New Zealand nói Trung Quốc ‘chà đạp nhân quyền nghiêm trọng’ ở Tân Cương, thay vì từ ‘diệt chủng’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 5/5, quốc hội New Zealand đã nhất trí thông qua nghị quyết, tuyên bố rằng, tại khu vực Tân Cương, Trung Quốc đã xảy ra các hành vi “chà đạp nhân quyền nghiêm trọng” nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ. Đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố đây là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Tất cả các đảng đều thảo luận và ủng hộ một kiến nghị do Đảng Hành động New Zealand (ACT New Zealand) đề xuất, nhưng trước khi nhận được nhất trí thông qua, văn bản kiến nghị này đã được sửa đổi và từ "diệt chủng" đã bị xóa.

Bà Brooke van Velden, Phó lãnh đạo Đảng Hành động của New Zealand cho biết tại Quốc hội rằng, để đảm bảo Thủ tướng Jacinda Arden ủng hộ kiến nghị này, bà buộc phải thay thế bằng cụm từ “diệt chủng” thành “chà đạp nhân quyền nghiêm trọng”.

Bà Brooke van Velden nói: "Lương tâm của chúng tôi yêu cầu, nếu chúng tôi tin rằng có tội ác diệt chủng thì chúng tôi cần phải nói như vậy”.

Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn phủ nhận các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Sau khi Quốc hội New Zealand thông qua kiến ​​nghị liên quan đến Tân Cương, Đại sứ quán Trung Quốc tại New Zealand đã đưa ra tuyên bố, nói rằng: “Trung Quốc bày tỏ bất mãn mạnh mẽ và kiên quyết phản đối chuyện này”.

Đại sứ quán Trung Quốc còn nói trong tuyên bố rằng: “Vấn đề Tân Cương hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc, không quốc gia nào có quyền can thiệp... Lợi dụng vấn đề liên quan đến Tân Cương để gây áp lực lên Trung Quốc là uổng công và sẽ chỉ làm hao mòn sự tin tưởng giữa hai bên”.

Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta đã tiến hành biện hộ cho chính phủ về quyết định không sử dụng cụm từ “tội ác diệt chủng”. Bà Mahuta nói rằng, New Zealand đã nhiều lần bày tỏ quan ngại với Trung Quốc, nhưng không chính thức xếp vấn đề ở Tân Cương vào "tội ác diệt chủng".

"Đây không phải là do thiếu quan tâm”, bà Mahuta nói. “ ‘Diệt chủng’ là một tội danh quốc tế nghiêm trọng nhất, và chỉ có thông qua các đánh giá nghiêm ngặt dựa trên luật pháp quốc tế mới có thể đưa ra phán quyết chính thức”.

Xem thêm: New Zealand tái khẳng định chính sách thân thiện với Trung Quốc

Trước đó, trong bài phát biểu tại “Ủy ban xúc tiến quan hệ New Zealand-Trung Quốc” do chính phủ New Zealand thành lập hôm 19/4, bà Mahuta đã trình bày về chính sách đối ngoại của nước này với Trung Quốc, đồng thời bày tỏ "bất an" trước việc bành trướng quyền hạn của Liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes). Bài phát biểu của bà Mahuta đã thu hút sự chú ý của ngoại giới và giới truyền thông quốc tế.

Kể từ năm 2017, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand. Đầu năm 2021, New Zealand đã từ chối ký vào tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Tân Cương và Hong Kong của Liên minh Ngũ Nhãn. New Zealand tuyên bố rằng, nước này đã bày tỏ lập trường khác biệt của mình về các vấn đề liên quan.

Mỹ, Anh, Canada, Hà Lan tuyên bố ĐCSTQ phạm “tội ác diệt chủng” ở Tân Cương

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm 19/1/2021 rằng, chính quyền Tổng thống Trump nhận định, ĐCSTQ đã phạm "tội ác diệt chủng và chống lại loài người" vì đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương.

Ông Pompeo cũng nói trong một tuyên bố rằng: "Tôi tin rằng cuộc diệt chủng này vẫn đang diễn ra, và chúng ta đang chứng kiến việc ĐCSTQ đang cố gắng tiêu diệt người Duy Ngô Nhĩ một cách có hệ thống”.

Tối ngày 22/4, Hạ viện Anh đã thông qua một kiến nghị không ràng buộc, tuyên bố ĐCSTQ đã phạm "tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng" đối với người Duy Ngô Nhĩ, các dân tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo thiểu số khác ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc.

Mai Hạ

(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

New Zealand nói Trung Quốc ‘chà đạp nhân quyền nghiêm trọng’ ở Tân Cương, thay vì từ ‘diệt chủng’