Nga bắt giữ hơn 3.400 người biểu tình, Mỹ chỉ trích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo thống kê dữ liệu của Tổ chức giám sát biểu tình OVD-Info, cảnh sát Nga đã bắt giữ hơn 3.400 người tại khoảng 100 thành phố và thị trấn của nước này vào ngày 23/1. Những người biểu tình này yêu cầu chính quyền thả thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny.

Mặc dù thời tiết lạnh giá (có nơi xuống đến hơn -50 độ C), nhưng nhiều người biểu tình Nga vẫn xuống đường vào ngày 23/1 để kêu gọi chính quyền nước này thả ông Navalny.

Những người biểu tình Nga đã tập trung tại Moscow vào ngày 23/1, yêu cầu chính phủ thả thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny. (Ảnh NATALIA KOLESNIKOVA / AFP qua Getty)
Những người biểu tình Nga đã tập trung tại Moscow vào ngày 23/1, yêu cầu chính phủ thả thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny. (Ảnh NATALIA KOLESNIKOVA / AFP qua Getty)

Ước tính có khoảng 15.000 người biểu tình đã tập trung tại Quảng trường Pushkin và các khu vực lân cận khác ở trung tâm thành phố Moscow, và xảy ra đụng độ với cảnh sát. Nhiều người biểu tình đã bị lực lượng phòng chống bạo lực đưa lên xe cảnh sát và xe giam giữ. Một số người còn bị cảnh sát đánh bằng dùi cui.

Bà Yulia, vợ của ông Navalny cũng đã bị bắt giữ.

Có một số người đã biểu tình gần nhà tù nơi ông Navalny bị giam giữ và đã bị cảnh sát bắt giữ, hiện vẫn chưa rõ số người bị bắt là bao nhiêu.

Các cuộc biểu tình đã lan rộng ra khắp nước Nga, từ thành phố đảo Yuzhno-Sakhalinsk tới thành phố Yakutsk, nơi có nhiệt độ dưới -50 độ C, cho tới các thành phố đông dân ở Nga. Mặc dù ông Navalny và chiến dịch chống tham nhũng của ông luôn bị chính phủ Nga đàn áp, và thường bị truyền thông trong nước bỏ qua, nhưng ông đã thiết lập được một mạng lưới những người ủng hộ rộng rãi.

Thủ lĩnh của phe đối lập Nga Navalny đã bị bắt tại một sân bay ở Moscow vào ngày 17/1, ngay sau khi ông từ Đức trở về Nga. Vào tháng 8 năm ngoái, ông Navalny bị hôn mê do trúng độc và đã được đưa sang Đức điều trị. Một cuộc kiểm tra của Đức phát hiện rằng, ông Navalny đã bị tấn công bởi chất độc thần kinh Novichok.

Ông Navalny đã cáo buộc chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin có âm mưu sát hại ông vào tháng 8/2020, nhưng Điện Kremlin đã phủ nhận việc có tham gia vào sự việc này.

Ông Navalny (44 tuổi), được cả nước Nga biết đến vì đã vạch trần tình trạng tham nhũng diễn ra phổ biến dưới thời chính quyền Tổng thống Putin. Việc đông đảo người dân ủng hộ ông Navalny đã đặt Điện Kremlin vào tình thế khó xử: nếu bắt ông Navalny, họ có thể phải hứng chịu làn sóng phản đối và chỉ trích dữ dội từ các nước phương Tây, nhưng rõ ràng chính quyền nước này không hề muốn nhượng bộ và để ông Navalny được tự do.

Vào ngày 21/1, cảnh sát Moscow đã bắt giữ 3 đối tác thân cận của ông Navalny, trong đó 2 người đã bị giam giữ lần lượt là 9 ngày và 10 ngày.

Hoa Kỳ thúc giục các nhà chức trách Nga thả ông Navalny "ngay lập tức và vô điều kiện".

Ông Josep Borrell, người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) đã đăng trên Twitter rằng, ông rất lấy làm tiếc về việc chính quyền Nga "sử dụng vũ lực quá mức" đối với những người biểu tình. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab lên án chính quyền Nga "dùng bạo lực đối với những người biểu tình ôn hòa và các nhà báo”.

Người dân đã tham gia cuộc biểu tình ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny tại thành phố Saint Petersburg vào ngày 23/1/2021. (Ảnh OLGA MALTSEVA/AFP qua Getty)
Người dân đã tham gia cuộc biểu tình ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny tại thành phố Saint Petersburg vào ngày 23/1/2021. (Ảnh OLGA MALTSEVA/AFP qua Getty)
Một người đàn ông bị thương đã được những người biểu tình khác giúp đỡ tại Trung tâm Moscow vào ngày 23/1/2021. (Ảnh KIRILL KUDRYAVTSEV/AFP qua Getty)
Một người đàn ông bị thương đã được những người biểu tình khác giúp đỡ tại Trung tâm Moscow vào ngày 23/1/2021. (Ảnh KIRILL KUDRYAVTSEV/AFP qua Getty)

Ngọc Trân

Theo Tổng hợp & Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Nga bắt giữ hơn 3.400 người biểu tình, Mỹ chỉ trích