị bắt vào trại cải tạo ở Tân Cương, Trung Quốc (Ảnh Getty)

Bắc Kinh gọi trung tâm giam giữ là 'trung tâm đào tạo nghề' nhằm giảm bớt sức lôi cuốn của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo sau các cuộc tấn công. Các trung tâm này thậm chí còn được xây dựng ngay trong khu dân cư.

Ông Gary cho biết, ‘trung tâm đào tạo nghề’ trá hình này được quây xung quanh bởi một bức tường cao hơn 5 mét, có hàng rào thép gai, và được giám sát bởi camera an ninh cũng như đội tuần tra bảo vệ.

Ông Gary kể, một vài người bạn [khi đó] của con trai 15 tuổi của ông chuẩn bị bước sang tuổi 18, bước vào độ tuổi trưởng thành. Họ đã vô cùng lo sợ sẽ bị đưa đến những trung tâm giam giữ, hay ‘trung tâm đào tạo nghề’ này.

“Trên thế giới còn nơi nào mà thanh niên 17 tuổi trở nên hoảng sợ khi chuẩn bị bước sang tuổi 18”, ông buồn rầu nói, Breibart News dẫn lời.

ĐCSTQ đã cưỡng chế thực hiện chính sách kiểm soát dân số ở Tân Cương. Các chuyên gia mô tả rằng phương pháp cưỡng chế triệt sản, khống chế sinh đẻ, và bắt giam này rất giống với hình thức "diệt chủng". (Getty)

Nhiều nam thanh niên bắt đầu đăng ảnh mình đang hút thuốc hoặc uống rượu trên mạng xã hội để “ra vẻ không phải là người Hồi giáo”. Một người bạn của gia đình ông bắt đầu hút thuốc trở lại để được an toàn cho bản thân, mặc dù ông ấy đã bỏ hút thuốc trong nhiều năm vì lý do sức khỏe, ông Gary kể lại.

Căng thẳng leo thang và các nhà chức trách liên tục cảnh báo về các cuộc tấn công có thể xảy ra.

“Chúng tôi đã quá quen với tình hình an ninh phổ biến này ở Tân Cương”, bà Andrea nói khi hồi tưởng cách cô con gái năm tuổi của bà cùng bạn chơi búp bê. Hai bé tạo nên một thế giới thần tiên nhưng cánh cửa vào thế giới tưởng tượng này của chúng là một hệ thống an ninh.

Gia đình ông bà Dycks phải rời Tân Cương năm 2018 trong bối cảnh các quy định về thị thực được thắt chặt và người nước ngoài bắt đầu rời Trung Quốc.

Ông Gary nói, ở Tân Cương có rất nhiều quy định hạn chế. Họ và những người nước ngoài khác cảm thấy như đang sống trong "một trại giam người khổng lồ” cùng với 12 triệu người Duy Ngô Nhĩ.

“Chúng tôi cũng cảm thấy trách nhiệm của mình với những người Duy Ngô Nhĩ xung quanh chúng tôi, những người biết chúng tôi, vì họ có thể bị bắt vào trại giam vì bất kỳ lý do gì, và chúng tôi cũng biết rằng bản thân chúng tôi cũng có thể rơi vào số đó”, ông Gary nói, Breibart News đưa tin.

Hành động ngược đãi nhân quyền của ĐCSTQ đối với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã gặp phải làn sóng lên án trên toàn thế giới, theo các nguồn tin.

Gần đây, BBC của Anh tiết lộ rằng, những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ và phụ nữ thuộc các nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo khác thường xuyên bị hãm hiếp, tấn công tình dục, cưỡng ép triệt sản, thậm chí bị tra tấn, sốc điện đến chết trong các trại giam ở Tân Cương, Trung Quốc. Về việc này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bày tỏ sự lo lắng và tuyên bố vào ngày 3/2 rằng, chính phủ Trung Quốc đã cho phép các quan chức của nước này tiến hành cưỡng hiếp, ngược đãi tình dục một cách có hệ thống đối với những phụ nữ bị giam giữ trong các trại tập trung.

Theo một báo cáo độc lập của hơn 50 chuyên gia toàn cầu về luật quốc tế, các hành động của chính phủ Trung Quốc ở Tân Cương bị cáo buộc đã vi phạm "mọi điều khoản trong Công ước về Diệt chủng của Liên Hợp Quốc (LHQ)", The Epoch Times đưa tin.

Bà Nusrat Ghani (giữa), Nghị sĩ của Đảng Bảo thủ Anh, cũng là người khởi xướng kiến nghị kêu gọi Nghị viện Anh bỏ phiếu công nhận cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Đảng Cộng sản Trung Quốc là "tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng". (Photo by JUSTIN TALLIS/AFP qua Getty Images)

Báo cáo này được Viện Newlines nghiên cứu Chiến lược và Chính sách ở Washington DC công bố hôm 9/3, tuyên bố rằng chính phủ Trung Quốc "vi phạm Công ước diệt chủng của LHQ và phải chịu trách nhiệm về tội ác diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ". Cuộc đàn áp và ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ được ví với cuộc thảm sát 6 triệu người Do Thái của Đức Quốc Xã, theo The Epoch Times.

Trên thế giới đã có nhiều quốc gia tuyên bố cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ ở Tân Cương là tội ác diệt chủng, trong đó có Mỹ, Canada, Hà Lan, v.v., và gần đây nhất, Nghị viện Vương Quốc Anh đưa ra tuyên bố tương tự vào ngày 23/4.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Người Canada sống ở Tân Cương: Tân Cương là 'một trại giam người khổng lồ'