Mỹ tăng cường chống tình báo học thuật từ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ vừa giới thiệu một dự luật mới trước lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ vào hôm 29/10/2019 nhằm ngăn chặn điệp viên Trung Quốc đánh cắp công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ từ các trường đại học và viên nghiên cứu của Mỹ.

Đạo luật Giảm thiểu Đe dọa Phản gián An ninh Nội địa (Homeland Security Counterintelligence Threat Reduction Act) sẽ yêu cầu các quan chức của Bộ An ninh nội địa (DHS) thành lập một bộ phận công tác đặc biệt nhằm đánh giá và tăng cường sức mạnh phản gián (chống gián điệp) trong các cơ quan liên bang.

Đạo luật cũng yêu cầu quan chức an ninh lập chương trình đào tạo bắt buộc nhằm nâng cao nhận thức về phản gián cho giảng viên tại các trường đại học, để họ có thể phát hiện ra những hoạt động gián điệp tiềm năng. Dự luật cũng đưa ra những phương cách giúp phát hiện các lĩnh vực nhạy cảm trong chương trình giảng dạy.

Người giới thiệu đạo luật tại thượng viện, Thượng nghị sĩ Josh Hawley đại điện cho tiểu bang Missouri, cho biết rằng đạo luật sẽ gia tăng năng lực cho Bộ An ninh Nội địa nhằm “giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng bằng việc tăng khả năng chống gián điệp của [DHS] đối với giới sinh viên quốc tế và visa học thuật”.

Ông cho biết các quan chức tình báo đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về gián điệp sinh viên Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn. Những sinh viên này đánh cắp các công nghệ trọng yếu liên quan đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Thượng nghị sỹ Mark Walker, đại diện cho tiểu bang Bắc Carolina, giới thiệu phiên bản của đạo luật tại Hạ Viện, cho biết: “Từ lâu, Hoa Kỳ đã nhắm mắt làm ngơ trước sự lợi dụng ngày càng tăng của các quốc gia như Trung Quốc trước việc họ sử dụng các tổ chức học thuật của chúng ta như một phương cách để đánh cắp thông tin và công nghệ nhạy cảm và có giá trị”.

“Chúng ta phải có nhiệm vụ bảo vệ tài sản trí tuệ của nước Mỹ”.

Điệp viên dưới mác sinh viên

Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, hơn 80% các cáo buộc về gián điệp kinh tế trong các vụ án ở cấp liên bang kể từ năm 2012 đến nay liên quan tới Trung Quốc.

Bộ Tư pháp cũng đã đưa ra chương trình Sáng kiến ​​Trung Quốc vào năm 2018 nhằm chống lại các mối đe dọa gián điệp từ Trung Quốc.

Khi được hỏi về nguy cơ gây ra từ sinh viên Trung Quốc trong các ngành học cấp cao trong phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện vào năm 2018, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết Trung Quốc sử dụng cách thu thập tình báo phi truyền thống diễn ra trên khắp mọi lĩnh vực và ở khắp nơi.

Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố nhiều vụ án liên quan tới sinh viên Trung Quốc bị bắt vì đánh cắp bí mật thương mại hoặc thông tin tình báo cho chế độ Trung Quốc.

Chẳng hạn, vào tháng 9/2018 Mỹ đã bắt giữ sinh viên Trung Quốc tên là Lý Siêu Quần. Lý là đặc vụ của Trung Quốc, làm việc cho cho cơ quan tình báo đầu não Trung Quốc thuộc Bộ Công An Trung Quốc.

Các công tố viên cho biết Lý Siêu Quần có visa sinh viên F1, học ngành kỹ thuật điện tại Viện Công nghệ Illinois (Illinois Institute of Technology), đã tuyển dụng kỹ sư và nhà khoa học cho chính phủ Trung Quốc. Lý Siêu Quần đã thu thập thông tin về ít nhất tám công dân Hoa Kỳ nhập tịch từ Đài Loan hoặc Trung Quốc rồi chuyển cho quan chức tình báo cấp cao Trung Quốc.

Lưu Nhược Bằng, người theo học bằng tiến sĩ tại Đại học Duke vào năm 2006, làm việc tại một phòng thí nghiệm sở hữu công nghệ chế tạo chiếc “áo choàng tàng hình” với khả năng vô hình trước tín hiệu vi sóng.

Với công nghệ này, Lưu sau đó đã thành lập một viện nghiên cứu ở Trung Quốc và một công ty niêm yết tại thị trường chứng khoán Hồng Kông. FBI đã mở cuộc điều tra nhưng cuối cùng đã không thể buộc tội Lưu vì thiếu bằng chứng.

Theo ước tính mới nhất của Viện Giáo dục Quốc tế, hiện có khoảng 360.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Hoa Kỳ. Mặc dù hoạt động gián điệp học thuật chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số sinh viên Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng thiệt hại do hoạt động này gây ra có thể gây sốc.

“Vấn đề là những công nghệ mà điệp viên đánh cắp được có tính phá hoại rất lớn [cho nước Mỹ], chúng gia tăng sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự cho Trung Quốc”, ông Nicholas Nicholas Eftimiades trả lời tờ Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Vào tháng 7, Thượng nghị sỹ Hawley cũng đã viết thư cho Đại học Missouri và Đại học Webster yêu cầu xem xét lại quan hệ đối tác của họ với Viện Khổng Tử do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Ông gọi Viện Khổng Tử là công cụ để Trung Quốc lan truyền ảnh hưởng và thực thi quyền lực mềm nhằm cạnh tranh với Hoa Kỳ .

Một số trường đại học Hoa Kỳ đã ngừng chương trình hợp tác với Viện Khổng Tử trong năm nay, bao gồm Đại học bang San Diego, Đại học Minnesota, Đại học Indiana, Đại học Oregon và Đại học Hawaii.

Minh Dũng (biên dịch)

Theo Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ tăng cường chống tình báo học thuật từ Trung Quốc