Phần 3: Dấu hiệu trước khủng hoảng: NHTM toàn cầu ôm khối tài sản tài chính phái sinh cực lớn và rủi ro

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với sự xuất hiện bất thường của dịch bệnh, từ gia súc, gia cầm cho tới nCov, bong bóng tài sản, tín dụng, nợ xấu có nguy cơ phát nổ bắt đầu từ Trung Quốc lan rộng ra các nền kinh tế khác vốn bất ổn trên một đống nợ cao kỷ lục. Rất có thể một cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu lớn và khốc liệt đang cận kề…

Về cơ bản, mỗi cuộc khủng hoảng trong quá khứ xảy ra ít nhất 1 trong 4 dấu hiệu dưới đây, những cuộc khủng hoảng lớn sẽ xuất hiện đầy đủ cả 4 dấu hiệu này: (i) bong bóng giá tài sản; (ii) quy mô nợ lớn và khả năng trả nợ suy giảm (bất cân đối tài chính); (iii) rủi ro nội tại trong khối tài sản đầu tư của các NHTM toàn cầu; (iv) can thiệp của chính phủ nhằm giải cứu ngân hàng, thanh khoản.

Cả bốn dấu hiệu khủng hoảng kinh tế toàn cầu không những xuất hiện mà còn được tích tụ ở mức rủi ro rất cao trước cả đại dịch Coronavirus. Trong Phần 1, dấu hiệu về bong bóng bất động sản tại Trung Quốc và bong bóng quỹ ETFs trên thị trường chứng khoán (TTCK) đều đã tích tụ suốt 1 thập kỷ qua, rủi ro tích tụ ngày một nghiêm trọng trong 5 năm gần đây. Trong Phần 2, dấu hiệu về quy mô nợ, mất khả năng trả nợ thể hiện ở: nợ khu vực công và tư toàn cầu liên tiếp đạt kỷ lục kể từ năm 2016 đến nay, IMF dự báo doanh nghiệp mất khả năng trả nợ 19 nghìn tỷ từ giữa năm 2019, làn sóng vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc liên tiếp đạt kỷ lục trong 2 năm 2018-2019 cho thấy bóng ma khủng hoảng cận kề dù có Đại dịch nCov hay không.

Dấu hiệu thứ 3 đã tích tụ lớn và rất khó lường: Rủi ro nội tại trong khối tài sản đầu tư của các ông lớn - ngân hàng thương mại toàn cầu

Đây không phải là dấu hiệu dễ nhận biết hoặc dễ được truyền thông chính thống công nhận bởi cùng với sự xuất hiện của nó có thể đi kèm với hoảng loạn; việc này có thể làm sụp đổ thị trường trong một sớm. Chưa kể, các phù thủy tài chính luôn tìm cách tạo thanh khoản ảo và giá trị ảo cho khối tài sản mình nắm giữ, dễ dàng qua mặt các cơ quan giám sát và chuẩn mực an toàn quốc tế.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2008, các ngân hàng thương mại (NHTM) Mỹ nắm giữ chứng khoán hóa các khoản vay mua nhà, các loại chứng khoán này được mua bán, giao dịch giữa các NHTM để tạo “thanh khoản” và “giá trị ảo” trên giấy tờ mà không quan tâm tới khả năng trả nợ của người đi vay (dấu hiệu thứ 2), bong bóng tài sản của nhà ở tại Mỹ (dấu hiệu thứ nhất).

Nhưng các cách làm “phù phép” chỉ che đậy trong ngắn hạn, chất lượng khoản vay xấu thì có nghĩa năng lực tài chính của NHTM là xấu. Đến một ngày, giấy không gói được lửa, Lehman Brother buộc phải tuyên bố phá sản. Quân cờ domino đầu tiên sụp đổ kéo theo sự sụp đổ của ngành tài chính Mỹ và sau đó là cả thế giới tạo ra cuộc khủng hoảng ai cũng muốn quên năm 2008… Nên nhớ, không một mắt xích nào trong hệ thống tài chính lại không ràng buộc với rất nhiều mắt xích khác; không một khu vực nào của nền kinh tế lại không ràng buộc với các khu vực còn lại.

Vì thế, sự xuống cấp đạo đức, thiếu vắng sự liêm chính trong ngành tài chính - ngân hàng là cơ hội để “virus khủng hoảng” lây lan một cách tự do cho tới khi cơ thể của cả hệ thống tài chính phát bệnh.

Tài sản tài chính phái sinh mà các NHTM lớn đang giữ là khối bom hẹn giờ trong bối cảnh tiêu dùng, sản xuất và giá tài sản cơ bản đình đốn, biến động tiêu cực…

NHTM Châu Âu kinh doanh khó khăn, nợ xấu doanh nghiệp đe dọa an toàn của hệ thống. Lần này, tài sản xấu của các NHTM nằm ở tài sản tài chính phái sinh - một khối lượng khổng lồ và rất rủi ro tại các NHTM toàn cầu lớn nhất thế giới trong bối cảnh các định chế này có hiệu quả kinh doanh thấp, nợ xấu từ doanh nghiệp có nguy cơ tăng cao.

Các ngân hàng tại châu Âu thực tế đã và đang trải qua một thời gian đầy khó khăn trong giai đoạn 2012-2019; mức lợi suất âm khiến nguồn tiền có nhu cầu cất giữ trong ngân hàng sụt giảm mạnh, ngoài ra việc giảm phát cũng khiến việc cho vay ra khó khăn hơn cũng như biên lợi nhuận mỏng đi đáng kể.

Thêm vào đó, theo nhận định của IMF, 40% khoản nợ doanh nghiệp từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, EU, Trung Quốc... có khả năng trở thành nợ xấu nếu nền kinh tế thế giới rơi vào đình trệ, tổng nợ xấu lên tới 19.000 tỷ đồng (!)

Trong các NHTM toàn cầu, nổi bật là tình hình kinh doanh của Deutsche Bank[1] hết sức bi đát. Số liệu của Statista cho thấy ngân hàng này đã không thể sinh lời trong suốt 5 năm qua và lỗ nặng vào năm 2019, ở mức 3,150 tỷ euro trong quý II và tiếp tục lỗ 832 triệu euro trong quý III sau đó. Ngân hàng này đã phải sa thải tới 18.000 nhân viên trên khắp toàn cầu. Theo Nasdaq.com, tính đến cuối năm ngoái, ngân hàng này có tổng tài sản là 1,541 nghìn tỷ đô la và tổng nợ phải trả là 1,469 nghìn tỷ đô la.

Tỷ suất ROE của Deutsche Bank và tỷ suất ROE bình quân của các ngân hàng tại EU trong một thập kỷ qua (nguồn: Bloomberg)

Tài sản tài chính phái sinh trở nên cực xấu khi sản xuất, tiêu dùng đình trệ, giá hàng hóa cơ bản biến động tiêu cực. Không chỉ Deutsche Bank, các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ như JPMorgan Chase, Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Bank of America đều nắm giữ lượng lớn tài sản tài chính phái sinh, khối tài sản này - với tác động của Coronavirus tới sản xuất tiêu dùng tại Trung Quốc, tới chuỗi cung ứng toàn cầu, tới thương mại, du lịch dịch vụ toàn cầu - đang trở nên ngày một xấu.

Tổng giá trị các sản phẩm phái sinh trong sổ sách của Deutsche Bank lên tới 53,5 nghìn tỷ USD (khoảng 42,8 nghìn tỷ euro). Đáng lưu ý là, tổng GDP của Đức là khoảng 3 nghìn tỷ euro, tổng GDP của các khu vực EU là 14,6 nghìn tỷ euro. Như vậy, khối tài sản tài chính phái sinh mà Deutsche Bank đang nắm giữ lớn gấp 14 lần GDP của Đức và gần 3 lần GDP của cộng đồng kinh tế châu Âu (!)

Khối tài sản tài chính phái sinh của Deutsche Bank lớn gấp 14 lần GDP của Đức và gần 3 lần GDP của cộng đồng kinh tế châu Âu (Nguồn: NTDVN)

Tính đến cuối năm 2018, không chỉ Deutsche Bank, các ông lớn trong ngành tài chính toàn cầu cũng nắm giữ lượng lớn tài sản tài chính phái sinh giống như Deutsche Bank: JPMorgan Chase, Citigroup và Goldman Sachs lần lượt nắm giữ tương ứng 48 nghìn tỷ đô la, 47 nghìn tỷ đô la và 42 nghìn tỷ đô la; không thấp hơn khối tài sản tài chính phái sinh mà Deutsche Bank đang nắm giữ là bao.

Nếu mọi thứ đi theo kế hoạch thì phần chưa được phòng ngừa rủi ro của khối tài sản tài chính phái sinh mà Deutsche nắm giữ chỉ là 22,3 tỷ USD. Ban lãnh đạo ngân hàng khẳng định rằng phần lớn trong số này đã được phòng ngừa rủi ro đầy đủ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc này trên thực tế có thể sẽ khó khăn hơn, bởi lẽ việc phòng vệ rủi ro này dựa trên những ước tính tương đối về biến động của các sản phẩm; các biến động mạnh của thị trường sẽ khiến Deutsche Bank gặp khó khăn lớn để hạ tỷ trọng các sản phẩm phái sinh, đặc biệt các sản phẩm phái sinh có thời gian đáo hạn dài.

Rủi ro của tài sản tài chính phái sinh là rất lớn, hàng loạt các vụ phá sản, thua lỗ lớn do đầu tư quá mức vào tài sản tài chính phái sinh…

Phái sinh (thuật ngữ tiếng Anh: Derivative), hay còn gọi là Chứng khoán phái sinh, là một công cụ tài chính thừa hưởng giá trị của nó từ giá trị của các thực thể cơ sở, chẳng hạn như tài sản, chỉ số, hay lãi suất — bản thân nó không có giá trị nội tại (Esposito, Christopher, 2012). Các nghiệp vụ phái sinh bao gồm một loạt các hợp đồng tài chính, trong đó có các nghĩa vụ nợ và tiền gửi được cơ cấu, các hoán đổi, các tương lai, các quyền chọn, các trần lãi suất, các sàn lãi suất, các kỳ hạn, và các kết hợp phong phú của chúng.

Việc sử dụng các phái sinh tài chính có thể gây ra những thua lỗ lớn do việc dùng đòn bẩy hoặc vay mượn. Hiện nay, đòn bẩy và vay mượn đang ở mức cao kỷ lục do nguồn tiền rẻ và dễ dãi trên khắp toàn cầu. Các phái sinh cho phép các nhà đầu tư kiếm được các khoản thu lớn từ những dịch chuyển nhỏ trong giá của tài sản cơ sở. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể mất những khoản tiền lớn nếu giá của tài sản cơ sở di chuyển ngược với giá phái sinh một cách đáng kể. Đã từng có nhiều trường hợp thua lỗ lớn trên các thị trường phái sinh, có thể kể đến:

  • American International Group (AIG) mất hơn 18 tỷ USD thông qua một công ty con trong 3 quý trên các hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS). Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã tuyên bố thành lập một cơ sở tín dụng đảm bảo lên đến 85 tỷ USD để ngăn chặn sự sụp đổ của công ty này, bằng cách cho phép AIG thanh toán được các khoản nợ của mình để chuyển giao tài sản thế chấp bổ sung cho các đối tác hoán đổi vỡ nợ tín dụng.
  • Vụ thua lỗ 7,2 tỷ USD của Société Générale vào tháng 1 năm 2008 do lạm dụng các hợp đồng tương lai.
  • Vụ thua lỗ 6,4 tỷ USD trong vụ sập quỹ đầu tư Amaranth Advisors, là tổ chức nắm trường vị (long position) khí thiên nhiên vào tháng 9 năm 2006 khi giá cả rớt thẳng đứng.
  • Vụ thua lỗ 4,6 tỷ USD trong vụ sập quỹ đầu tư Long-Term Capital Management vào năm 1998.
  • Vụ thua lỗ tương đương 1,3 tỷ USD trong các phái sinh dầu vào năm 1993 và 1994 của Metallgesellschaft AG.
  • Thua lỗ tương đương 1,2 tỷ USD trong các phái sinh vốn chủ sở hữu vào năm 1995 của Barings Bank.
  • UBS AG, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, phải chịu thua lỗ 2 tỷ USD do bị phát hiện hành vi đầu cơ trái phép vào tháng 9 năm 2011.

Sức tàn phá của Coronavirus có thể khiến khối tài sản tài chính phái sinh nhanh chóng trở thành thảm họa với các NHTM toàn cầu vì giá của thực thể cơ sở đang vận động ngược với giá phái sinh…

Coronavirus đang khiến giá vàng tăng mạnh, giá dầu suy giảm, giá cả thị trường chứng khoán lao dốc và thị trường bất động sản (BĐS) ở một số nền kinh tế, trong đó có Trung Quốc, có nguy cơ đổ vỡ dây chuyền, vỡ nợ khu vực doanh nghiệp tư nhân khiến trái phiếu doanh nghiệp tư nhân mất khả năng chi trả khi đến hạn… Tất cả là chỉ báo cho thấy sự vận động của giá thực thể cơ sở - trong khủng hoảng - hoàn toàn đi ngược lại với giá kỳ vọng của phái sinh tài chính. Dường như vấn đề chỉ còn là thời gian. Khi đó sự thất bại của Deutsche Bank có thể nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng lớn đối với toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ, như JPMorgan Chase, Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Bank of America, cũng như các ngân hàng lớn khác ở châu Âu đều có mối liên kết tài chính rất lớn với Deutsche Bank.

(Còn nữa...)

Mời các bạn đón đọc Phần 4: dấu hiệu cuối cùng “giải cứu quy mô lớn của chính phủ với hệ thống tài chính, sản xuất...” khi dấu hiệu này xuất hiện, xác suất xảy ra khủng hoảng lên tới hơn 90%.

Trà Nguyễn

Chú thích:

[1] Deutsche Bank được thành lập 149 năm trước vào tháng 3 năm 1870 tại Đức, hoạt động tại 58 quốc gia và có 89.958 nhân viên tính tới quý III năm 2019. Ngân hàng Deutsche Bank là một trong 17 ngân hàng lớn nhất trên thế giới với 1,5 nghìn tỷ USD tài sản.



BÀI CHỌN LỌC

Phần 3: Dấu hiệu trước khủng hoảng: NHTM toàn cầu ôm khối tài sản tài chính phái sinh cực lớn và rủi ro