Mỹ bày tỏ quan ngại trước việc quân đội Myanmar ra lệnh hạn chế diễu hành và tụ tập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết hôm thứ Hai (8/2) rằng, Hoa Kỳ lo ngại về lệnh hạn chế người dân tụ tập của quân đội Myanmar (Miến Điện). Trước đó, người dân đã tiến hành cuộc biểu tình quy mô lớn kéo dài 3 ngày để chống lại cuộc đảo chính quân sự của quân đội Myanmar.

Theo Reuters, ông Price cho biết tại một cuộc họp báo: “Chúng tôi sát cánh với người dân Myanmar và ủng hộ quyền hội họp hòa bình của họ, bao gồm các cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ chính phủ do dân bầu [của họ]”.

Cuộc khủng hoảng Myanmar là phép thử lớn đầu tiên đối với cam kết của Tổng thống Mỹ Biden. Ông Biden hứa sẽ ưu tiên các vấn đề nhân quyền trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và hợp tác nhiều hơn với các đồng minh trong các thách thức quốc tế.

Người phát ngôn Ned Price cho biết, Hoa Kỳ đang "hành động nhanh chóng" để đưa ra phản ứng trước việc quân đội Myanmar tiếp quản chính quyền. Sau khi xác định rằng Myanmar đã xảy ra một cuộc đảo chính quân sự, Hoa Kỳ đang cố gắng hạn chế một số viện trợ cho Myanmar và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới.

Ông Price nói rằng, các quan chức Hoa Kỳ đã cả công khai và riêng tư kêu gọi nước láng giềng của Myanmar — Trung Quốc, cùng toàn cầu lên án "các hành động phản dân chủ" của quân đội Myanmar.

Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai (8/2) rằng, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (U.N. Human Rights Council) sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào ngày 12/2 để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar sau khi chính phủ do dân bầu của nước này bị quân đội tiếp quản.

Trước hôm thứ Hai, Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu đã kêu gọi tổ chức cuộc họp này và nhận được sự ủng hộ của 19 trong số 47 quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, trong đó chủ yếu là các nước phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tham gia.

Hôm thứ Hai cũng có thông báo rằng, Hoa Kỳ - quốc gia đã rút khỏi Hội đồng này vào tháng 6/2018 - sẽ tái gia nhập Hội đồng Nhân quyền LHQ, và cũng là một trong 28 quốc gia quan sát viên ủng hộ cuộc họp này.

Các nhà ngoại giao cho biết, các quốc gia thành viên ủng hộ cuộc họp đang thảo luận một dự thảo nghị quyết, và sẽ được trình lên cuộc họp này để thông qua.

Hôm 8/2 cũng là ngày thứ ba liên tiếp hàng chục ngàn người Myanmar đã xuống đường để phản đối cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi.

Ông Min Aung Hlaing, 64 tuổi, Tổng tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Myanmar, cho biết chính phủ quân đội của ông sẽ tổ chức cuộc bầu cử công bằng mới và chuyển giao quyền lực cho người thắng cử.

Ông Julian Braithwaite, Đại sứ Anh tại Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva, cho biết tại một cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền rằng, quân đội Myanmar đã giam giữ các chính trị gia được bầu và các quan chức dân sự.

Ông Braithwaite chỉ ra rằng, ông Thomas Andrews, nhà điều tra nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Myanmar, đã kêu gọi mở một cuộc họp đặc biệt để cho công dân Myanmar thấy rằng “họ không đơn độc trong lúc nguy cấp và trong lúc cần được giúp đỡ”.

Ông Braithwaite nói: “Điều quan trọng nhất là chúng ta phải có các ứng phó khẩn cấp trước hoàn cảnh khó khăn của người dân Myanmar và trước tình hình nhân quyền đang xấu đi nhanh chóng [ở quốc gia này]”.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ bày tỏ quan ngại trước việc quân đội Myanmar ra lệnh hạn chế diễu hành và tụ tập