Mỹ tăng cường nỗ lực chống lại Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo các chuyên gia, Hoa Kỳ đang đáp trả chiến lược “cuộc chiến không giới hạn” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bằng chiến tranh ngôn từ và tăng cường các biện pháp phản công khác.

Các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ, cũng như các chính trị gia từ cả hai Đảng đã bày tỏ quan ngại về vấn đề Trung Quốc ngày càng hung hăng và thù địch với Hoa Kỳ. Gần đây, giám đốc FBI Christopher Wray cho biết rằng không có chính quyền nào trở thành mối nguy hiểm như vậy đối với các phát minh, nền an ninh kinh tế và các ý tưởng dân chủ của Mỹ hơn ĐCSTQ.

Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, gần đây cho biết rằng Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục phản ứng thụ động trước những hành động bất lương của Trung Quốc, mà sẽ đáp trả.

Bên cạnh chiến thuật đáp trả bằng lời, Hoa Kỳ đã mở rộng phạm vi “phản công”. Ông Wray tiết lộ tuần trước rằng FBI hiện có hơn 2.000 cuộc điều tra tích cực liên quan đến ĐCSTQ, tăng 1.300% trong việc điều tra gián điệp kinh tế có liên kết với ĐCSTQ. Ông nói rằng Cục điều tra “cứ sau 10 giờ đồng hồ lại tiến hành một cuộc điều tra về gián điệp Trung Quốc”.

Những tuyên bố công khai gần đây từ cả chính quyền và các thành viên của Quốc hội đã “phản ánh sự thất vọng về hành vi ngang ngược đánh cắp công nghệ và phát minh của đất nước Hoa Kỳ của Trung Quốc”, theo ông Nicholas Eftimiades, cựu quan chức tình báo cao cấp của Hoa Kỳ và là tác giả của cuốn sách “Hoạt động gián điệp của Trung Quốc”.

Ông Eftimiades nói với The Epoch Times: “Hoa Kỳ nhìn thấy Trung Quốc có các hoạt động gián điệp kinh tế quy mô lớn và đứng đằng sau các hoạt động săn mồi kinh tế, ‘ăn cướp’ khách hàng, cũng như mở rộng quân sự ở vùng biển phía Nam và Đông Trung Quốc”.

Ông cho biết: “ĐCSTQ chưa bao giờ làm bạn với Hoa Kỳ. Đến tận bây giờ, một số chính trị gia Hoa Kỳ mới nhận ra điều này”.

Ông Eftimiades cho biết, kể từ năm 2018, chính quyền Hoa Kỳ đã nỗ lực loại bỏ hoạt động gián điệp gia tăng của Trung Quốc, bao gồm gián điệp thương mại và trộm cắp tài sản trí tuệ. Ngoài “cuộc chiến ngôn từ”, Hoa Kỳ cần gia tăng các biện pháp bằng hành động. Theo đó, các đồng minh sẽ có động thái mạnh mẽ hơn để chống lại Trung Quốc, làm tăng áp lực toàn cầu đối với ĐCSTQ và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình; để buộc họ phải tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp toàn cầu, ông Eftimiades nói.

Các chính quyền Hoa Kỳ và đại biểu Quốc hội trước đây đều tin rằng sau khi trở thành quốc gia giàu có, Trung Quốc sẽ dân chủ hóa đất nước. Ông Eftimiades gọi mối quan hệ Mỹ-Trung là một câu chuyện buồn về sự kiêu ngạo, vô tâm, tham lam chính trị và tham nhũng của Hoa Kỳ.

Ông cho biết: “Các công ty Trung Quốc và Hoa Kỳ đều sẵn lòng đóng góp và cung cấp các cơ hội kinh doanh cho các chính trị gia Hoa Kỳ, những người đặt niềm tin vào việc dân chủ hóa đất nước Trung Quốc. Kết quả là sự lớn mạnh ồ ạt của quân đội Trung Quốc, tài sản trí tuệ giá trị hàng nghìn tỷ USD của Hoa Kỳ bị đánh cắp, sự đe dọa đối với nguyên tắc luật pháp thế giới, và sự giàu có của các công ty và chính trị gia Hoa Kỳ”.

“Chỉ bây giờ, khi chiến thuật ‘chiến tranh không giới hạn’ của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng trên toàn thế giới, thì các chính trị gia Hoa Kỳ cuối cùng mới lưu tâm”, ông Eftimiades nói thêm.

Tháng 2/2020, FBI đã tiến hành xấp xỉ 1.000 cuộc điều tra về các nỗ lực đánh cắp bí mật thương mại của Trung Quốc, một mặt trận trong chiến dịch sâu rộng chống lại Hoa Kỳ của ĐCSTQ. Tất cả các chi nhánh của FBI tại thời điểm đó đều tiến hành điều tra về trộm cắp bí mật thương mại liên quan đến Trung Quốc tại hầu hết mọi lĩnh vực và mọi ngành công nghiệp.

Theo đánh giá của các thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp (DOJ), số lượng cáo trạng liên quan đến sự xâm nhập của Trung Quốc kể từ năm 2019 nhiều hơn toàn bộ cáo trạng trong tám năm của chính quyền Obama.

John R. Mills, cựu giám đốc chính sách, chiến lược và các vấn đề quốc tế về an ninh mạng tại Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết sự gia tăng các cuộc thăm dò của FBI là rất quan trọng và là kết quả của việc “sắp xếp theo thứ tự ưu tiên” đối với tài sản và tài nguyên của quân đội.

Ông Keith Mills nói với The Epoch Times: “Cách thức hoạt động của FBI, các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan điều tra an ninh quốc gia là họ cần được cung cấp thông tin về mức độ ưu tiên và họ sẽ xoay chuyển và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Và chúng ta hiện đang chứng kiến quá trình này trong các hoạt động của FBI, nó có tác dụng rất lớn”.

Mặc dù FBI tăng cường nỗ lực chống lại gián điệp Trung Quốc, nhưng một số người cho biết rằng những nỗ lực của họ vẫn chưa đủ để đối phó với mối đe dọa của ĐCSTQ. Chỉ có chiến lược quốc gia và cách tiếp cận toàn xã hội mới có thể ứng phó toàn diện với mối đe dọa này từ Trung Quốc.

Ông Eftimiades nói: “FBI đang cố gắng vượt qua một thách thức lớn lao. Có hàng ngàn nhân viên tình báo Trung Quốc đang hoạt động tại Hoa Kỳ. FBI không thể hạn chế các hoạt động đánh cắp của Trung Quốc”.

‘Bản chất thật’ của ĐCSTQ

Nỗ lực chống lại sự xâm nhập của ĐCSTQ đã được Tổng chưởng lý Jeff Sessions đề xuất vào tháng 11/2018 ngay trước khi ông đệ đơn từ chức. Chiến dịch này được chính thức gọi là Sáng kiến ​​Trung Quốc.

Những nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Trump trong vấn đề này đã trở nên sâu rộng từ trước khi chính thức khởi động chiến dịch này. Ông Sessions lưu ý rằng chính quyền Obama trong vòng bốn năm (2012-2016) không hề truy tố tội gián điệp nào liên quan đến Trung Quốc, trong khi chỉ trong năm 2017, đã có bốn vụ gián điệp liên quan đến Trung Quốc bị truy tố.

Đầu tháng 6/2020, Charles Lieber, nguyên trưởng khoa hóa học Đại học Harvard, đã bị truy tố vì cáo buộc che dấu về việc nhận tài trợ từ ĐCSTQ, DOJ cho biết.

Ông Lieber đã bị bắt vào tháng 1/2020 vì bị cáo buộc nói dối về việc tham gia chương trình tuyển dụng Ngàn tài năng do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Ngày 9/6, một bồi thẩm đoàn liên bang đã truy tố ông này về hai tội khai báo sai sự thật.

Theo DOJ, một trong những vụ án mới nhất liên quan đến Hao Zhang, 41 tuổi, bị kết án ngày 26/6 về tội gián điệp kinh tế, trộm cắp bí mật thương mại và âm mưu thực hiện cả hai hành vi phạm tội. Từ năm 2010 đến 2015, Zhang đã cố gắng đánh cắp các bí mật thương mại từ hai công ty của Hoa Kỳ để “làm lợi cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Ông Sessions đã chỉ đạo DOJ tập trung vào một loạt các ưu tiên liên quan đến sự xâm nhập của Trung Quốc, bao gồm xác định các vụ trộm cắp bí mật thương mại quan trọng, phát triển chiến lược để truy tìm các tội phạm tình báo phi truyền thống do ĐCSTQ tuyển dụng, và áp dụng Đạo luật Đăng ký Đại lý Nước ngoài nhằm chống lại các đại lý chưa đăng ký đang thúc đẩy lợi ích của chính quyền Trung Quốc.

Giới chức Hoa Kỳ đã đúng khi nói rằng ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ, theo ông Eftimiades.

Ông mô tả các cách thức mà ĐCSTQ đã áp dụng trong hai thập kỷ qua, bao gồm: hạ một máy bay trinh sát quân sự của Hoa Kỳ, sử dụng tia laser để làm mù các phi công Hoa Kỳ, phá vỡ các vệ tinh của Hoa Kỳ, đe dọa ngừng cho phép các công ty Hoa Kỳ xuất khẩu thuốc kháng sinh sản xuất tại Trung Quốc và đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ trị giá hàng nghìn tỷ đô la Mỹ.

ĐCSTQ cũng phát động một cuộc tấn công nhằm chuyển hướng áp lực về việc truy cứu trách nhiệm đối với cách mà họ ứng phó trước sự bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán trong giai đoạn đầu ở Trung Quốc. Bên cạnh Hoa Kỳ, các quốc gia khác trên toàn cầu cũng bày tỏ sự tức giận và thất vọng đối với cách xử lý dịch bệnh và che giấu thông tin về virus viêm phổi Vũ Hán của ĐCSTQ, khiến dịch bệnh gây họa loạn trên toàn cầu.

Theo ông Dương Kiến Lợi, một nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc, là con trai của một cựu lãnh đạo ĐCSTQ và là người hiện đang lãnh đạo tổ chức Sáng kiến ​​Quyền lực Công dân cho Trung Quốc, một tổ chức phi chính phủ dân chủ ở Hoa Kỳ, giờ đây mọi người trên thế giới đã hiểu rõ hơn về ĐCSTQ.

Ông Dương nói với The Epoch Times: “Đã từ lâu, ĐCSTQ tự tuyên bố mình là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng toàn cầu nhưng đại dịch này một lần nữa đã bộc lộ bản chất thực sự của họ. Công lý đòi hỏi ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về hành vi nhẫn tâm, vô đạo đức và gây hiểm họa toàn cầu”.

Ông Dương cho biết, trong khi những quốc gia khác đang phải vật lộn với đại dịch và những hậu quả kinh tế của nó, ĐCSTQ trở nên hung hăng hơn nữa trong chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch của “chính sách ngoại giao ngụy tạo”. Ông nói: “điều này sẽ tiếp tục góp phần nuôi dưỡng sự ngờ vực và phẫn nộ toàn cầu”.

Đồng thời, ngày 30/6/2020, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã chỉ rõ rằng “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc Huawei và nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE là các công ty đe dọa nền an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch FCC Ajit Pai lưu ý rằng cả hai công ty đều có mối liên hệ mật thiết với ĐCSTQ và bộ máy quân sự của Trung Quốc, và cả hai công ty này đều chịu sự quản lý của pháp luật Trung Quốc, bắt buộc họ phải hợp tác với các cơ quan tình báo của ĐCSTQ.

Nguyên Hương
Theo The Epoch Times

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Mỹ tăng cường nỗ lực chống lại Trung Quốc