Lệnh hành pháp của Tổng thống Trump về Hong Kong sẽ ‘gây ra nỗi đau’ cho ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà phân tích cho biết, các hành động của Hoa Kỳ nhằm đáp trả việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát với Hong Kong sẽ “gây ra nỗi đau” cho các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đồng thời làm giảm sức hấp dẫn của thành phố từng là trung tâm tài chính của thế giới.

Ngày 14/7, Tổng thống Donald Trump đã ban hành một dự luật quy định các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và ngân hàng tham gia hỗ trợ ĐCSTQ làm xói mòn quyền tự trị của Hong Kong. Ông cũng đã ký một lệnh hành pháp chấm dứt chế độ ưu đãi Hong Kong của Hoa Kỳ.

Ông Trump cho biết "Đạo luật tự trị Hong Kong" đã được Quốc hội Hoa Kỳ nhất trí thông qua. Đạo luật này cung cấp “các công cụ mới mạnh mẽ buộc các cá nhân và các thực thể liên quan đến việc dập tắt tự do Hong Kong phải chịu trách nhiệm”.

Đồng thời, lệnh hành pháp sẽ thu hồi hoặc đình chỉ các đặc quyền mà Hong Kong được hưởng từ Hoa Kỳ trong các lĩnh vực bao gồm nhập cư, thương mại và đầu tư.

Tổng thống Trump khẳng định: “Tới đây, Hong Kong sẽ được đối xử giống như Trung Quốc đại lục. Không có đặc quyền, không có đối xử kinh tế đặc biệt và không xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm”.

Các động thái này nhằm đáp trả việc chính quyền Bắc Kinh đơn phương áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hong Kong, cho phép khởi tố hình sự các cá nhân có hành vi được coi là ly khai, lật đổ và “thông đồng với các lực lượng nước ngoài”. Nhiều cư dân lo lắng rằng điều luật này sẽ mở ra một kỷ nguyên của chế độ cai trị độc tại tại đặc khu này.

Trừng phạt giới chức ĐCSTQ

Ông John R. Mills cho biết sắc lệnh có một điều khoản “rất quyền lực”, cho phép chính quyền Washington đóng băng tài sản của các quan chức Trung Quốc và Hong Kong chịu trách nhiệm về hành vi đàn áp khu tự trị này. Ông Mills là cựu giám đốc chính sách, chiến lược và các vấn đề quốc tế về an ninh mạng tại Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều này áp dụng cho các quan chức và các nhà lãnh đạo liên quan đến việc soạn thảo và phát triển luật an ninh quốc gia, phá hoại các quy chế dân chủ ở Hong Kong, kiểm duyệt hoặc hạn chế quyền tự do ngôn luận hoặc báo chí, và vi phạm nhân quyền tại thành phố này. Các biện pháp trừng phạt thứ cấp cũng có thể được áp dụng đối với những người hoặc tổ chức đã cung cấp hỗ trợ tài chính, vật chất hoặc công nghệ cho các quan chức bị xử phạt.

Theo ông Mills, biện pháp này, cùng với các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật tự trị Hong Kong, sẽ gửi tới ĐCSTQ một thông điệp mạnh mẽ.

“Chúng ta đang đặt ra cái giá phải trả cho hành vi xấu”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn.

Ông cũng bổ sung thêm rằng: “Một trong những câu chuyện chưa được kể về những gì đang diễn ra là, một số quan chức cấp cao của ĐCSTQ và Trung Quốc nói chung đều có tài sản ở Hoa Kỳ”.

Cựu giám đốc Mills cho biết, khối lượng lớn tài sản nước ngoài do các quan chức nắm giữ đã dẫn tới “một cuộc bỏ phiếu không tin tưởng” trong nội bộ ĐCSTQ.

Vì vậy, bất kỳ động thái nào để đóng băng các tài sản của các quan chức này tại Hoa Kỳ sẽ làm tổn thương nhiều thành viên ĐCSTQ cấp cao.

“Có rất nhiều quan chức không hài lòng về [sắc lệnh trừng phạt này], và nó sẽ gây ra sự ồn ào, bất hòa và có thể là cả xung đột trong nội bộ ĐCSTQ”.

‘Không khác gì Đại lục’

Gordon Chang, một nhà phân tích Trung Quốc tại Hoa Kỳ cho biết, tác động tổng thể từ luật an ninh mới của Bắc Kinh và việc Hoa Kỳ quyết định rút các đặc quyền thương mại đặc biệt của Hong Kong, đã khiến thành phố này mất đi hẳn sự “hấp dẫn” vốn có trước đây đối với các doanh nghiệp.

Trao đổi với NTD, nhà phân tích Chang nhận định: “Thay vì đến Hong Kong, [các nhà đầu tư sẽ] trực tiếp đến Thâm Quyến, Thượng Hải hoặc bất cứ nơi nào. Và bạn phải nhớ rằng Hong Kong từng thực sự thịnh vượng khi Trung Quốc đóng cửa, vì mọi người đều phải đến Hong Kong”.

Edward Chin, giám đốc quỹ phòng hộ Hong Kong, cho biết, một số ông trùm kinh doanh và cựu quan chức Hong Kong đã chuyển các khối tài sản khổng lồ ra nước ngoài sau khi luật an ninh quốc gia được chính thức áp dụng.

Ông Chin nói với The Epoch Times rằng, luật pháp này “có thể tước đi cuộc sống của bạn bất cứ lúc nào”, và ông mô tả các điều khoản của điều luật là “mỏ khai thác đất liền”.

Ông nhấn mạnh: “Nó chẳng khác gì Trung Quốc đại lục. [Nếu] hỏi 10 người Hong Kong về luật an ninh quốc gia, 11 người sẽ phản đối”.

Trong một cuộc khảo sát các doanh nghiệp của Phòng Thương mại Mỹ công bố ngày 13/7, 3/4 trong số 183 doanh nghiệp được hỏi đã bày tỏ lo ngại về điều luật này, với nhiều ý kiến ​​chỉ ra sự mơ hồ của nó.

Một người tham gia khảo sát cho biết: “Là một người không thuộc đại lục và không phải đảng viên, tôi cảm thấy rất khó, để cảm thấy an toàn và tự tin với một điều luật được diễn đạt và cấu trúc khiến nó có thể mang bất kỳ nghĩa nào mà chúng ta nói tới”. 1/3 số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát cho biết họ đang cân nhắc di dời văn phòng của họ.

Điều luật này cũng đã khiến tờ báo The New York Times phải chuyển 1/3 số nhân viên từ Hong Kong sang Seoul.

Khi Hong Kong “bị tấn công” bởi những luật lệ nghiêm ngặt của Trung Quốc và các lệnh trừng phạt quốc tế, trung tâm tài chính quốc tế sẽ mất đi vị thế trước đây, nhà phân tích Chang nói. “Đây vẫn sẽ là một trung tâm tài chính, nhưng chỉ là một trung tâm tài chính của Trung Quốc”.

Du Miên
Theo The Epoch Times

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Lệnh hành pháp của Tổng thống Trump về Hong Kong sẽ ‘gây ra nỗi đau’ cho ĐCSTQ