Mỹ và Nga tổ chức các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân, Trung Quốc vắng mặt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ và Nga đã kết thúc một vòng đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân ở Vienna, Áo. Vòng đàm phán này nhằm đạt được thỏa thuận mới thay thế cho Hiệp ước New START sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021. New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân của hai cường quốc hạt nhân thế giới Mỹ và Nga.

Hôm 23/6, đặc phái viên Mỹ Marshall Billingslea cho biết rằng cuộc đàm phán cấp cao kéo dài và căng thẳng sau một ngày đã kết thúc vào tối thứ Hai (22/6). Ông Billingslea cũng cho biết các cuộc thảo luận rất hiệu quả và đi đến quyết định thành lập một số nhóm làm việc tập trung chuyên sâu vào các vấn đề mà sẽ là chủ để cho vòng đàm phán thứ 2 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.

Ông cho biết thêm rằng: “Cuối cùng, cả hai nước đều đồng ý rằng môi trường chiến lược đã thay đổi nhiều so với thời điểm ký hiệp ước New START. Tất cả chúng ta đều có thể nhớ lại 10 năm trước, trên thực tế, thế giới hiện nay đã hoàn toàn khác”.

Hiệp ước New START, được ký vào năm 2010, giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân và bệ phóng hạt nhân tầm xa của Mỹ và Nga.

Hiệp ước này trở thành hiệp ước vũ khí hạt nhân duy nhất giữa hai quốc gia sau khi Hoa Kỳ hủy bỏ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga vào năm 2019. INF là thỏa thuận trong thời Chiến tranh Lạnh. Cả hai nước đã liên tục cáo buộc bên kia vi phạm thỏa thuận này.

Hiệp ước INF cũng được cho là không đầy đủ vì không bao gồm Trung Quốc và không có giới hạn về công nghệ tên lửa do công nghệ này chưa xuất hiện vào thời điểm ký hiệp ước.

Hiệp ước New START có thể được gia hạn thêm 5 năm nếu hai bên cùng đồng ý.

Trong một cuộc họp báo ở Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, người dẫn đầu phái đoàn Nga đến Vienna, Áo, nói: “Chúng tôi đã trình bày quan điểm của mình và sẽ tiếp tục làm như vậy. Chúng tôi không có nhiều thời gian".

Ông cũng nói thêm rằng việc thành lập các nhóm làm việc chuyên sâu là “một bước tiến lớn", đồng thời cho biết các cuộc đàm phán được tiến hành trong một bầu không khí tích cực và phản ánh mong muốn chung của hai nước cho thời gian tới.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng New START “chỉ là một thỏa thuận tồi tệ khác” dưới thời chính quyền Tổng thống Obama. Không có thông tin liệu ông Trump có đồng ý gia hạn hiệp ước này hay không.

Trong một cuộc họp báo do phái đoàn Mỹ tổ chức, đặc phái viên Marshall Billingslea cho biết rằng bất kỳ thỏa thuận mới nào cũng phải bao gồm tất cả loại vũ khí hạt nhân và không chỉ vũ khí hạt nhân chiến lược, đồng thời sẽ khiến Trung Quốc phải tuân theo các quy định về hạn chế vũ khí hạt nhân.

Ông Billingslea cho biết rằng tất cả các phương án “chắc chắn được đưa ra thảo luận”.

Ông nói rằng: “Quyết định cuối cùng của chúng tôi nằm trong tay tổng thống, cho dù ông ấy quyết định gia hạn hiệp ước New START hay không, hoặc là giữ nguyên hạn hiện tại, thì những điều đã đạt được với Nga, đồng thời với phía Trung Quốc sẽ chi phối nhiều quyết định của Tổng thống”.

Tại Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng ông kỳ vọng Trung Quốc là một phần trong bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai, nhưng trong trường hợp Trung Quốc không tham gia thì nên gia hạn hiệp ước New START.

Ông Jens Stoltenberg nói: “Chúng ta không nên kết thúc trong một tình huống mà chúng ta không đạt được thỏa thuận nào”.

Đặc phái viên Marshall cho biết rằng Trung Quốc đã từ chối lời mời của Hoa Kỳ tham gia vào các cuộc đàm phán ở Vienna, nhưng ông hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ gây áp lực để Bắc Kinh tham gia trong tương lai.

Ông Billingslea cho biết: “Hoa Kỳ không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang. Tất nhiên, chúng tôi sẽ không bị bỏ lại phía sau, nhưng chúng tôi tìm cách tránh điều này, và đây là lý do tại sao thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân 3 bên, theo quan điểm của chúng tôi, sẽ là cơ hội tốt nhất để tránh một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân gây bất ổn cho cả 3 bên".

Ông Ryabkov cho biết rằng nước Nga đề xuất các cường quốc hạt nhân khác nên tham gia vào các thỏa thuận vũ khí hạt nhân trong tương lai, tuy nhiên, việc các nước quyết định tham gia chỉ có thể là tự nguyện.

Ông nói: “Chúng tôi nhận thức rõ về vị thế của Trung Quốc, chúng tôi tôn trọng điều đó và chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy vị thế của Trung Quốc có thể thay đổi theo hướng mà Hoa Kỳ mong muốn”.

Ông Billingslea nói rằng ông “sẽ không quyết định bất cứ điều gì” nhưng Hoa Kỳ cho rằng hai nước Anh hay Pháp, với kho vũ khí hạt nhân rất nhỏ, không cần được đưa vào thoả thuận như nước Nga đề xuất.

Ông cho biết: “Xét cả về mặt định tính và định lượng, Vương quốc Anh và nước Pháp ở trong một tình huống rất khác so với cuộc đua vũ trang của Trung Quốc”.

Hoa Kỳ cố gắng mời Trung Quốc tham gia vào cuộc đàm phán nhưng Trung Quốc từ chối tham gia. Hôm thứ Hai (22/6), ông Billingslea đã đăng trên twitter một bức ảnh chụp một bàn đàm phán bỏ trống được đặt cờ Trung Quốc, ghi dòng chữ “Trung Quốc vắng mặt".

Hôm thứ Ba (23/6), Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đã phát biểu rằng: “Hoa Kỳ không nghiêm túc và không chuyên nghiệp khi thu hút sự chú ý theo cách này”.

Ông Zhao nói: “Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ ngừng sử dụng mánh khóe nhàm chán này, hãy tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của nước Nga về việc gia hạn hiệp ước New START và thực hiện các cuộc thảo luận nghiêm túc với phía Nga về vấn đề này”.

Đặc phái viên Billingslea bảo vệ việc đặt cờ trước bàn trống và nói rằng: “Chúng tôi đã sắp xếp phòng họp cho cả 3 quốc gia, tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ cử một phái đoàn đến tham gia, nhưng, sau đó đã phải sắp xếp lại thành phòng cho cuộc đàm phán giữa hai nước.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ và Nga tổ chức các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân, Trung Quốc vắng mặt