Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc là quốc gia 'bất hảo' trên trường quốc tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoại trưởng Pompeo kêu gọi châu Âu nên cảnh giác với mọi nguồn đầu tư từ Bắc Kinh và chỉ trích Trung Quốc là nhân tố "bất hảo".

Phát biểu tại diễn đàn ở Đan Mạch ngày 19/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo châu Âu sẽ đánh mất giá trị cốt lõi và nền dân chủ nếu xích lại gần Trung Quốc.

“Chúng ta phải tháo miếng da che mắt ngựa bằng vàng trong mối quan hệ kinh tế để thấy thách thức của Trung Quốc không chỉ ở trước cửa mà đã ở trong mọi nguồn vốn. Mọi đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đều nên bị dò xét với sự nghi ngại”, ông Pompeo nói.

Ông Pompeo kêu gọi các nước châu Âu tránh xa hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc và cho rằng đây là công cụ giám sát của nhà nước Trung Quốc. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang trắng trợn tấn công chủ quyền của châu Âu thông qua các nguồn đầu tư vào Hy Lạp và Tây Ban Nha.

Ông Pompeo cho rằng các quốc gia châu Âu hợp tác với Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác là đánh mất nền dân chủ của họ.

Trước đó 2 ngày, Ngoại trưởng Pompeo gặp ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ và Ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hawaii.

Ngoại trưởng Mỹ nói thêm, cuộc gặp với ông Dương Khiết Trì không làm thay đổi được quan điểm cứng rắn của ông với Trung Quốc, nước mà ông Pompeo gọi là quốc gia “bất hảo” trên trường quốc tế.

Ông Pompeo cho rằng những thách thức của Trung Quốc đặt ra đã xuất hiện ở khắp nơi và ông kêu gọi mọi khoản đầu tư từ các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc “cần phải được xem xét cẩn trọng”.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông đã đưa ra những quan điểm rất thẳng thắn trong suốt cuộc trò chuyện với ông Dương Khiết Trì. Ông Pompeo nói với ông Dương rằng Mỹ đang theo dõi rất sát sao hành động của Trung Quốc, bao gồm cả cuộc đụng độ đổ máu với Ấn Độ hồi đầu tuần.

Trong bài phát biểu hôm 19/6, ông Pompeo tiếp tục đưa ra những quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề như cách ứng phó với Covid-19, tình hình dự luật an ninh Hong Kong…

Trước đó, ngày 29/5, Ngoại trưởng các nước trong Liên minh châu Âu đã nhất trí thắt chặt chiến lược đối với Trung Quốc trước quan ngại về luật an ninh Hong Kong.

Hai năm gần đây, các chính phủ châu Âu đã cẩn trọng hơn với Trung Quốc khi “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ bành trướng về thương mại và cơ sở hạ tầng trên khắp lục địa, chiếm đoạt các tài sản chiến lược bao gồm các cảng biển, công ty điện lực và các công ty robot từ Địa Trung Hải đến Biển Baltic. Nhiều quốc gia ở châu Âu đang quan ngại về một sự đe dọa khác của chương trình được gọi là “Made in China 2025” của Bắc Kinh, với tham vọng dẫn đầu thế giới về công nghệ chủ chốt của ĐCSTQ.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc là quốc gia 'bất hảo' trên trường quốc tế