Mỹ cảnh báo Đông Nam Á trước sự lôi kéo của Trung Quốc 

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Một thách thức đặc biệt cấp bách là việc Trung Quốc thao túng các dòng chảy của sông Mekong vì lợi nhuận của chính nước này với cái giá phải trả xảy ra với các quốc gia ở khu vực hạ nguồn”, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ David Stilwell nói tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ.

“Cần lựa chọn giữa những thứ có lợi và những thứ có thể không thực sự lợi ích cho đất nước”, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ David Stilwell nói tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ.

Nhận xét của Stilwell được đưa ra trước khi Ngoại trưởng Mike Pompeo gửi thông điệp sau đó tại một cuộc họp trực tuyến của các nhà ngoại giao trong khu vực.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Luo Zhaohui cho biết: “Mỹ đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình ở Biển Đông và toàn bộ khu vực. Đây là một kẻ gây rắc rối cho sự hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực".

Những thông điệp mang tính đối kháng này làm gia tăng căng thẳng ngoại giao ở khu vực Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt là trong những tuần kể từ khi nhóm của ông Pompeo lên án tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết khu vực Biển Đông thuộc dự án “chủ nghĩa đế quốc mới” của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông Pompeo có kế hoạch tham gia cuộc họp trực tuyến của Hội nghị cấp cao Đông Á sắp tới - diễn đàn mà Trung Quốc thường tham dự, cũng như cuộc họp với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN.

Ông Luo nói: “Cả Trung Quốc và ASEAN đều không muốn biến biển thành một đấu trường quyền lực. Chúng tôi không muốn nó trở thành một công cụ để cạnh tranh địa chính trị”.

Kế hoạch này của ông Pompeo diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhà ngoại giao cấp cao thứ 2 của Mỹ ca ngợi Nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản) là nền tảng tiềm năng cho một mạng lưới an ninh của các quốc gia dân chủ trong khu vực.

Ngày 31/8, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Steve Biegun cho biết: “Có một thực tế là khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang thực sự thiếu các cấu trúc đa phương mạnh mẽ. Khu vực này không có bất cứ sự hiện diện nào của NATO hay Liên Minh châu Âu. Các tổ chức mạnh nhất ở châu Á đôi khi không đủ bao quát, vì vậy chắc chắn có một lời mời ở đó vào một thời điểm nào đó để chính thức hóa một cấu trúc như thế này”.

Ông Biegun nhấn mạnh rằng một tổ hợp với cấu trúc đa phương như vậy sẽ tập trung nhiều hơn vào việc “đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Ông Luo cảnh báo các nước láng giềng trong khu vực rằng Bắc Kinh sẽ phản đối việc thành lập một tổ chức như vậy. Ông nói: “Ngoài việc can thiệp vào Biển Đông, Mỹ đã thành lập Bộ Tứ, một tiền tuyến chống Trung Quốc, còn được gọi là tiểu NATO. Điều này phản ánh tâm lý Chiến tranh Lạnh của Hoa Kỳ".

Về cơ bản, Bộ tứ là một diễn đàn chiến lược không chính thức của 4 quốc gia dân chủ tự do trong suốt 13 năm qua. Mục tiêu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi thiết lập đối thoại Bộ tứ này là tạo ra một vòng cung dân chủ châu Á - một vòng cung có thể được mở rộng để bao gồm hầu như tất cả các quốc gia ngoại trừ Trung Quốc, bao gồm các quốc gia ở Trung Á, Mông Cổ, bán đảo Triều Tiên và các quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Chính quyền Tổng thống Trump đã tái củng cố Bộ tứ vào năm 2017. Ông Biegun cho biết, Hoa Kỳ coi Bộ tứ là một cách để “tạo ra một khối quan trọng về các giá trị và lợi ích chung của các bên, từ đó thu hút nhiều quốc gia hơn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và thậm chí các nước khác trên thế giới, với mục đích nỗ lực vì một mục đích chung hoặc thậm chí cuối cùng để gắn kết theo cách có cấu trúc hơn với các quốc gia".

Tại cuộc họp với Viện Hoà bình Hoa Kỳ, ông Stilwell tập trung vào các tranh chấp kinh tế và chính trị với Trung Quốc, xác định Washington là đối tác với các nước đang chịu thiệt hại từ các đập trên sông Mekong của Trung Quốc - một tuyến đường thủy chính Đông Nam Á bắt nguồn từ Trung Quốc.

Ông nói: “Một thách thức đặc biệt cấp bách là việc Trung Quốc thao túng các dòng chảy của sông Mekong vì lợi nhuận của chính nước này với cái giá phải trả xảy ra với các quốc gia ở khu vực hạ nguồn”. Ông cho biết đây sẽ là trọng tâm của một cuộc họp khác sắp tới giữa ông Pompeo và các nước ASEAN. Ông Stilwell cũng cho biết: “Hiện tại, sông Mekong đang phải hứng chịu việc có mực nước thấp nhất từng được ghi nhận, điều này khiến những vụ mùa bị hỏng, đe dọa an ninh lương thực và nước trong toàn khu vực. Tất cả những điều này đều tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến một bất ổn lớn hơn”.

Nguyễn Minh
Theo Washington Examiner



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ cảnh báo Đông Nam Á trước sự lôi kéo của Trung Quốc