Nghi vấn rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân ở Quảng Đông, Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một công ty của Pháp đã gửi email tới Bộ Năng lượng Hoa Kỳ vào đầu tháng 6, cảnh báo về tình trạng rò rỉ tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và yêu cầu Hoa Kỳ giúp đỡ.

Theo tiết lộ mới nhất của CNN, Framatome, một công ty Pháp tham gia xây dựng và vận hành Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn (Taishan) ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã viết thư cho chính phủ Mỹ hai lần vào ngày 3/6 và 8/6, cảnh báo về "mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra" với nhà máy này và người dân xung quanh, đồng thời yêu cầu Bộ Năng lượng Hoa Kỳ hỗ trợ kỹ thuật.

Trong bức thư được Framatome gửi tới Bộ Năng lượng Mỹ, họ cảnh báo với các quan chức Mỹ rằng, lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy trên đang rò rỉ khí phân hạch hạt nhân (fission gas). Công ty này cáo buộc cơ quan quản lý an toàn của Trung Quốc đang nâng giới hạn về lượng khí có thể xả ra bên ngoài nhà máy với mức chấp nhận được, để tránh phải đóng cửa nhà máy.

Bài báo cho biết, việc một công ty nước ngoài tìm kiếm sự giúp đỡ từ Hoa Kỳ trước khi Trung Quốc tiết lộ sự việc liên quan là điều bất thường. Nhưng sau nhiều cuộc thảo luận, chính phủ Mỹ cho rằng nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn vẫn chưa đến "mức khủng hoảng", tuy nhiên Mỹ vẫn cần theo dõi và đánh giá chặt chẽ.

Vào ngày 11/6, Framatome đã đưa ra một thông báo cho biết, Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn hiện đang vận hành an toàn và công ty này đang giúp nhà máy giải quyết một số vấn đề về hiệu suất. Nhưng Framatome không đề cập đến việc kêu gọi chính phủ Mỹ giúp đỡ.

Ngày 13/6, Tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) - Nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, ra tuyên bố khẳng định "các chỉ số môi trường của Đài Sơn và môi trường xung quanh là hoàn toàn bình thường", và không đề cập gì tới việc rò rỉ hay sự cố nào tại đây.

Đài Sơn là một nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn của liên doanh Trung Quốc - Pháp, do Tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) chiếm 70% cổ phần và Công ty Năng lượng Điện của Pháp EDF chiếm 30% cổ phần. Framatome, công ty con của EDF phụ trách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.

Do chỉ cách Hong Kong và Macau lần lượt là 130 km và 67 km, nên sự an toàn của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn luôn là vấn đề được ngoại giới quan tâm.

Ông Hoàng Từ Bình, cựu nhà vật lý hạt nhân của Bộ Công nghiệp Hạt nhân Trung Quốc nói: "Dân cư ở Quảng Đông có mật độ rất lớn. Nếu thật sự có tai họa ngầm, sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của rất nhiều người. Đây cũng là lý do tại sao tôi luôn phản đối việc họ xây dựng nhà máy điện hạt nhân này ở đó".

Vào tháng 6/2018, Cục An toàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (National Nuclear Safety Administration) xác nhận rằng, nắp trên của bình áp suất thuộc tổ máy 1 của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn có hàm lượng cacbon vượt quá mức cho phép.

Ông Hoàng Từ Bình nói rằng: "Thép có hàm lượng cacbon cao vốn rất giòn, nó sẽ phát nổ, điều này thật khủng khiếp. Họ (ĐCSTQ) đang cố gắng trấn an người dân chỉ tiêu vẫn bình thường. Nó không phải đơn giản là vấn đề rò rỉ từ từ, mà rất có thể sẽ tạo thành một vụ nổ cực lớn".

Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn sử dụng lò phản ứng áp lực Châu Âu (EPR) cho 2 tổ máy. Đây là lò phản ứng hạt nhân thế hệ III duy nhất trên thế giới sử dụng hệ thống này. Ông Hoàng chỉ ra rằng, loại lò phản ứng này có thể được dùng để sản xuất Plutonium cho vũ khí hạt nhân.

Trước đó, Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn đã nhiều lần hoãn ngày đưa vào vận hành do các trục trặc về kỹ thuật và vấn đề an toàn. Do đó, nghi vấn rò rỉ hạt nhân lần này đã được các nước quan tâm sâu sắc.

Mai Hạ

Theo NTDTV tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Nghi vấn rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân ở Quảng Đông, Trung Quốc