Ngoại trưởng Pompeo cổ vũ Đông Nam Á đứng lên chống lại Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Hôm nay, tôi nói [các bạn] hãy tiếp tục. Đừng chỉ lên tiếng mà hãy hành động. Hãy xem xét lại các giao dịch kinh doanh với các doanh nghiệp nhà nước bắt nạt các quốc gia ven biển ASEAN ở Biển Đông. Đừng để Đảng Cộng sản Trung Quốc lấn lướt chúng ta và nhân dân của chúng ta”, ông Pompeo nói.

Ngày 10/9, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ kêu gọi các nước Đông Nam Á đứng lên chống lại các hành vi bắt nạt trên biển của Trung Quốc, và đánh giá lại các giao dịch kinh doanh với các công ty nhà nước của nước này. Lời kêu gọi này của Ngoại trưởng Mike Pompeo làm tăng thêm căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hướng đến Bộ trưởng của 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, khu vực này nên tin tưởng vào Hoa Kỳ và biết rằng họ có thể dựa vào sự hỗ trợ của nước này.

Ông nói: “Hôm nay, tôi nói [các bạn] hãy tiếp tục. Đừng chỉ lên tiếng mà hãy hành động. Hãy xem xét lại các giao dịch kinh doanh với các doanh nghiệp nhà nước bắt nạt các quốc gia ven biển ASEAN ở Biển Đông. Đừng để Đảng Cộng sản Trung Quốc lấn lướt chúng ta và nhân dân của chúng ta”.

ASEAN cho biết họ không muốn nghiêng về bên nào trong bối cảnh xích mích và các hoạt động quân sự gia tăng đột biến giữa 2 cường quốc ở Biển Đông gần đây và trước cuộc bầu cử ngày 3/11. Tại cuộc bầu cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa ra quan điểm cứng rắn chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ngày 8/9, trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, khi được hỏi về căng thẳng Trung - Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết: "Chúng tôi không muốn bị mắc kẹt với sự cạnh tranh này".

Ngày 9/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với các Bộ trưởng các nước ASEAN rằng, Hoa Kỳ đang can thiệp vào Biển Đông và đang thúc đẩy quá trình quân sự hóa của nước đó.

Trung Quốc nói rằng họ có chủ quyền lịch sử đối với hầu hết các tuyến đường biển, nhưng các nước láng giềng của họ và Hoa Kỳ nói rằng yêu sách đó không có cơ sở trong luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc đã ký.

Trong một tuyên bố chung được đưa ra vào cuối ngày 10/9, các nước thành viên ASEAN cho biết, họ đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán nhằm soạn thảo bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.

“Một số Bộ trưởng bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực, đã làm xói mòn lòng tin và sự tự tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”, theo tuyên bố.

Ông Pompeo kêu gọi các nước ASEAN xem xét lại việc kinh doanh với các công ty Trung Quốc sau tuyên bố gần đây của Washington về các lệnh trừng phạt đối với 24 thực thể Trung Quốc liên quan đến việc xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp, và lắp đặt hệ thống tên lửa trên đó.

Đồng minh của Mỹ là Philippines nằm trong số các quốc gia mà các công ty trong danh sách đen của Hoa Kỳ có được các hợp đồng béo bở. Tổng thống Philippines nói rằng sẽ tiếp tục duy trì những hợp đồng này.

Bộ trưởng các nước ASEAN cũng đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến với Nhật Bản và Australia.

Ngoại trưởng Marise Payne cho biết Úc cam kết xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình “không bị ép buộc và có chủ quyền, luật pháp quốc tế cùng với quyền của tất cả các quốc gia được tôn trọng và duy trì”.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong một tuyên bố hoan nghênh vai trò của Hoa Kỳ trong việc ủng hộ hy vọng của ASEAN về hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải.

Trong báo cáo hàng năm về sức mạnh quân sự của Trung Quốc được công bố ngày 2/9/2020, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã tăng cường và hiện đại hóa khả năng quân sự của mình và trong một số lĩnh vực, họ đã “vượt Hoa Kỳ”.

Báo cáo cho biết Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Trong khi lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ hiện tại chỉ có 293 tàu chiến và tàu ngầm, thì con số này của Trung Quốc lên đến 350 tàu. Theo Lầu Năm Góc, sự tăng trưởng này là nhằm phục vụ cho yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông.

Năm 2020, Lực lượng đổ bộ Thủy quân Lục chiến của hải quân Trung Quốc đã tập trận ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Lực lượng này đã tăng từ hai đến tám lữ đoàn.

Với các đảo nhân tạo được xây dựng trái phép ở Biển Đông, PLA đang chuẩn bị lực lượng để tăng cường khả năng “viễn chinh”.

Hai trong số các máy bay ném bom mới nhất của Trung Quốc, H-6K và H-6J, được biết là đã hạ cánh xuống các căn cứ quân sự quan trọng của Trung Quốc ở Biển Đông là đảo Phú Lâm và Đá Chữ Thập.

Trong một sự kiện do Viện Doanh nghiệp Mỹ tại Washington D.C. tổ chức ngày 1/9, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Chad Sbragia cho biết: “Ban lãnh đạo Hoa Kỳ đã liên tục kêu gọi Trung Quốc hạn chế hoạt động và chấm dứt quân sự hóa ở biển Đông. Để ngăn chặn những hoạt động bất hợp pháp và những tham vọng của họ đối với Hoa Kỳ và những nước khác, Hoa Kỳ đã phải tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đông, phối hợp với các nước khác trong khu vực và trên toàn cầu. Và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm như vậy”.

Nguyễn Minh
Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Pompeo cổ vũ Đông Nam Á đứng lên chống lại Trung Quốc