NATO phải đối mặt với sức ảnh hưởng trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong sự kiện ngày 8/6 để khởi động sáng kiến NATO 2030, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, tổ chức này không coi Trung Quốc là “kẻ thù mới hay đối thủ mới”, nhưng sự gia tăng của quốc gia này “về cơ bản đang thay đổi cán cân sức mạnh toàn cầu”.

NATO đã phải giải quyết hậu quả của vấn đề này, đặc biệt là đối với vấn đề an ninh, nhằm giúp NATO có khả năng thích ứng với những thay đổi của thế giới.

Ông Stoltenberg được các nhà lãnh đạo NATO giao nhiệm vụ tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở London năm ngoái để lãnh đạo việc xây dựng một đề xuất tăng cường phương diện chính trị của NATO. Ông đã chỉ định một nhóm gồm 10 chuyên gia để làm việc trong dự án này.

Trong số các xu hướng và căng thẳng cần được xem xét để đáp ứng những thách thức hiện tại và “mới nổi” mà thế giới phải đối mặt, Tổng thư ký Stoltenberg liệt kê các vấn đề gồm: các hoạt động quân sự do Nga thực hiện, sự gia tăng bạo lực của ISIS và các nhóm khủng bố khác, cùng vấn nạn thông tin tuyên truyền và bóp méo được lan truyền bởi cả “các tổ chức nhà nước và phi nhà nước”.

Tuy nhiên, theo ông Stoltenberg, cuộc đua của Trung Quốc nhắm tới “quyền lực tối cao về kinh tế và công nghệ” đã đặt ra “các mối đe dọa đối với các xã hội mở và các quyền tự do cá nhân”, cũng như thách thức “các giá trị và cách sống của chúng ta”.

Tổng thư ký NATO cho biết, Trung Quốc đang có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tiếp tục đầu tư vào “các khả năng quân sự hiện đại”, như tên lửa có thể tiếp cận tất cả các đồng minh NATO, gây ảnh hưởng trong không gian mạng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở các khu vực khác nhau trên thế giới, thắt chặt hợp tác với Nga.

Thích nghi với thế giới đang thay đổi

Một bức ảnh nhóm lãnh đạo NATO tại Watford, Anh, vào ngày 4/12/2019. Năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 70 năm của NATO. (Steve Parsons - WPA Pool / Getty Images)

Việc xây dựng NATO như một Liên minh chính trị mạnh mẽ hơn, là điều cần thiết để có thể đối phó với những thách thức này, ông Stoltenberg nói. Ngoài ra, NATO cần mở rộng hợp tác với các quốc gia không thuộc NATO như các đối tác ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cũng như các quốc gia có “cùng chí hướng như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand”.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ với các quốc gia này để “bảo vệ các quy tắc và thể chế toàn cầu vốn giúp chúng ta an toàn trong nhiều thập kỷ qua, để thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn về không gian và không gian mạng, về công nghệ mới và kiểm soát vũ khí toàn cầu”.

“Và cuối cùng, để đứng lên vì một thế giới được xây dựng dựa trên tự do và dân chủ, chứ không phải là bắt nạt và ép buộc”, ông bổ sung.

Vị Tổng thư ký này khẳng định, sức mạnh của NATO không chỉ nằm ở quyền lực của 30 đồng minh, vốn là đại diện chung cho gần “một tỷ người, và một nửa sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế của thế giới”, mà còn được củng cố bởi sự hợp tác với 40 đối tác khác nhau trên thế giới và các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc.

Một trong những mục đích của sáng kiến ​​NATO 2030 là tăng cường quan hệ Đồng minh “hợp tác theo nhiều hướng”, do đó, họ sẽ có thể giải quyết các mối đe dọa phi quân sự như các mối đe dọa trên mạng, các loại thông tin bóp méo và tuyên truyền.

Ông Stoltenberg nói rằng cách tốt nhất để chống lại sự tuyên truyền và thông tin sai lệch là “cung cấp sự thật, việc thật” thông qua một nền báo chí tự do và độc lập. “Các nhà báo đặt ra những câu hỏi khó, kiểm tra sự thật của họ, kiểm tra câu chuyện của họ” là cách tốt nhất để đảm bảo rằng việc tuyên truyền và bóp méo thông tin sẽ không thành công.

“Tầm nhìn của tôi về NATO 2030 không phải là kiến tạo lại NATO, mà là về việc làm cho Liên minh mạnh mẽ của chúng ta càng mạnh hơn nữa. Mạnh về quân sự. Mạnh hơn về chính trị. Và toàn cầu hơn”, ông Stoltenberg nói.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

NATO phải đối mặt với sức ảnh hưởng trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc