Mối thâm thù Mỹ-Trung tiếp tục leo thang trên mọi mặt trận

Giúp NTDVN sửa lỗi

  • Chiến tranh thương mại nhường chỗ cho cuộc chiến chống độc quyền, ngừng vận tải hàng không.
  • Áp lực sẽ gia tăng tăng khi gần đến ngày bầu cử tại Hoa Kỳ.

Mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ-Trung đang vượt ra ngoài giới hạn của các mối đe dọa thương mại thù địch, trở thành các cú đấm “so găng” gây đe dọa cho một loạt các ngành công nghiệp bao gồm công nghệ, năng lượng và du lịch hàng không.

Hai nước đã đưa hàng loạt các công ty của nhau vào danh sách đen, cấm các chuyến bay vận tải hành khách và trục xuất báo giới. Cuộc giao tranh đang bắt đầu khiến các công ty lo lắng về bối cảnh thương mại trong tương lai.

Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ Myron Brilliant cho biết: “Có rất nhiều ngành công nghiệp mà các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư và kỳ vọng vào tương lai lâu dài ở Trung Quốc vì Trung Quốc là thị trường rất lớn và đầy hứa hẹn. Bây giờ, họ đã nhận ra rủi ro này”.

Shi Yinhong, cố vấn cho chính quyền Trung Quốc và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc sẽ cố gắng tránh sử dụng biện pháp có thể gây phản tác dụng. Các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Hoa Kỳ sẽ là “phương án cuối cùng”, bởi vì Trung Quốc “đang rất cần đầu tư của các nước giàu vì lý do kinh tế và chính trị”.

Tuy nhiên, áp lực dự kiến ​​sẽ chỉ gia tăng trước cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ vào tháng 11, khi Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden đọ sức xem ai cứng rắn hơn trong đường lối và chính sách với Trung Quốc.

Tổng thống Trump đã lên án Trung Quốc che giấu sự bùng phát của đại dịch viêm phổi Vũ Hán mà ông giễu cợt gọi là “Kung Flu”, cáo buộc Bắc Kinh về “hành động gián điệp trái phép và đánh cắp bí mật công nghiệp của Hoa Kỳ”. Ông Trump cũng đe dọa Hoa Kỳ sẽ “hoàn toàn tách khỏi” Trung Quốc. Tương tự, ông Biden cũng gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là một tên lưu manh, và mô tả việc giam giữ hàng loạt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là vô lương tâm, cũng như buộc tội Trung Quốc về các hoạt động thương mại săn lùng và “ăn cướp” khách hàng.

Và trên Đồi Capito Hill, Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã tìm được sự đồng thuận hiếm hoi trong lập trường phản đối Trung Quốc, với các nhà lập pháp mong muốn hành động chống lại việc Bắc Kinh đã che giấu sự bùng phát của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, chuyển giao công nghệ cưỡng ép, ngược đãi nhân quyền và siết chặt nền dân chủ ở Hong Kong.

“Trung Quốc sẽ trở thành túi đấm trong chiến dịch này”, Byron Callan, đối tác của Capital Alpha Partners cho biết. “Nhưng Trung Quốc là một túi đấm có thể đấm trả”.

Trung Quốc đã liên tục bác bỏ các cáo buộc của Hoa Kỳ về việc che giấu sự bùng phát của đại dịch, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, siết chặt nền dân chủ Hong Kong và các cáo buộc thương mại khác. Họ đã phản công và lên án chính quyền Tổng thống Trump vì phá hoại hợp tác toàn cầu và cố gắng khởi động một cuộc chiến tranh lạnh mới. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị hồi tháng Sáu cho biết không phải là Trung Quốc muốn thay thế vị trí cường quốc bá chủ thế giới của Hoa Kỳ, đồng thời nói rằng Hoa Kỳ nên từ bỏ “tư tưởng hão huyền” về việc thay đổi đất nước Trung Quốc.

Cả hai bên đã thực hiện một loạt các động thái kiểm soát lẫn nhau để bảo vệ thị phần.

Hoa Kỳ đang viện dẫn những quan ngại về vấn đề bảo mật để ngăn chặn China Mobile Ltd., nhà khai thác di động lớn nhất thế giới vào thị trường Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã loại bỏ số máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất khỏi các phi đội bay của chính phủ và không khuyến khích triển khai lắp đặt biến áp của Trung Quốc trên mạng điện lưới quốc gia. Chính quyền Tổng thống Trump cũng tìm cách hạn chế Huawei Technologies của Trung Quốc, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới nắm giữ thị trường 5G trên toàn cầu.

Đồng thời, trong hơn hai tháng qua, Trung Quốc ngăn chặn các chuyến bay của hàng không Hoa Kỳ vào nước này. Họ đã trục xuất các nhà báo Hoa Kỳ sau khi Hoa Kỳ áp đặt hạn chế thị thực đối với các nhà báo Trung Quốc. Trung Quốc cũng tăng cường giám sát các công ty Hoa Kỳ với một thăm dò do Tân Hoa Xã đưa ra để cảnh báo Nhà Trắng. Trung Quốc từ lâu cũng đã gây khó khăn đối với các công ty viễn thông Hoa Kỳ để họ khó có thể thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, với yêu cầu các nhà khai thác nước ngoài phải hợp tác đầu tư với các công ty địa phương và cần được chính phủ Trung Quốc cấp phép.

Một trong những điểm “nước sôi lửa bỏng” nhất là chiến dịch kiềm chế Huawei của chính quyền Tổng thống Trump nhằm hạn chế hoạt động kinh doanh của công ty này tại Hoa Kỳ và thúc đẩy các đồng minh không sử dụng thiết bị mạng của Huawei.

Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ đã có động thái chặn việc sử dụng thiết bị Huawei và ZTE Corp trong các hệ thống mạng của Hoa Kỳ. Tháng Năm, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa Huawei vào danh sách đen nhằm ngăn chặn Huawei sử dụng con chip được sản xuất bằng công nghệ của Hoa Kỳ, bao gồm công nghệ từ nhà sản xuất Qualcomm Inc. và Broadcom Inc.

Tháng Năm, sau khi các nhà cung cấp tìm được giải pháp, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thắt chặt quy tắc xuất khẩu để cấm bất kỳ nhà sản xuất chip nào sử dụng thiết bị của Hoa Kỳ bán hàng cho Huawei mà không có giấy phép từ Hoa Kỳ. Động thái này có thể hạn chế gần như toàn bộ ngành sản xuất chip theo hợp đồng [đang sử dụng chất bán dẫn từ các nhà cung cấp của Hoa Kỳ] như Applied Materials Inc., Lam Research Corp và KLA Corp.

Những hạn chế này cũng đe dọa làm tê liệt Huawei. Mặc dù công ty này có thể mua chip di động ngoài thị trường hoặc từ bên thứ ba như Samsung Electronics Co. hoặc MediaTek Inc.. Tuy nhiên, theo đó, công ty này sẽ buộc phải chấp nhận giá đắt đối với các sản phẩm cơ bản.

Huawei đã có tên trong danh sách các công ty cần giám sát chặt chẽ [do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát] được Lầu Năm Góc đưa ra vào tuần cuối tháng Sáu. Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh đã cáo buộc chính quyền Tổng thống Trump “phá vỡ nguyên tắc kinh tế thị trường mà nước Mỹ luôn bảo vệ”.

Ngày 28/6/2020, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Chúng tôi cực kỳ phản đối điều này. Trung Quốc khẩn khoản yêu cầu Hoa Kỳ ngừng đàn áp các công ty Trung Quốc một cách vô cớ và cung cấp một môi trường công bằng, chính đáng và không kỳ thị để các công ty Trung Quốc có thể hoạt động bình thường tại Hoa Kỳ”.

Sau những hạn chế mới này, biên tập viên của tờ Thời báo Hoàn cầu của ĐCSTQ đã tweet rằng để trả đũa, Trung Quốc sẽ lập “danh sách các thực thể không đáng tin cậy” mà họ đã từng đe dọa lần đầu ở đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại năm 2019. Mặc dù Trung Quốc không xác định danh sách, Thời báo Hoàn cầu đã trích dẫn một nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc cảnh báo rằng mục tiêu bị nhắm có thể là Apple Inc. và Qualcomm của Hoa Kỳ.

Tác động tiêu cực có thể lan rộng đến các công ty phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, cũng như các thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng ở châu Á. Công ty Boeing Co. với doanh thu năm 2019 ở thị trường Trung Quốc là 5,7 tỷ USD và Tesla Inc., nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Hoa Kỳ đang hoạt động độc lập ở Trung Quốc, là những công ty bị thiệt hại nhiều nhất, nếu quan hệ Trung-Mỹ tiếp tục xấu đi.

Jim Lucier, giám đốc điều hành của Capital Alpha Partners [công ty nghiên cứu chính sách chiến lược và dự đoán xu thế chính trị] của Hoa Kỳ cho biết: “Hiện tại chúng ta đang ở trong một sân chơi rộng lớn hơn nhiều. Chúng ta không chỉ đơn thuần nói về vấn đề ‘anh áp thuế, tôi cũng áp thuế’. Sân chơi giờ đây hoàn toàn mở, không có giới hạn”.

Thiệt hại của ngành công nghiệp sản xuất máy bay và ô tô

Các nhà sản xuất ô tô của Hoa Kỳ cũng bị lâm vào tình cảnh “ngồi trên đống lửa”. Vào tháng Sáu, Trung Quốc đã phạt liên doanh ô tô Changan Ford của Tập đoàn Ford Motor Co. tại nước này vì vi phạm luật chống độc quyền, với lý do, từ năm 2013 liên doanh này hạn chế phân phối giá ưu đãi cho các nhà kinh doanh nhỏ lẻ.

Hàng không là ngành công nghiệp thứ hai phải hứng chịu hậu quả từ sự căng thẳng của quan hệ Mỹ-Trung khi cả hai nước đều tranh giành quyền tiếp cận bầu trời. Quyết định của Trung Quốc giới hạn các dịch vụ hàng không của Hoa Kỳ vào ngày 12/3/2020 đã gây tổn hại cho các hãng hàng không Hoa Kỳ như United Airlines Holdings Inc., Delta Air Lines Inc. và American Airlines Group Inc.. Các hãng này phải đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Đầu tháng 6/2020, Hoa Kỳ đưa ra cú đáp trả ban đầu bằng cách đe dọa cấm tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc, sau đó nới lỏng cho phép hai chuyến bay một tuần khi giới chức Trung Quốc cũng nới lỏng các hạn chế của họ. Bây giờ, trong giai đoạn hạ nhiệt, Trung Quốc đã cho phép các hãng vận tải hành khách của Hoa Kỳ khai thác bốn chuyến bay hàng tuần đến nước này. Cũng vào đầu tháng Sáu, chính quyền Tổng thống Trump đã cho phép các hãng hàng không Trung Quốc khai thác số chuyến bay tương đồng.

Tương tự, căng thẳng cũng xảy ra trong lĩnh vực điện lực. Năm 2019, chính phủ Hoa Kỳ quyết định tịch thu một nửa tấn biến áp điện do Trung Quốc sản xuất khi cập cảng và chuyển toàn bộ lô thiết bị này đến phòng thí nghiệm quốc gia thay vì đến trạm điện ở Colorado nơi dự kiến ​​sẽ triển khai lắp đặt. Động thái đó, cùng với sắc lệnh hành pháp vào tháng Năm từ Tổng thống Trump cho phép phong tỏa thiết bị điện lưới do “đối thủ nước ngoài” của Hoa Kỳ cung cấp để bảo toàn nền an ninh quốc gia, đã gửi sóng xung kích qua ngành điện.

Jim Cai, đại diện của Công ty Jiangsu Huapeng Transformer Co. tại Hoa Kỳ đã giao lô biến áp bị tịch thu cho biết, hiệu ứng này đã ngăn cản các nhà phân phối điện của Hoa Kỳ mua thiết bị Trung Quốc để thay thế các linh kiện cũ trong mạng lưới điện quốc gia. Ông Cai nói, mặc dù công ty của ông đã cung cấp phụ tùng cho các công ty khai thác điện tư nhân và điện lưới của chính phủ ở Hoa Kỳ trong gần 15 năm mà không có khiếu nại nào về an ninh, nhưng ít nhất đến nay đã có một công ty điện Hoa Kỳ hủy bỏ hợp đồng mua máy biến áp của công ty ông.

Chỉ thị của Tổng thống Trump gắn liền với một nỗ lực rộng lớn hơn, đó là đưa các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc trở về Hoa Kỳ. “Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm làm suy yếu chuỗi cung ứng của Trung Quốc vào đất nước Hoa Kỳ”, cựu cố vấn Nhà Trắng Mike McKenna cho biết.

Căng thẳng leo thang có thể gây nguy hiểm cho sự phục hồi của nền kinh tế Hoa Kỳ cũng như cam kết của Trung Quốc sẽ mua 200 tỷ đô la hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ trong hai năm tới. Theo số liệu tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ cơ quan Hải quan Trung Quốc, các thương vụ nhập khẩu hàng hóa Hoa Kỳ của Trung Quốc có sự gia tăng trong tháng Năm khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi sau nhiều tháng đóng cửa vì đại dịch. Tuy nhiên, mức độ nhập khẩu còn quá thấp so với yêu cầu để có thể đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Cuộc chiến Mỹ-Trung cũng có thể được xem là nhân tố trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ tháng 11. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton cáo buộc trong một cuốn sách mới rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình giúp ông tái đắc cử bằng cách mua thêm các sản phẩm nông nghiệp. Nhà Trắng đã bác bỏ cáo buộc này là không đúng sự thật.

“Tôi không nghĩ chỉ một đòn duy nhất là đã khiến quan hệ Mỹ-Trung trở nên không thể kiểm soát,” chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ Myron Brilliant nói. “Mỗi bên sẽ hiệu chỉnh các phản ứng của mình để không đẩy mọi việc đi quá xa”.

Hãy lấy cuộc “so găng” trên lĩnh vực truyền thông gần đây làm ví dụ. Sau khi Hoa Kỳ xác định năm công ty truyền thông Trung Quốc “phái bộ ở nước ngoài”, Trung Quốc đã thu hồi thẻ nhà báo của ba phóng viên Tạp chí Wall Street vì đã viết một bài báo với tiêu đề mô tả Trung Quốc là “người bệnh của châu Á”.

Sau đó, chính quyền Tổng thống Trump đã ra lệnh cho các cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc cắt giảm nhân viên làm việc tại Hoa Kỳ. Ngay lập tức, vào tháng Ba, Bắc Kinh đã trục xuất hơn một chục nhà báo Hoa Kỳ làm việc tại Trung Quốc để trả đũa.

Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có nhiều cơ hội để gia tăng áp lực kiểm soát. Một dự luật được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua vào tháng Năm có thể thúc đẩy hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của Hoa Kỳ nếu các công ty này tiếp tục không cho phép giới chức Hoa Kỳ xem xét kiểm toán tài chính của họ.

Gần đây, khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ áp đặt lệnh cấm cấp thị thực cho các quan chức ĐCSTQ bị cáo buộc xâm phạm quyền dân chủ của Hong Kong, một quan chức cấp cao đã nói rõ rằng đây mới chỉ là một động thái mở đầu của chiến dịch ép buộc Bắc Kinh rút lui những hạn chế mới đối với đặc khu Hong Kong.

Tương tự, Trung Quốc có thể làm chậm quá trình phê duyệt và cấp phép theo quy định, mở các cuộc điều tra theo luật chống độc quyền và siết chặt các công ty tài chính Hoa Kỳ muốn kinh doanh tại thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn, nước này có thể hủy bỏ cam kết trao quyền kiểm soát cho các công ty tài chính Hoa Kỳ trong các liên doanh ngân hàng đầu tư Trung Quốc, theo một nhà phân tích của tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng Cowen của Hoa Kỳ.

“Trung Quốc sẽ không có bất kỳ thỏa hiệp đáng kể nào và sẽ trả đũa mọi lúc mọi nơi”, ông Shi, cố vấn của chính phủ Trung Quốc cho biết.

Các công ty vẫn bị cuốn hút và tìm đến Trung Quốc bởi thị trường bao la của nó - và căng thẳng trong mối quan hệ với Hoa Kỳ không thể vượt qua sức hấp dẫn của siêu cường châu Á. Chỉ 1/5 các công ty được Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc khảo sát cuối năm 2019 cho biết họ đã hoặc đang xem xét chuyển dịch một số hoạt động ra khỏi Trung Quốc.

Nhưng sau đó, đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã khiến nhiều công ty thừa nhận rủi ro của việc phụ thuộc trong chuỗi cung ứng, quan ngại về chuyển giao công nghệ cưỡng ép, chi phí và căng thẳng gia tăng. Tất cả những điều này sẽ có thể làm suy giảm đầu tư ở Trung Quốc.

Trung Quốc không còn là nước sản xuất chi phí thấp nhất và các công ty trở nên nghi ngại khi cân nhắc đầu tư, James Lewis, giám đốc Chương trình chính sách công nghệ tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington cho biết. “Mọi người đều muốn quay trở lại thị trường Trung Quốc của năm 2010 - nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi rồi”.

Nguyên Hương
Theo Bloomberg

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Mối thâm thù Mỹ-Trung tiếp tục leo thang trên mọi mặt trận