Lý do khiến Học thuyết Trump thích hợp tại Trung Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có những thay đổi kỳ diệu và thú vị đang diễn ra trên khắp thế giới, và giới truyền thông có thể không nhìn thấy hoặc lựa chọn bỏ qua, bởi vì những thay đổi này không thể được sử dụng để lèo lái những câu chuyện yêu thích của họ.

Giới truyền thông phương Tây đã mù quáng trước những gì đã và đang thực sự xảy ra trong thập kỷ qua ở Trung Đông. Nhiều phóng viên vẫn mắc kẹt trong thời đại tổng thống Bush, thời kỳ bắt đầu của các cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan.

Một quan điểm bao trùm lên các bản tin trên báo chí Hoa Kỳ về các vấn đề trong chính sách đối ngoại đối với Trung Đông là: nếu Hoa Kỳ không đơn phương can thiệp, hoặc tối thiểu là dẫn dắt các quốc gia khác làm điều đó thì các vấn đề ở Trung Đông sẽ không xoay chuyển.

Sự khẳng định này không xuất phát từ thời tổng thống George W. Bush. Đó là quan điểm của nhiều vị tổng thống tiền nhiệm của ông.

Trên thực tế, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ và Liên Xô đều sử dụng vùng Trung Đông để cạnh tranh, bên nào cũng tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.

Nhiều quốc gia trong khu vực đã nhận được đề nghị từ cả hai bên của Chiến tranh Lạnh. Không ít quốc gia trong số đó đã nhân cơ hội để “bắt cá hai tay”.

Học thuyết Trump hoàn toàn khác biệt

Học thuyết của Tổng thống Donald Trump về chính sách đối ngoại đối với khu vực Trung Đông hoàn toàn khác biệt với tất cả các vị tổng thống tiền nhiệm của ông, đặc biệt với tổng thống Barack Obama.

Có những lý do rất thực tế và thuyết phục để ông Trump thực hiện chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên tới Ả Rập Saudi với tư cách là tân tổng thống của Hoa Kỳ.

Tổng thống Trump đã thể hiện cho người dân Saudi và các đồng minh của họ trong khu vực thấy rằng ông sẽ hoàn toàn khác biệt với tổng thống Obama. Thứ nhất, ông thực sự luôn lắng nghe và thấu hiểu những gì người dân đang nói.

Nếu các quốc gia xung quanh Iran có khả năng kiểm soát quân sự và bảo đảm nền an ninh khu vực của chính họ, thì Hoa Kỳ hoặc các cường quốc khác sẽ không có lý do để can thiệp.

Dân chúng Saudi vô cùng hạnh phúc vì đã tìm được vị tổng thống muốn giúp họ tự giải quyết vấn đề của mình. Họ chờ đợi tổng thống Trump đến thăm đất nước của họ để có thể công khai chào đón và cảm ơn ông vì điều đó.

Báo chí vẫn không nắm bắt được ý nghĩa thực sự của chuyến công du Ả Rập Saudi của Tổng thống Trump

Khi tổng thống Trump tới thăm nước Ẳ Rập Saudi, một trang tin vẫn đang cố gắng đưa tin rằng ông Trump với hình ảnh một con rối bóng bẩy giờ là Tổng thống của Hoa Kỳ đã cười vang khi tạo dáng để chụp bức ảnh cùng “điệu múa kiếm” và “nghi lễ toàn cầu lố bịch”.

Ai là người không cười về điệu múa kiếm hay nghi lễ toàn cầu? Đó chính là tổ chức ISIS, là Abu Bakr al-Baghdadi, là Qassem Soleimani, là Mullahs Iran, Houthis, tổ chức Hezbollah và bất kể nhóm khủng bố cực đoan nào trong khu vực.

Cho đến ngày nay, các phương tiện truyền thông chính thống vẫn không nắm bắt được bản chất của những gì đang diễn ra ngay trước mắt họ. Tổng thống Trump lắng nghe người dân địa phương, trong khi mọi tổng thống trước đó đều sải bước uy nghiêm và nói với họ phải làm gì.

Thay vào đó, Tổng thống Trump tiếp cận họ theo cách rất bình đẳng và tôn trọng. Ông nói với họ: “Hãy cho tôi biết làm thế nào để tôi có thể giúp các bạn. Các bạn là chủ nơi đây. Đây là đất nước, là khu vực của các bạn. Tôi là khách. Hãy cho tôi biết các bạn cần tôi làm gì cho các bạn”.

Cách tiếp cận của tổng thống Trump với Iran

Trong khi ông Obama dùng chính sách xoa dịu Iran và Nga - cường quốc đứng sau Iran, ngay từ đầu Tổng thống Trump không làm theo cách đó mà đã theo đuổi chính sách đối nghịch.

Hoàn thành ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran thực sự là thành công lớn nhất của tổng thống Obama; hầu như mọi động thái của chính sách đối ngoại mà Obama lựa chọn thực hiện, hoặc không thực hiện trong hai nhiệm kỳ tổng thống đều là tránh không làm tổng thống Vladimir Putin ở Moscow, chủ tịch Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng, tổng thống Bashar Assad ở Damascus, chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, hoặc các nhà lãnh đạo của Iran phải nổi giận.

Có những quốc gia khác theo dõi ông Obama ngay từ giai đoạn đầu trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Những gì họ thấy đã khiến họ lo lắng và thất vọng đến mức cuối cùng họ phải quyết định bàn bạc và đưa ra phương án giải quyết cho các vấn đề nan giải trước đó. Kết quả là hơn một chục quốc gia đã cùng liên minh quân sự để tự kiểm soát vũ trang và bảo vệ an ninh lãnh thổ của họ.

Chỉ sau một cuộc gặp mặt với tổng thống Obama vào năm 2009, Quốc vương Ả Rập Saudi Abdullah đã nhận thấy vị tân tổng thống Hoa Kỳ sẽ không thể giúp họ hạn chế hoạt động bá quyền của Iran trong khu vực. Trên thực tế, họ đã thấy rõ rằng tổng thống Obama hoàn toàn có ý định thúc đẩy các nỗ lực ngoài biên giới của Iran và sẽ bơm một lượng tiền mặt khổng lồ vào quốc gia này cũng như gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Đó chính là những điều mà các nước xung quanh Iran không muốn nghe. Nếu Hoa Kỳ không những không giúp kiềm chế Iran mà còn hậu thuẫn để Iran trở thành nước bá chủ hạt nhân trong khu vực, thì họ buộc phải tự tìm kế hoạch đối phó.

Và họ đã làm như vậy.

Đến khi ông Trump đắc cử năm 2016, họ đã hoàn toàn sẵn sàng.

Và sau đó là thời điểm họ biểu diễn điệu múa kiếm.

Tác giả: Brian Cates

Brian Cates là nhà văn tại Nam Texas và là tác giả của cuốn sách “Không có ai hỏi ý kiến tôi… Cho dù vậy, tôi vẫn đưa ra ý kiến của mình!”. Chúng ta có thể liên hệ với Brian trên Twitter @drawandstrike.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Nguyên Hương (biên dịch)

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Lý do khiến Học thuyết Trump thích hợp tại Trung Đông