Ngoại trưởng Đức: EU yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các quyền của Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Chúng tôi mong muốn nguyên tắc ‘Một quốc gia, hai chế độ’ được áp dụng đầy đủ và các quyền được đảm bảo trong Luật Cơ bản [Hong Kong] được tôn trọng. Chúng tôi trong Liên minh Châu Âu nhất trí rằng điều này sẽ vẫn là tiêu chuẩn của chúng tôi cho những phát triển ở Hong Kong”, Ngoại trưởng Đức nói.

Hôm 1/9, Ngoại trưởng Đức nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng: Liên minh châu Âu (EU) vẫn quan ngại về luật an ninh quốc gia của Hong Kong, và yêu cầu các quyền của người dân Hong Kong đã được cam kết trong Luật Cơ bản Hong Kong phải được tôn trọng.

Luật Cơ bản của Hong Kong là bản tiểu Hiến pháp của đặc khu hành chính này, được soạn thảo khi Anh Quốc bàn giao thành phố này cho Trung Quốc. Luật này đảm bảo quyền tự chủ và quyền tự do của Hong Kong - vốn không tồn tại ở Trung Quốc đại lục.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã đưa ra nhận xét trên trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ông Vương đang có chuyến thăm Berlin trong bối cảnh Đức phản đối các hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc không chỉ ở Hong Kong, mà còn ở Tân Cương và các vùng khác của Trung Quốc.

Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia áp dụng tại Hong Kong, có hiệu lực vào ngày 30/6, quy định việc hình sự hóa bất kỳ hành vi nào mà chính quyền này cho rằng đó là hành vi lật đổ, ly khai hoặc cấu kết với các thế lực nước ngoài, với hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Ông Maas nói với ông Vương: “Luật an ninh ở Hong Kong là một chủ đề quan trọng khi chúng ta nói chuyện lần trước, và ngài đã biết từ chuyến thăm của ngài ở các thủ đô khác của châu Âu rồi, những quan ngại của chúng tôi về ảnh hưởng của luật an ninh vẫn chưa được giải tỏa”. Ông Vương đã đến thăm các nước châu Âu bao gồm Ý, Hà Lan, Na Uy và Pháp.

Ngoại trưởng Đức nói tại một cuộc họp báo chung cùng ông Vương: “Chúng tôi mong muốn nguyên tắc ‘Một quốc gia, hai chế độ’ được áp dụng đầy đủ và các quyền được đảm bảo trong Luật Cơ bản [Hong Kong] được tôn trọng. Chúng tôi trong Liên minh Châu Âu nhất trí rằng điều này sẽ vẫn là tiêu chuẩn của chúng tôi cho những phát triển ở Hong Kong”.

Cảnh sát chống bạo động bắt giữ một người đàn ông trong số những người biểu tình phản đối luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong vào ngày 1/7/2020. (Nguồn ảnh: Dale De La Rey / AFP / Getty Images)

Chính quyền Hong Kong gần đây đã hoãn cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hong Kong năm 2020 trong một năm, với lý do vì sự gia tăng tại địa phương về các trường hợp nhiễm virus Corona Vũ Hán. Nhưng nhiều người cho rằng đây là một động thái tuyệt vọng nhằm ngăn phe ủng hộ dân chủ giành được đa số ghế trong Cơ quan Lập pháp Hong Kong.

Ngoại trưởng Đức kêu gọi Bắc Kinh đảo ngược các hạn chế được áp đặt theo luật an ninh quốc gia và cho phép cuộc bầu cử bị hoãn diễn ra “nhanh chóng và không bị cản trở”.

Mọi người diễu hành trên Đường Queen ở Trung tâm, Hong Kong, vào ngày 9/6/2020. (Nguồn ảnh: Song Bilong / The Epoch Times)

Ông Maas cũng đã trao đổi với ông Vương về sự áp bức của chính quyền Bắc Kinh đối với các nhóm thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương ở khu vực tây bắc Trung Quốc, nơi hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo gốc Thổ khác được cho là đang bị giam giữ trong các trại tạm giam.

Ông Maas nói: “Chúng tôi rất mong muốn rằng Trung Quốc cho phép quan sát viên độc lập của Liên hợp quốc tiếp cận các trại này”.

Ông Vương Nghị bác bỏ tất cả những lời chỉ trích về các chính sách của chính quyền Bắc Kinh, nói rằng đây đều là “công việc nội bộ” của Trung Quốc.

Các học viên Pháp Luân Công biểu tình ôn hoà trước Bộ Ngoại giao ở Berlin, nơi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang gặp người đồng cấp Đức Heiko Maas, vào ngày 1/9/2020 (Nguồn ảnh: The Epoch Times)

'Ngành công nghiệp Đức đừng thờ ơ' trước hiện trạng tại Hong Kong

Trước cuộc họp với ông Vương Nghị, các chính trị gia Đức từ cả liên minh cầm quyền và phe đối lập đã đề nghị Ngoại trưởng Đức chỉ trích các hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc liên quan đến chính sách xóa bỏ những ngôn ngữ “khác với ngôn ngữ được bảo lưu nhất quán” tại Trung Quốc.

Lãnh đạo Đảng Xanh Annalena Baerbock đã yêu cầu các cuộc đàm phán sâu hơn về một thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc phải được liên kết với các đảm bảo nhân quyền.

Margarete Bause thuộc Đảng Xanh - chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Đức - kêu gọi ngành công nghiệp Đức “đừng thờ ơ” với những gì đang xảy ra ở Hong Kong.

Bà nói tại một cuộc biểu tình bên ngoài Bộ Ngoại giao Đức: “Vì lợi ích tốt nhất của doanh nghiệp Đức là thể hiện sự đoàn kết với phong trào dân chủ, bởi vì thương mại tự do sẽ mang đến một xã hội tự do. Tôi hy vọng các doanh nghiệp Đức có lập trường rõ ràng về nhân quyền và dân sự”.

"Chúng ta phải hành động trước khi quá muộn", Nathan Law, cựu nhà lập pháp Hong Kong và hiện là nhà hoạt động lưu vong, nói tại cuộc biểu tình.

Nhà hoạt động Law 27 tuổi, đã đến London sau khi luật an ninh quốc gia được áp đặt tại Hong Kong, kêu gọi chính phủ Đức “xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức của chính phủ Bắc Kinh và Hong Kong”.

Cuộc biểu tình có sự tham gia của hàng trăm người, bao gồm đại diện của người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Đức: EU yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các quyền của Hong Kong