Logo các thương hiệu thời trang phương Tây bị làm mờ trên truyền hình Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chương trình truyền hình Trung Quốc gần đây đã bắt đầu làm mờ logo của các thương hiệu bán lẻ phương Tây mỗi khi chúng xuất hiện cùng thời trang của các ngôi sao truyền hình, BBC đưa tin ngày 7/4.

Theo Breibart News, gần đây, trong các tập cuối của chương trình truyền hình thực tế Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng nổi tiếng Trung Quốc (Sisters Who Make Waves), các ca sĩ và diễn viên trông như đang bay lơ lửng trên mây bởi không thấy rõ giày của họ. Chương trình Sáng Tạo Doanh 2021 (Chuang 2021) có hình ảnh một số ngôi sao bị mờ từ vai xuống đến mắt cá chân, vì họ đã mặc cả áo sơ mi và quần có thương hiệu phương Tây.

Tháng trước, chương trình cuộc thi truyền hình thực tế Cùng giới trẻ (Youth With You) đã khiến các biên tập viên hình ảnh phải thực hiện nhiệm vụ đặc biệt tẻ nhạt khi ít nhất 50 thí sinh của chương trình đều mặc áo phông có biểu tượng phương Tây.

Ngày 25/3 , công ty sản xuất hậu trường iQiyi thông báo hoãn tập phim sắp tới mà không đưa ra lý do. Sau đó hai ngày, bộ phim được chiếu và người xem ngay lập tức phát hiện ra rằng logo thương hiệu đã bị mờ trên áo phông của hơn 50 thí sinh”.

Ngày 22/3, Hoa Kỳ, Anh, Liên minh Châu Âu và Canada đã cùng áp đặt các biện pháp trừng phạt chung đối với các quan chức chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) vi phạm nhân quyền trên lãnh thổ Tân Cương của Trung Quốc, bao gồm cưỡng bức người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số và tôn giáo khác trong khu vực thu hoạch bông trong điều kiện lao động khổ sai.

Tân Cương là khu vực nằm dọc theo đường biên giới của Trung Quốc với vùng Trung Á.

Ngày 26/3, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với các quan chức và tổ chức của chính phủ Anh.

Trước thông tin về lệnh trừng phạt của Trung Quốc, một số thương hiệu bán lẻ nước ngoài sử dụng bông Tân Cương đã phản ứng bằng cách tố cáo các điều kiện lao động khổ sai của khu vực. Sự phản đối kịch liệt của công chúng đối với bông Tân Cương đã dẫn đến phản ứng tiếp theo của ĐCSTQ trong cùng ngày 26/3. Giới chức ĐCSTQ tiến hành một cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào các thương hiệu nước ngoài đã chỉ trích lao động khổ sai của người Duy Ngô Nhĩ.

Người khổng lồ 'thời trang nhanh' của Thụy Điển H&M, vốn tuyên bố sẽ ngừng mua bông Tân Cương năm 2020, là một trong những thương hiệu phương Tây đầu tiên bị ĐCSTQ nhắm tới sau lệnh trừng phạt chung ngày 22/3.

Hình ảnh người dân Tân Cương hái bông trên cánh đồng ngày 15/10/2005 ở thành phố Thạch Hà Tử, Tân Cương, Trung Quốc. (Guang Niu/Getty Images)

Theo The Epoch Times đưa tin, tối ngày 24/3, CCTV và Tân Hoa xã, hai cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ cũng liên tục đăng các bài bình luận, chỉ trích thương hiệu H&M này vì "Ăn cháo đá bát".

Hàng loạt hoạt động xúi giục đã kích động lòng thù hận sôi sục của giới trẻ Trung Quốc. Họ kêu gọi "kiên quyết tẩy chay", "hãy khiến H&M cút khỏi Trung Quốc", v.v. Công ty của Tống Thiến và Hoàng Hiên, 2 diễn viên kiêm đại sứ thương hiệu của H&M cũng đưa ra thông báo ngừng hợp tác với hãng sau vụ việc.

Từ ngày 26/3, H&M bị quan chức ĐCSTQ xóa khỏi mạng internet vốn đang bị kiểm duyệt gắt gao của Trung Quốc. Hiện tại, trên các nền tảng như Taobao, JD, Tmall, Pinduoduo, Vipshop, Suning, v.v. cũng không thể tìm thấy cửa hàng và sản phẩm của H&M.

Theo Breibart News, một số thương hiệu khác trong Hiệp hội Better Cotton Initiative (BCI) cũng bị trừng phạt tương tự, bao gồm Uniqlo, Nike, Adidas và Puma. Better Cotton Initiative (BCI) là một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy sản xuất bông bền vững. Tháng 10/2020, tổ chức này cho biết, họ đã đình chỉ các hoạt động ở Tân Cương cũng như dừng cấp phép cho các sản phẩm bông trong khu vực, do các cáo buộc và 'nguy cơ lao động cưỡng bức ngày càng tăng'.

Các nguồn tin cho hay, mặc dù đứng giữa làn sóng tẩy chay, nhưng các cửa hàng H&M ở Joy City, Bắc Kinh vẫn hoạt động bình thường. Tương tự, một số thương hiệu bị Trung Quốc tẩy chay khác như Nike, Adidas được cho là đã tung ra một đợt giảm giá mới, kết quả là các sản phẩm của họ đã được giới trẻ đại lục "tranh mua"

Trang web chính thức của H&M Trung Quốc công bố, tính đến cuối năm 2020, H&M tổng cộng có 445 cửa hàng tại 146 thành phố ở Trung Quốc, với tổng doanh thu là 9,75 tỷ SEK (khoảng 1,133 tỷ USD) vào năm 2020. Được biết, Trung Quốc là một trong 4 thị trường lớn của thương hiệu quần áo này trên thế giới, theo The Epoch Times.

Nguyên Hương

 

 



BÀI CHỌN LỌC

Logo các thương hiệu thời trang phương Tây bị làm mờ trên truyền hình Trung Quốc