Nghi ngờ máy bay quân sự Trung Quốc cất và hạ cánh tại căn cứ không quân cũ của Mỹ ở Afghanistan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Daily Mail đưa tin hôm 3/10, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh cho thấy đèn pha led ngoài trời (floodlight) của Căn cứ Không quân Bagram ở Afghanistan đang phát sáng. Kể từ khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi đây vào tháng 7/2021, hôm vừa qua nơi này đột nhiên được thắp sáng và trong vòng vài giờ có một số máy bay quân sự đã cất và hạ cánh tại căn cứ này.

Một số nguồn tin cho biết, đây là máy bay quân sự của Trung Quốc, vì ngoại giới cho rằng, Taliban không được trang bị kỹ năng chuyên môn cần thiết để cung cấp điện cho căn cứ này hoặc bảo dưỡng và điều khiển các máy bay quân sự.

Hôm 2/10, ông Tajuden Soroush, phóng viên cao cấp của Iran International - một đài truyền hình Ba Tư có trụ sở chính tại London, Vương quốc Anh, đã nói trên Twitter cá nhân rằng: "Tối nay (ngày 2/10), đã hai tháng trôi qua kể từ khi quân đội Hoa Kỳ rút lui, ánh sáng của Căn cứ Không quân Bagram lần đầu tiên được bật lên. Một số người dân địa phương cho rằng người Trung Quốc đã tới đó, nhưng cho đến nay, không có nguồn tin đáng tin cậy nào xác nhận rằng quân đội Trung Quốc đã đóng quân tại đó".

Tajuden Soroush, phóng viên cao cấp của Iran International - một đài truyền hình Ba Tư có trụ sở chính tại London, Vương quốc Anh, đã nói trên Twitter cá nhân.
Tajuden Soroush, phóng viên cao cấp của Iran International - một đài truyền hình Ba Tư có trụ sở chính tại London, Vương quốc Anh, đã nói trên Twitter cá nhân.

Hôm 3/10, ông Natiq Malikzada, một nhà báo tự do có bằng thạc sĩ quan hệ quốc tế, cho biết: "Có thể tin tức này là sự thật, người Trung Quốc đã đến Bagram, có nhiều máy bay đã cất và hạ cánh tại đó đêm hôm qua ...".

Vào ngày 3/10, phía Taliban đã bác bỏ cáo buộc rằng Căn cứ Không quân Bagram đã bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng, nhưng họ không đề cập đến việc ai đã có thể vận hành hệ thống đèn chiếu sáng của căn cứ, đồng thời cũng không đề cập đến nguồn gốc của những chiếc máy bay đã hạ cánh tại sân bay.

Trước đó, bà Tôn Vân (Yun Sun), giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington) cho rằng sau khi Hoa Kỳ rút quân, Trung Quốc có khả năng rất quan tâm đến việc chiếm đóng Căn cứ không quân Bagram.

Vào tháng 7 vừa qua, chỉ trong một đêm, quân đội Hoa Kỳ đóng quân ở Afghanistan đã từ bỏ căn cứ chính của họ tại sân bay Bagram, họ đã tắt đèn và rút đi mà không báo cho quân đội chính phủ Afghanistan biết để có thể tiếp quản nó.

Sân bay quân sự đó cách thủ đô Kabul khoảng 1 giờ lái xe, ban đầu do người Liên Xô xây dựng trong thời gian họ chiếm đóng tại Afghanistan, sau đó bị quân đội Hoa Kỳ chiếm giữ và đã sử dụng làm căn cứ tác chiến chính trong suốt 20 năm qua.

Theo US News & World Report đưa tin, Trung Quốc vẫn luôn cân nhắc việc gửi quân nhân và các quan chức phát triển kinh tế đến Căn cứ Không quân Bagram, đồng thời tiến hành "nghiên cứu mang tính khả thi" hiệu quả của kế hoạch này và xem nó như một phần của sáng kiến "​​Một vành đai, Một con đường".

Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chiếm đóng Căn cứ Không quân Bagram, nó sẽ giúp tăng cường quan hệ với Taliban và khiến Mỹ thêm lúng túng.

Ông Uông Văn Bân, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ thông tin trên. Ông đã nói với các phóng viên vào tháng trước: "Tôi có thể nói với các bạn rằng, đây hoàn toàn là tin giả".

Tuy nhiên, bà Tôn Vân lại tỏ ra nghi ngờ về lời phủ nhận của Trung Quốc và tuyên bố rằng quân đội ĐCSTQ rất quan tâm đến việc chiếm đóng Căn cứ Không quân Bagram. Bà nói: "Với kinh nghiệm trong quá khứ của họ, người Trung Quốc chắc hẳn rất muốn có được bất cứ thứ gì mà Hoa Kỳ để lại trong căn cứ".

Taliban đã chiếm được sân bay này sau khi Hoa Kỳ rút quân, nhưng ngoại giới cho rằng Taliban không có thiết bị hoặc chuyên môn cần thiết để khôi phục toàn bộ điện của căn cứ, còn nói đến việc vận hành sân bay thì lại càng không thể.

Bà Nikki Haley, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, cựu Thống đốc bang Nam Carolina, dường như đã dự đoán được tình huống này sau khi Hoa Kỳ rời đi.

Trả lời phỏng vấn Fox News, bà Haley nói: “Chúng ta cần chú ý đến Trung Quốc, vì tôi cho rằng bạn sẽ thấy Trung Quốc có các hành động tại Căn cứ Không quân Bagram”. Bà đã đưa ra lý do để kết nối lại với các đồng minh đang thất vọng vì hành động rút quân đột ngột của Mỹ.

Bà Haley còn nói: "Tôi cho rằng họ (ĐCSTQ) cũng có những hành động ở Afghanistan, sẽ tính toán lợi dụng Pakistan để đối kháng với Ấn Độ. Vì vậy, chúng ta có rất nhiều vấn đề. Việc lớn nhất mà ông ấy (Biden) nên làm là tăng cường các mối quan hệ với đồng minh của chúng ta, hiện đại hóa quân đội của chúng ta, và đảm bảo rằng chúng ta đã chuẩn bị tốt để đối phó với các tội phạm mạng và tội phạm khủng bố, vì những tổ chức tội phạm này đang hướng đến chúng ta".

Khi các nước phương Tây đang sơ tán đại sứ quán của họ, phái đoàn Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động tại Afghanistan và các nhân viên an ninh của họ được thay thế bởi các tay súng Taliban, trước kia vị trí này do lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan đảm nhận.

Taliban đã bắt đầu bàn luận với Bắc Kinh về kế hoạch hợp tác

Người phát ngôn của Taliban, ông Zabihullah Mujahid nói với một tờ báo của Ý (Italia) rằng, nhà cầm quyền mới của Afghanistan sẽ chủ yếu dựa vào nguồn vốn từ Trung Quốc, vì nước này muốn tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo có nguy cơ sắp xảy ra và bắt đầu tái thiết lại đất nước.

Ông Mujahid cho biết trong cuộc phỏng vấn: "Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất của chúng tôi, đối với chúng tôi mà nói đó là cơ hội [mang tính] căn bản và vô cùng quan trọng, vì họ chuẩn bị đầu tư và xây dựng lại đất nước của chúng tôi".

Ông cũng ca ngợi "Con đường tơ lụa mới", một phần trong sáng kiến ​​"Một vành đai, Một con đường" của ĐCSTQ được sử dụng để mở các tuyến đường thương mại, và nói rằng các khoản đầu tư của Bắc Kinh có thể giúp mở lại các mỏ đồng.

Theo một báo cáo cho biết, trong vòng hai năm tới quân đội của Bắc Kinh sẽ không tới và sẽ không tiếp quản căn cứ, mà sẽ cử người đến theo lời mời của Taliban.

Bà Tôn Vân nói rằng, Bắc Kinh có khả năng sẽ thông qua sự giúp đỡ Pakistan để thực hiện dã tâm mới nhất của họ đối với Căn cứ không quân Bagram: "Tôi chắc chắn rằng, họ mong muốn giảm số lượng người trung gian. Nếu Taliban yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ có khuynh hướng hỗ trợ nhân lực và có thể họ sẽ gọi nó là hỗ trợ kỹ thuật hoặc hỗ trợ hậu cần".

Hải Đăng

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Nghi ngờ máy bay quân sự Trung Quốc cất và hạ cánh tại căn cứ không quân cũ của Mỹ ở Afghanistan