Luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh gây rủi ro cho tự do toàn cầu ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày càng rõ ràng rằng bất kỳ ai ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể bị nhắm mục tiêu theo Luật An ninh Quốc gia Hong Kong của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — một mối đe dọa mà các chuyên gia gọi là chưa từng có và là sự xuất khẩu mô hình áp bức của ĐCSTQ ra toàn cầu.

Luật An ninh Quốc gia Hong Kong có hiệu lực vào ngày 1/7, cho phép ĐCSTQ toàn quyền nhắm mục tiêu vào các cá nhân nào mà chính quyền này cho là có hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc thông đồng với các thế lực nước ngoài. Mức án cao nhất cho các hành vi phạm tội này là tù chung thân.

Luật này làm dấy lên quan ngại rằng Hong Kong sẽ trở thành giống như bất kỳ thành phố nào khác của Trung Quốc đại lục dưới sự kìm kẹp độc tài của ĐCSTQ. Đến nay mối đe dọa đã lan rộng ra ngoài Hong Kong.

Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ người Mỹ - Samuel Chu - và 5 người khác đã bị chính quyền Hong Kong ban hành lệnh bắt giữ sau khi luật an ninh quốc gia được thực thi.

Ông Chu viết trong một bài báo: “Mọi điều khoản của luật này - được xây dựng ở Bắc Kinh và được ban hành mà không có sự tham gia của cơ quan lập pháp Hong Kong - áp dụng cho tất cả mọi người bên ngoài Hong Kong. Không ai nằm ngoài tầm kiểm soát của luật này, bao gồm cá nhân tôi ở Mỹ và chắc chắn bao gồm cả 85.000 người Mỹ khác đang sống và làm việc ở Hong Kong”.

Để đáp lại luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt tại Hong Kong, ngày 7/8, chính quyền Tổng thống Trump đã ban hành lệnh trừng phạt Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cùng 10 quan chức Hong Kong và Trung Quốc khác. Các lệnh trừng phạt bao gồm đóng băng bất kỳ tài sản nào ở Hoa Kỳ mà các quan chức có, đồng thời cấm người Mỹ giao thương với những cá nhân này. Trung Quốc nhanh chóng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt không xác định đối với 11 chính trị gia Hoa Kỳ và người đứng đầu các tổ chức thúc đẩy các mục tiêu dân chủ — bằng với con số mà Hoa Kỳ đã nhắm mục tiêu ban đầu.

Một trong số 11 chính trị gia trong danh sách trừng phạt của Trung Quốc là Michael Abramowitz - chủ tịch của Freedom House, một tổ chức phi lợi nhuận do chính phủ tài trợ có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Annie Boyajian - giám đốc vận động của tổ chức Freedom House - nói Luật An ninh Quốc gia Hong Kong là một ví dụ mới nhất về việc ĐCSTQ “tìm cách xuất khẩu mô hình áp bức của họ [ra thế giới]”.

“Thật là nực cười khi ĐCSTQ tuyên bố luật này áp dụng rộng rãi như thế nào trước tần suất các quan chức Trung Quốc đưa ra các nguyên tắc về không can thiệp và về chủ quyền quốc gia”, bà Boyajian mô tả luật này là “đáng phẫn nộ”.

Ông Chu nằm trong danh sách 5 người khác bị Trung Quốc phát lệnh truy nã do nghi ngờ ly khai hoặc cấu kết với các thế lực nước ngoài, và bị phạt tù chung thân.

“Nói rõ hơn, [ông Chu] đang thực hiện công việc vận động hành lang đó ở Hoa Kỳ — cho chính phủ của riêng ông ấy”, bà Boyajian nói thêm.

Các biện pháp trừng phạt chống lại chủ tịch của tổ chức Freedom House dựa trên các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với tổ chức này vào tháng 12/2019. Bà Boyajian cho biết động thái mới nhất là một dấu hiệu cho thấy hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các quan chức Hong Kong và ĐCSTQ.

Gieo rắc nỗi sợ hãi

Ông Scott Watnik thuộc công ty luật Hoa Kỳ Wilk Auslander là đồng chủ tịch thực hành an ninh mạng của công ty cho biết, Luật An ninh Quốc gia Hong Kong là “hoàn toàn chưa từng có”; luật này áp dụng cho tất cả mọi người trên thế giới “không có biện pháp bảo vệ đối với những người nước ngoài không phải công dân thường trú”.

Ông Watnik nói: “Trung Quốc đang nhắm tới mục tiêu gieo rắc nỗi sợ hãi cho các nhà phê bình [ĐCSTQ] trên toàn thế giới và kiểm soát thông tin, với mục đích khiến các nhà báo và quan chức chính phủ [của các quốc gia] phải suy nghĩ kỹ trước khi họ chỉ trích chế độ Trung Quốc. Ít nhất ở một mức độ nào đó, Trung Quốc có thể sẽ đạt được một số thành công trong việc tạo ra hiệu ứng sợ hãi này”.

Ông nói, bất kỳ ai bình luận về các vấn đề ở Hong Kong đều có thể có nguy cơ vi phạm luật này.

Luật An ninh Quốc gia Hong Kong được đưa ra sau khi người dân Hong Kong thực hiện biểu tình ủng hộ dân chủ trong nhiều tháng từ đầu năm 2019.

Donald Kendal - nhà nghiên cứu và đồng lãnh đạo của Dự án Ngăn chặn Chủ nghĩa Xã hội tại Viện Heartland - nói với The Epoch Times:

“Thực tế là những vấn đề này đang nhận được quá ít sự chú ý của quốc tế. Luật này được viết rộng rãi đến mức tất cả quyền lực diễn giải và thực thi luật này “nằm trong tay Bắc Kinh, mà không có bất kỳ cơ quan tư pháp hoặc cơ quan nào khác kiểm tra chính phủ Trung Quốc”.

“Luật pháp không có giới hạn; nó có nghĩa là bất cứ điều gì Bắc Kinh nói nó có nghĩa như nào thì là như thế”, ông nói thêm.

Có nhiều hành động mà Hoa Kỳ có thể thực hiện để chống lại luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh, chẳng hạn như mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Hong Kong, thúc giục quốc gia dân chủ khác áp đặt các biện pháp trừng phạt tương ứng và chào đón những người Hong Kong buộc phải rời bỏ quê hương của họ, theo bà Boyajian.

Bà nói, việc biến Hong Kong thành một chính quyền độc tài đang diễn ra với “tốc độ chóng mặt”. Các quan chức Bắc Kinh thay vì coi Hong Kong là một trong những tài sản lớn nhất của họ, đã mở một chiến dịch đàn áp nhằm “gây tổn hại cho chính họ”.

Ông Abramowitz viết trong một bài báo: “Sự tương phản giữa các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và Trung Quốc: Mục đích của Hoa Kỳ là trừng phạt các hành vi vi phạm nhân quyền, còn mục đích của Trung Quốc là trừng phạt những người lên tiếng về những vi phạm nhân quyền đó”.

Bà Boyajian cho biết, những bất tiện đối với nhân viên của tổ chức Freedom House do những hành động mới nhất của Bắc Kinh “không là gì so với những hy sinh của những người ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục để bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản và tự do [của con người]. Đó là vinh dự của chúng ta khi sát cánh cùng họ".

Kể từ khi luật an ninh quốc gia tại Hong Kong có hiệu lực, chính quyền Hong Kong đã leo thang nỗ lực nhằm hạn chế các quyền tự do của thành phố. Giới chức đã hoãn cuộc bầu cử lập pháp dự kiến diễn ra vào tháng Chín trong một năm, với lý do lo ngại về virus Corona Vũ Hán; loại 12 ứng cử viên ủng hộ dân chủ đã giành được phiếu bầu trong một cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức.

Các khẩu hiệu phản đối phổ biến cũng bị cho là vi phạm pháp luật.

Ông Watnik cũng như các chuyên gia khác, tin rằng luật an ninh có thể sẽ là một sự phản tác dụng đối với ĐCSTQ khi chính quyền này hiện là trung tâm chú ý của thế giới. Ông gọi các biện pháp trừng phạt trả đũa của Trung Quốc đối với các nhà lập pháp Hoa Kỳ là “yếu ớt và trống rỗng, vì chúng không có tác dụng thực tế”. Ông nói, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc, như Hoa Kỳ đã làm, có thể gây tổn hại cho các công ty Hoa Kỳ trong ngắn hạn, nhưng đánh vào ĐCSTQ về mặt tài chính “có thể là cách duy nhất để chấm dứt chế độ độc tài này ở Trung Quốc”.

Các quan chức Trung Quốc tuyên bố luật an ninh quốc gia sẽ nhắm vào một bộ phận nhỏ trong xã hội, nhưng các sự kiện gần đây đã cho thấy điều ngược lại.

ĐCSTQ đã tạo ra “một kế hoạch chi tiết về cuộc bức hại, theo dõi và trấn áp những cá nhân dám thể hiện bất đồng chính kiến”, ông David Curry - giám đốc điều hành của Open Doors USA - một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ những người theo đạo Cơ đốc bị đàn áp trên toàn cầu, nói với The Epoch Times. Ông cũng khẳng định lịch sử đàn áp tôn giáo của ĐCSTQ.

Luật mới của Bắc Kinh cũng nhấn mạnh cách thức ĐCSTQ sẵn sàng “bỏ qua các thỏa thuận mà họ đã cam kết trước đó để tăng thêm lợi ích đế quốc của chính họ”, Edward Bourke - giám đốc điều hành của nhóm hành động chính trị Victoria Forward có trụ sở tại Úc, cho biết.

Ông Bourke nói rằng ĐCSTQ chỉ phản ứng trước sức mạnh, nhấn mạnh rằng cộng đồng toàn cầu phải có lập trường kiên quyết và thống nhất chống lại ĐCSTQ bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt thích hợp.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh gây rủi ro cho tự do toàn cầu ra sao?