Mỹ lên án tội ác của Trung Quốc ở Tân Cương, Tây Tạng tại Diễn đàn Nhân quyền của LHQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại Diễn đàn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 12/3, Hoa Kỳ đã gay gắt lên án phía Trung Quốc vì những hành vi áp bức các dân tộc và tôn giáo thiểu số của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Đại diện Mỹ gọi những động thái áp chế khắc nghiệt của chế độ này đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương và đối với Tây Tạng là "tội ác phản nhân loại và diệt chủng", Reuters đưa tin.

Nhiều nhà hoạt động nhân quyền khẳng định, đang có hơn 1 triệu người thuộc dân tộc Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc Hồi giáo thiểu số khác đang bị ĐCSTQ giam giữ trong các trại tập trung tại vùng Tân Cương hẻo lánh phía tây Trung Quốc.

Phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền của LHQ, đại diện Hoa Kỳ Mark Cassayre khẳng định, nước Mỹ "lên án việc Trung Quốc lạm dụng các thành viên của các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số, bao gồm cả tội ác phản nhân loại và diệt chủng ở Tân Cương và những hạn chế hà khắc ở Tây Tạng".

Cũng tại diễn đàn này, đại sứ của Anh là ông Julian Braithwaite bày tỏ đồng quan điểm với Mỹ. Ông phát biểu: "Chúng tôi vẫn lo ngại sâu sắc trước những vi phạm nhân quyền trên diện rộng và có hệ thống ở Tân Cương, bao gồm cả những báo cáo đáng tin cậy về lao động cưỡng bức và kiểm soát sinh sản cưỡng bức".

Trước đó, tại cuộc họp báo của Lưỡng Hội hôm 7/3, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng của ĐCSTQ Vương Nghị đã phủ nhận việc tồn tại "tội ác diệt chủng" ở Tân Cương, và tuyên bố đây là "lố bịch", là "dối trá", thậm chí là "thao túng chính trị". Ông tuyên bố, cách nói “‘tội ác diệt chủng’ ở Tân Cương là vô cùng hoang đường", "hoàn toàn là tung tin đồn ác ý", "dối trá”, v.v.

Ông Dilxat Raxit, người phát ngôn của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới (WUC) nói với phóng viên của The Epoch Times rằng: "Cuộc diệt chủng và đàn áp nhắm vào dân tộc Duy Ngô Nhĩ là thủ đoạn chiến lược của Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc củng cố quyền cai trị nội địa của họ". Ông cho biết, tuyên bố của Ngoại trưởng ĐCSTQ Vương Nghị mang theo dã tâm động cơ chính trị cụ thể , "nhằm chia rẽ cộng đồng quốc tế và giảm bớt áp lực giải trình trách nhiệm trước quốc tế".

Ngoài các vấn đề tại Tân Cương và Tây Tạng, các đại sứ Cassayre và Braithwaite cũng bày tỏ những quan ngại đối với việc 21 nhà hoạt động Hong Kong vẫn tiếp tục bị giam giữ, sau khi một tòa án của đặc khu này đã từ chối yêu cầu tại ngoại của một số người hôm 12/3.

Đại sứ Cassayre cho biết: "Chúng tôi lên án việc chính quyền Hong Kong giam giữ các nhà hoạt động dân chủ vì thực hiện các quyền và tự do của họ, đồng thời kêu gọi trả tự do cho họ ngay lập tức”.

Về phía Trung Quốc, phát biểu trước diễn đàn tại Geneva, đại sứ Chen Xu cho biết, quốc gia này phản đối việc chính trị hóa các vấn đề nhân quyền, theo Reuters. Tuy nhiên, bài phát biểu của ông Chen không đề cập trực tiếp đến các vấn đề của Tân Cương.

Thay mặt cho 64 quốc gia bao gồm Trung Quốc, đại sứ Cuba kêu gọi các quốc gia “ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc bằng cách thao túng các vấn đề liên quan đến Tân Cương, (và) kiềm chế đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại Trung Quốc vì động cơ chính trị", theo Axios.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết, cuộc họp dự kiến của tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken với người đồng cấp Vương Nghị ở Alaska vào tuần tới, là vì mục đích cải thiện cách đối xử của chế độ Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Du Miên



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ lên án tội ác của Trung Quốc ở Tân Cương, Tây Tạng tại Diễn đàn Nhân quyền của LHQ