Sau lệnh cấm của Ấn Độ đối với các ứng dụng Trung Quốc: TikTok và những công ty khác bị ảnh hưởng như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các cuộc đối đầu Trung-Ấn gần đây ngày càng gia tăng và trải rộng từ các cuộc đụng độ biên giới đẫm máu đến kêu gọi tẩy chay hàng nhập khẩu Trung Quốc. Hiện tại, căng thẳng đã lan sang cả không gian ảo và thế giới công nghệ.

Viện dẫn mối lo ngại về an ninh quốc gia, các nhà hoạch định chính sách ở New Delhi đã cấm hàng chục ứng dụng của Trung Quốc, từ thương mại điện tử đến phương tiện truyền thông xã hội và tin nhắn tức thời.

Hành động của Ấn Độ

Chính phủ Ấn Độ thông báo hôm thứ Hai (29/2) rằng họ đã quyết định cấm 59 ứng dụng di động Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Bộ Công nghệ Thông tin nước này "đã nhận được nhiều khiếu nại từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm một số báo cáo về việc lạm dụng của một số ứng dụng di động có sẵn trên nền tảng Android và iOS - đánh cắp và lén lút truyền dữ liệu của người dùng một cách trái phép tới các máy chủ có vị trí bên ngoài Ấn Độ”.

Thông báo cho rằng việc cấm các ứng dụng Trung Quốc "sẽ bảo vệ lợi ích của ... người dùng di động và Internet Ấn Độ. Quyết định này là một động thái có mục tiêu nhằm đảm bảo sự an toàn và chủ quyền không gian mạng của đất nước”.

Tuy chính phủ Ấn Độ không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chống lại các ứng dụng Trung Quốc, nhưng các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới từ lâu đã lo ngại về khả năng dữ liệu người dùng được chuyển sang Bắc Kinh. Một số người cũng cho rằng sự phổ biến ngày càng tăng của các ứng dụng Trung Quốc trong các nhân viên chính phủ và quân nhân có thể là mối đe dọa đối với an ninh mạng, vì các công ty viễn thông và công nghệ ở Trung Quốc bắt buộc phải hợp tác với Bắc Kinh nếu được yêu cầu.

Hiện vẫn chưa rõ lệnh cấm sẽ được thực hiện như thế nào. Nhưng ít nhất một ứng dụng - TikTok - không còn có sẵn để tải xuống ở Ấn Độ.

Tại sao Ấn Độ hành động?

Quyết định này được đưa ra sau cuộc giáp chiến chết chóc đầu tiên giữa quân đội 2 nước sau 45 năm. Cuộc đụng độ xảy ra ở phía tây dãy Himalaya và khiến khoảng 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Trung Quốc không tiết lộ con số thương vong.

Căng thẳng sau đó lan nhanh sang ngành thương mại. Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu xem xét các mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh và kêu gọi các công ty viễn thông nhà nước không sử dụng thiết bị từ Huawei Technologies và các nhà cung cấp khác của Trung Quốc.

Hashtag #BoycottChinese Products (tẩy chay hàng hóa Trung Quốc) đã đạt được sức hút mạnh mẽ trên phương tiện truyền thông xã hội. “Xóa Ứng dụng Trung Quốc” (Remove China Apps) - một ứng dụng cho phép người dùng phát hiện nguồn gốc Trung Quốc của bất kỳ ứng dụng nào trên điện thoại của họ và xóa chúng nếu muốn - đã được tải xuống ít nhất 1 triệu lần trong vòng 10 ngày kể từ khi ra mắt. Tuy nhiên, ứng dụng này sau đó bị Google xóa vì vi phạm các quy tắc của nó.

Những công ty nào sẽ bị ảnh hưởng?

Hầu như tất cả các đại gia Internet ở Trung Quốc sẽ mất việc kinh doanh ở Ấn Độ, bao gồm ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng video ngắn TikTok; Tencent Holdings với ứng dụng nhắn tin WeChat; Alibaba Group Holding, nhà phát triển UC Browser; Nhà cung cấp dịch vụ bản đồ Baidu; và Sina, công ty điều hành nền tảng truyền thông xã hội Weibo.

Các công ty phần cứng Trung Quốc cũng đã cảm thấy sức nóng. Chẳng hạn, ứng dụng Mi Video Call của nhà cung cấp điện thoại thông minh Xiaomi đã được đưa vào danh sách các ứng dụng bị cấm.

Động thái mới của Ấn Độ cũng được cho là sẽ khiến một công ty đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc gặp khó khăn, sau khi Club Factory, một trang web thương mại điện tử mới nổi cũng bị cấm.

Các công ty Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Vì thị trường nội địa vẫn là miếng bánh ngọt nuôi dưỡng hầu hết các công ty Trung Quốc, những lệnh cấm của Ấn Độ có thể không làm tổn hại nhiều đến hiệu quả tài chính của họ. Tuy nhiên, lệnh cấm đã phủ bóng đen lên tham vọng toàn cầu của những công ty này.

Ấn Độ từ lâu đã được coi là một bước đệm cho các công ty Trung Quốc chiếm lĩnh của thị trường toàn cầu. Nhiều người tin rằng sự tương đồng giữa 2 nước - dân số đông đúc, diện tích đất rộng lớn và xã hội thay đổi nhanh chóng - giúp các công ty Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến với các đối thủ toàn cầu ở Ấn Độ.

Theo thống kê của Sensor Tower, TikTok với 323 triệu lượt tải xuống đã trở nên rất phổ biến ở Ấn Độ vào năm 2019. Điều này khiến Ấn Độ trở thành thị trường lớn nhất của ứng dụng video ngắn của Trung Quốc năm ngoái, chiếm gần một nửa số lượt tải xuống trên toàn cầu.

Theo cổng thông tin ngành công nghiệp Statcorer, UC Browser của Alibaba cũng đã chiếm khoảng 12,6% thị trường trình duyệt của Ấn Độ vào tháng 5. Mặc dù nó vẫn thua xa Chrome của Google, nắm giữ 75%, nhưng nó vượt xa so với Safari và Firefox của Apple, với thị phần lần lượt 3,2% và 2,15%.

Bước tiếp theo là gì?

Đây không phải là lần đầu tiên các ứng dụng Trung Quốc bị cấm ở Ấn Độ. Tháng 4 năm ngoái, TikTok cũng đã tạm thời đóng cửa sau khi tòa án bang phán quyết rằng nó đang lan truyền nội dung khiêu dâm. Không rõ các hạn chế hiện tại sẽ kéo dài bao lâu.

Nikhil Gandhi, người đứng đầu TikTok Ấn Độ, cho biết trong một tuyên bố vào thứ ba qua Twitter rằng công ty đang trong quá trình tuân thủ quy tắc mới và TikTok sẽ gặp các quan chức chính phủ để trình bày và gửi yêu cầu làm rõ.

Công ty này cho biết: "TikTok tiếp tục tuân thủ tất cả các yêu cầu về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu theo luật Ấn Độ và không chia sẻ bất kỳ thông tin nào của người dùng của chúng tôi ở Ấn Độ với bất kỳ chính phủ nước ngoài nào, kể cả chính phủ Trung Quốc. Hơn nữa nếu chúng tôi được yêu cầu trong tương lai, chúng tôi sẽ không làm như vậy. Chúng tôi đặt ưu tiên cao nhất đối với quyền riêng tư và tính toàn vẹn của người dùng”.

Tencent, Alibaba và Baidu hiện chưa có bình luận nào về động thái mới của New Delhi.

Văn Thiện

Theo Nikkei Asian Review



BÀI CHỌN LỌC

Sau lệnh cấm của Ấn Độ đối với các ứng dụng Trung Quốc: TikTok và những công ty khác bị ảnh hưởng như thế nào?