Mỹ lập đội đặc nhiệm UFO nhắm vào gián điệp không gian Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, Lầu Năm Góc cho biết họ đang thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới trực thuộc Hải quân Hoa Kỳ để điều tra các vật thể bay không xác định (UFO). Các nguồn truyền thông nước ngoài nói rằng mục tiêu thực sự của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ là nhắm vào hành vi gián điệp đường không của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ngày 14/8, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Sue Gough đưa ra tuyên bố rằng, với việc thành lập "Lực lượng Đặc nhiệm Hiện tượng Trên không Không xác định" (UAPTF), Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hy vọng sẽ nâng cao khả năng tìm hiểu và điều tra về bản chất và nguồn gốc của các Hiện tượng không xác định trên không (UAP).

Hôm 4/8, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ David Norquist đã phê chuẩn việc thành lập "Lực lượng Đặc nhiệm Hiện tượng Trên không Không xác định" (UAPTF).

Tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết: "Nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm này là phát hiện, phân tích và lập danh mục các UAP có thể gây ra mối đe dọa tiềm tàng cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”.

Một quan chức Mỹ tuyên bố rằng lực lượng đặc nhiệm mới UAP sẽ do Hải quân quản lý và sẽ báo cáo với Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách tình báo để chính thức hóa những gì họ đã làm trong những năm gần đây.

Vào tháng 4, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã giải mật ba đoạn video về các máy bay chiến đấu hải quân được ghi lại vào năm 2004 và 2015. Những video này cho thấy "UFO" bay với tốc độ cao dọc theo bờ biển California.

Tuy nhiên, mục đích lập nên lực lượng đặc nhiệm UFO của quân đội Mỹ không thực sự là do lo ngại về UFO, mà là lo ngại về "những hiện tượng trên không không xác định" liên quan đến kẻ thù trên trái đất.

Theo Agence France-Presse (AFP), Washington đặc biệt lo ngại về năng lực gián điệp của ĐCSTQ, chẳng hạn như do thám bằng máy bay không người lái hoặc các phương tiện trên không khác.

Vào cuối năm ngoái, Hoa Kỳ đã thông qua ngân sách quốc phòng lên tới 718 tỷ đô-la Mỹ cho năm 2020 và thành lập Lực lượng Không gian để đối phó với các hoạt động gián điệp của không quân ĐCSTQ và không quân Nga.

Trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc ngày 18/6 năm nay, ông Stephen L. Kitay, Phó Bộ trưởng Trợ lý phụ trách Chiến lược Không gian của Bộ Quốc phòng, cho biết: “Hoa Kỳ đang dẫn trước Trung Quốc và Nga nhưng hoàn toàn đang trong hoàn cảnh nguy hiểm”.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T. Esper đã công bố "Chiến lược Phòng thủ Không gian" bản mới nhất, trong đó đưa ra kế hoạch chi tiết về sự phát triển của các lực lượng quân sự vũ trụ Mỹ trong 10 năm tới.

Bản tóm tắt chiến lược nêu rõ: "Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga là những mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng nhất đối với các hoạt động vũ trụ của Hoa Kỳ, đồng thời các mối đe dọa từ Triều Tiên và Iran cũng đang gia tăng".

Ông Mark nói: "Chúng tôi hy vọng có một lĩnh vực không gian an toàn, ổn định và dễ tiếp cận để hỗ trợ an ninh, thịnh vượng và các thành tựu nghiên cứu khoa học của đất nước chúng tôi, nhưng các đối thủ của chúng tôi đã biến không gian thành chiến trường. Để đối phó với hoàn cảnh chiến lược mới này, chúng tôi nhất định phải có các các cải cách và đổi mới sâu rộng về các chính sách, chiến lược, hoạt động, đầu tư, năng lực và chuyên môn".

Theo bản tóm tắt chiến lược, do sự gia tăng các hoạt động không gian toàn cầu, tính phức tạp của môi trường không gian cũng tăng lên.

Chiến lược không gian trong tương lai của quân đội Hoa Kỳ sẽ hoạt động theo bốn hướng:

  1. Thiết lập một lợi thế quân sự toàn diện trong không gian.
  2. Tích hợp các lực lượng quân sự không gian vào các hoạt động quân sự chung quốc tế.
  3. Định hình môi trường chiến lược.
  4. Hợp tác với các đồng minh, đối tác, ngành công nghiệp và các cơ quan ban ngành khác của chính phủ Hoa Kỳ.

Ông Kitay nói rằng, các đồng minh của Mỹ cũng đã nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển năng lực không gian. Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ đối tác chia sẻ thông tin tình báo với Canada, Vương quốc Anh, Úc, New Zealand, Pháp và Đức thông qua một kế hoạch tác chiến không gian chung.

Đông Phương
Theo NTDTV

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Mỹ lập đội đặc nhiệm UFO nhắm vào gián điệp không gian Trung Quốc